Câu chuyện về "Hoàng tử Taxi" và cuộc chiến không khoan nhượng với Uber tại Nhật Bản
Cựu cố vấn của McKinsey & Co, người thừa kế của hãng taxi lớn nhất Nhật Bản đang tìm cách hiện đại hóa ngành công nghiệp này trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Uber.
Ichiro Kawanabe không thể gọi xe Uber tại Nhật Bản. Thậm chí, startup chia sẻ xe này còn cấm anh ta lập tài khoản.
Tuy nhiên, điều ấy chẳng có gì to tát bởi Kawanabe hiếm khi gặp rắc rối trong vấn đề đi lại, anh hiện đang điều hành Nihon Kotsu, hãng taxi lớn nhất Nhật Bản.
Những du khách tới Nhật biết rằng gọi taxi ở đây là một trải nghiệm độc đáo. Rất dễ tìm taxi, nếu trời không mưa, và các taxi thường cung cấp dịch vụ rất hoàn hảo, từ cửa tự động mở tới những lái xe đeo găng tay trắng lịch sự luôn tận tụy cho tới khi đưa khách tới đích.
Ichiro Kawanabe, người thừa kế Nihon Kotsu, hãng taxi lớn nhất Nhật Bản
Mặc dù cước taxi tại Nhật nằm trong nhóm đắt nhất thế giới nhưng những quy định nghiêm ngặt và dịch vụ hàng đầu mà các hãng taxi cung cấp đã khiến Uber không thể phổ biến tại đây. Theo số liệu được người trong cuộc tiết lộ, hiện thị phần của Uber tại Tokyo chỉ chiếm dưới 1% các chuyến đi hàng tháng. Tuy nhiên, với khoản đầu tư khổng lồ từ gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản SoftBank, Uber sẽ có thêm động lực và nguồn vốn dồi dào để thay đổi và phát triển mạnh mẽ hơn cả trên toàn cầu và tại Nhật.
Trước khi điều ấy xảy ra, Kawanabe muốn đổi mới ngành công nghiệp taxi trị giá 15 tỷ USD của Nhật Bản bằng cash ra mắt một ứng dụng gọi xe và lên kế hoạch đưa ra một mức giá cố định cũng như dịch vụ đi chung xe. Tham vọng của anh khiến Uber nổi giận và đưa anh vào danh sách đen.
"Chúng tôi thường lấy Uber làm ví dụ cho những gì không nên làm", Kawanabe ám chỉ những tranh chấp của Uber với các cơ quan quản lý, lái xe và một chuỗi những scandal trong thời gian qua. Kawanabe nói rằng anh không thể tạo tài khoản Uber dưới tên của mình và khi hỏi Uber về điều này anh không nhận được bất cứ phản hồi nào. "Họ (Uber) đang tạo ra quá nhiều kẻ thù. Tôi không thích kiểu văn hóa doanh nghiệp ấy".
Kawanabe, 47 tuổi, sống trong gia đình ba đời điều hành công ty taxi. Ông nội của anh, người đã thành lập Nihon Kotsu vào năm 1928, đã chăm sóc cho anh từ khi anh còn nhỏ và luôn nói rằng anh sẽ thừa kế sự nghiệp kinh doanh của gia đình. "Tôi đã bị ông thuyết phục", Kawanabe nói. "Tôi luôn tin rằng một ngày nào đó mình sẽ điều hành công ty mà ông để lại".
Kawanabe đã tiếp quản Nihon Kotsu sớm hơn dự kiến khi cha anh đột ngột qua đời cách đây một thập kỷ. Trước đó anh nhận được bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh của trường Kellogg School of Managemetn và làm chuyên gia tư vấn tại McKinsey & Co.. Trẻ trung, đầy ý tưởng và kết hôn với cháu gái của cựu Thủ tướng Yasuhiro Nakasone nên Kawanabe được truyền thông địa phương gọi là "Hoàng tử Taxi".
