"Cấy" bệnh vào một cơ thể quá khỏe mạnh để trở nên "ốm yếu" hơn: Cách đối phó khôn ngoan của lãnh đạo Unilever khi vừa "suýt chết" vì bị thâu tóm
Đôi khi, một doanh nghiệp khỏe mạnh quá cũng không phải điều tốt lành gì. Unilever, sau vụ “hút chết” vào tay Kraft, đã quyết định “cấy” thêm mầm bệnh vào cơ thể và làm cho mình “ốm yếu” đi một chút, nhằm tránh các vụ thâu tóm tiếp theo.
Tháng 2 vừa qua, giới tài chính thế giới được phen chấn động khi Kraft Heinz – đơn vị được “chống lưng” bởi 2 cổ đông lớn gồm Tập đoàn Brazil 3G Capital và tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett bất ngờ tuyên bố đề nghị thâu tóm Unilever trong một thương vụ lớn nhất từ trước đến nay với giá trị lên tới 143 tỷ USD.
Dù rút lại lời đề nghị thâu tóm chỉ 48 giờ sau đó và bản thân phía Unilever cũng từ chối lời đề nghị này nhưng có thể dễ dàng nhận thấy đây là bước đi chiến lược quan trọng của Kraft Heinz bởi nó sẽ giúp công ty dễ dàng mở rộng ra phạm vi toàn thế giới.
“Tiềm năng đối với thoả thuận này không chỉ nằm ở mặt lợi nhuận. Kraft Heinz sẽ có cơ hội tăng trưởng trong dài hạn về mặt cấu trúc trong việc phát triển những thị trường cực kỳ hấp dẫn”.
“Khả năng phát triển lâu dài được xây dựng bởi những hàng hoá có tỉ lệ lợi nhuận cao trên toàn thế giới, đó là những gì Kraft mong muốn có được với giao dịch này”, phía Kraft đánh giá.
Đó là với Kraft, về phía Unilever, CEO Paul Polman gọi đây là trải nghiệm “suýt chết”. Nếu như bản thân phía Kraft không chủ động rút lại lời đề nghị, Unilever hoàn toàn có thể bị nuốt chửng bởi Kraft Heinz – công ty được hậu thuẫn bởi 3G Capital – đơn vị đánh giá là “kẻ săn hàng đáng sợ nhất” ngành thực phẩm.
Graeme Pitkethly, Giám đốc Tài chính Unilever thậm chí phát biểu tại một cuộc họp diễn ra 1 tuần sau khi Kraft Heinz đưa ra lời đề nghị thâu tóm rằng: “Đây quả là giây phút choáng váng đối với Unilever”.
Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi tại sao một công ty đa quốc gia khổng lồ như Unilever, sở hữu hơn 400 nhãn hàng (từ sốt mayonnaise Hellmann, kem Magnum cho đến dầu gội đầu Sunsilk, lăn khử mùi Axe); Hoạt động tại gần 200 quốc gia trên toàn thế giới; Kinh doanh tốt (lợi nhuận năm 2016 đạt 8 tỷ USD, tăng so với con số 7,22 tỷ USD vào năm 2015) lại có thể dễ dàng bị đề nghị thâu tóm tới vậy?
Câu trả lời có thể khá buồn cười đó là vì họ… quá mạnh.
Sau thương vụ bất thành, Unilever đã nhận thấy có 2 điểm quan trọng cần phải thay đổi: Phải tăng mức nợ thấp lên và cắt giảm chi phí hơn nữa ở các bộ phận tăng trưởng yếu để cải thiện biên lợi nhuận hoạt động.
Mức nợ thấp – thoạt nghe như là một yếu tố có lợi với bất kỳ DN nào, lại chính là yếu tố khiến Kraft Heinz có thể thâu tóm Unilever. Vì vậy, tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới đã quyết định sẽ gia tăng mức nợ, làm cơ thể vốn khỏe mạnh của mình “bệnh” hơn một chút. Bằng biện pháp này, bất kỳ công ty nào muốn thâu tóm lại Unilever, chắc chắn sẽ phải quan tâm hơn tới khoản nợ mà công ty này đang gánh.
“Có lẽ là hơi buồn cười vì như thế chẳng khác nào nói rằng ‘vì anh quá khỏe mạnh’. Nhưng trên thực tế nếu bảng cân đối kế toán quá đẹp sẽ khiến bạn dễ dàng trở thành ‘mồi ngon’ của 3G Capital. Giải pháp là bạn cần làm cho bản thân ốm một chút, nhưng không nhiều”, một lãnh đạo cao cấp trong ngành tiêu dùng nhanh chia sẻ.
Tỷ lệ nợ/Ebitda (thu nhập trước lãi vay và khấu hao) của một số công ty tiêu dùng lớn trên thế giới
Theo nguồn tin thân cận của tờ FT, Unilever đang tính nâng nợ ròng lên gấp 2,5 hoặc 3 lần EBITDA (thu nhập trước thuế lãi vay và khấu hao) từ mức tương đương (1) của hiện tại.
Ở mức 2,5 lần, Unilever sẽ có 29 tỉ euro phải chi tiêu vào năm 2020, theo Andrew Wood, chuyên gia phân tích tại Bernstein. Một phần trong số này có thể sẽ được hoàn lại cho cổ đông. Rõ ràng thương vụ thâu tóm hụt của Kraft cũng buộc Unilever phải quan tâm tới cổ đông hơn một chút.
Ngoài ra, ngay sau "giây phút choáng váng", các lãnh đạo hàng đầu ở mỗi bộ phận của Unilever đã được yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ hoạt động của bộ phận mình nhằm tìm cách gia tăng lợi nhuận cổ đông.
Cổ phiếu của Unilever đang giao dịch trên 39,50 bảng/cổ phiếu – mức giá được đề xuất bởi Kraft Heinz, càng gây áp lực khủng khiếp lên CEO Polman trong việc đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Đến cuối cùng, cổ đông vẫn chỉ quan tâm tới tiền của mình và nếu mức lợi nhuận họ thu về không được như kỳ vọng, họ sẵn sàng bán cổ phần của mình cho bất kỳ ai, dù đó có là đối thủ của Unilever.
Dù Polman từng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nên hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận dài hạn thay vì chỉ chăm chăm tới lợi ích của các cổ đông. Nhưng theo một cổ đông lớn ủng hộ Unilever thì “cần nghĩ đến lợi nhuận cho cổ đông nhiều hơn một chút”.