"Hoàng tử Taxi"
Gần đây, Kawanabe ủy thác việc điều hành Nihon Kotsu cho một chủ tịch mà anh thuê về. Chính vì vậy, anh có thể dành tới 80% thời gian của mình cho Japan Taxi Co., một startup mà anh thành lập để xây dựng ứng dụng trên smartphone và những dịch vụ hoàn toàn mới. Và nhờ giữ chức chủ tịch hiệp hội taxi Nhật Bản nên anh càng có nhiều cơ hội để thúc đẩy sự thay đổi trong ngành công nghiệp này. "Tôi mặc quần jean khi tới Japan Taxi và mặc suit trong những khoảng thời gian còn lại", anh nói.
Kawanabe có vẻ thoải mái vì Uber chưa phải là mối đe dọa nghiêm trọng tới Nihon Kotsu và các hãng taxi khác tại Nhật. Startup chia sẻ xe trụ sở ở San Francisco có thể chiến đấu với các hãng taxi, hiệp hội lái xe và các nhà quản lý ở Mỹ và châu Âu nhưng lại đang phải tuân thủ những quy định tại Nhật Bản.
Nhật Bản có những quy định cụ thể cho ngành công nghiệp vận chuyển khách, bao gồm cả cách đặt giá và thậm chí cả nơi đặt biển hiệu bên trong và bên ngoài xe. Lái xe phải có giấy phép vận chuyển khách theo hình thức thương mại, có thể nhận được bằng cách thi và trực tiếp kiểm tra tay lái trên đường. Xe và lái xe không phép, hoạt động kinh doanh dưới hình thức tư nhân sẽ bị cấm.
Mở ứng dụng Uber tại Nhật bạn sẽ chỉ thấy vài chiếc xe ở xung quanh. Thế nhưng rời khỏi trung tâm Tokyo hoặc gần Yokohama, bạn sẽ chẳng thấy chiếc xe nào. Thực tế, khi khách hàng gọi xe Uber họ sẽ được đón bởi chiếc xe thuộc một trong những hãng cho thuê xe đang hoạt động và có đủ mọi loại giấy phép tại Nhật. Về cơ bản, Uber tại các thành phố lớn của Nhật Bản là một dịch vụ vận chuyển mà các hãng cho thuê xe cung cấp chứ không phải dịch vụ chia sẻ xe giá rẻ như nó từng được biết đến.
Uber từ chối bình luận về việc cấm Kawanabe tạo tài khoản bởi từ trước tới nay công ty này chưa bao giờ nói về các tài khoản cá nhân. "Hoạt động kinh doanh dịch vụ gọi xe và EATS của Uber tại Nhật Bản đã có những thành công nhất định và chúng tôi đang muốn phát triển cả hai", Brooks Entwistle, Giám đốc Kinh doanh của Uber tại châu Á, chia sẻ. "Chúng tôi đang ráo riết tuyển dụng để mở rộng hoạt động tại đây và cam kết với đồng hành Nhật Bản cũng như những cơ hội to lớn tại quốc gia này".
Tangocho, một thị trấn xa xôi hẻo lánh với khoảng 5.900 dân ở phía tây Nhật Bản, là một trong số ít những nơi Uber cung cấp dịch vụ chia sẻ xe. Tại đó, nó hoạt động hiệu quả dưới tư cách một dịch vụ xã hội cho người già, những người muốn di chuyển nhưng lại không thể vì xe buýt ngừng hoạt động và công ty taxi duy nhất tại đây bị phá sản. Đa số khách hàng của Uber không sở hữu smartphone nên khi muốn đi họ phải gọi cho ai đó để nhờ họ đặt xe hộ qua ứng dụng.
Nhờ các quy định chặt chẽ khiến các hãng cung cấp dịch vụ chia sẻ xe không thể phát triển mạnh nên các hãng taxi Nhật Bản có rất ít đối thủ. Và cũng vì thế mà mức giá taxi ở đây rất cao. Trung bình, di chuyển khoảng 8 km tại Tokyo sẽ mất khoảng 24 USD so với 18 USD trên quãng đường tương tự tại San Francisco bằng UberX.
"Ngành công nghiệp taxi Nhật Bản gần như không có đối thủ cạnh tranh", Mitsuhiro Kunisawa, một nhà phân tích độc lập về ngành ô tô và vận tải chia sẻ. "Nếu các chính sách về giá và những quy định khác được loại bỏ hoặc thay đổi, Uber hoàn toàn có thể phát triển mạnh tại Nhật".
Masayoshi Son, sáng lập SoftBank là người rất quan tâm tới các startup chia sẻ xe, đã nhiều lần chỉ trích về những quy định quá khắt khe và có thể sử dụng sức ảnh hưởng của mình để thay đổi thị trường. Hai thập kỷ trước, Son đã từng đấu tranh để giành quyền xây dựng, cung cấp dịch vụ internet cho người tiêu dùng Nhật Bản. Hiện tại, SoftBank là một nhà mạng khổng lồ và kiểm soát lượng lớn cổ phần tại Yahoo Japan Corp., cung cấp dịch vụ cho 42,2 triệu thuê bao di động và có 41,6 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Lái xe Uber phục vụ khách tại Nhật Bản
Cả lượng lái xe và lượng khách đi xe taxi tại Nhật đều đang giảm dần. Dân số thu hẹp và hệ thống giao thông công cộng được mở rộng cũng như tăng tính hiệu quả làm giảm nhu cầu taxi của người dân, đặc biệt là tại các khu vực thành thị.
Sân nhà của Kawanabe cũng không an toàn. Tháng này, Daiichi Koutsu Sangyo Co., một trong những đối thủ chính của Nihon Kotsu, vừa chia sẻ rằng họ đang đàm phán với hãng Didi Chuxing của Trung Quốc nhằm triển khai dịch vụ gọi xe taxi tới Tokyo, Osaka và các thành phố lớn khác tại Nhật. Và theo nguồn tin nội bộ, Uber cũng đang muốn hợp tác với các hãng taxi Nhật Bản. Sau khi thấy sự gián đoạn do Uber và các hãng khác gây ra cùng với sự trì trệ của ngành công nghiệp, Kawanabe biết rằng anh phải cải tiến công ty của mình.
Hồi tháng 6, Kawanabe đã nhận được 500 triệu yên từ quỹ đầu tư của Sparx Group Co.. Anh chia sẻ rằng đang tìm cách để thu hút thêm vốn trong năm tới nhằm mở rộng tầm hoạt động của Japan Taxi.
Nhằm giúp khách hàng sử dụng taxi dễ dàng hơn, Kawanabe muốn áp dụng mức giá cố định cho nhiều tuyến đường hơn nữa chứ không chỉ với những chuyến đến và đi từ sân bay. Trong năm nay, Nihon Kotsu đã bắt đầu một chương trình thử nghiệm cho phép khách hàng đặt xe với một mức giá thỏa thuận trước. "Chúng tôi muốn loại bỏ cảm giác mơ hồ, lo lắng về mức giá của khách hàng", Kawanabe nói.
Một ý tưởng khác của anh là cho khách hàng thuê bao theo tháng. Theo Kawanabe, phương thức này sẽ hữu ích với những ai thường xuyên phải di chuyển, thay vì trả phí cho từng chuyến, họ sẽ chỉ phải trả một khoản thuê bao nhất định để được đi không giới hạn trong một khu vực cụ thể. "Sau khi trả phí thuê bao, bạn có thể đi bao nhiêu chuyến cũng được", anh nói.
Kunisawa nói rằng đây là những bước đi sáng suốt nhưng không đáp ứng nhu cầu thực sự của khách hàng Nhật Bản đó là được đi taxi với mức giá rẻ hơn. "Ứng dụng khiến người dùng sử dụng taxi dễ dàng hơn nhưng những gì chúng ta thực sự cần nghĩ tới đó là làm thế nào để taxi có mức giá phải chăng hơn", Kunisawa nói. "Ai cũng muốn bảo vệ ngành công nghiệp của mình và đó là lý do tại sao chẳng bao giờ thấy ai nói về việc làm thế nào để các chuyến taxi có giá rẻ hơn".
JPN Taxi của Toyota
Về phần mình, Kawanabe nói rằng anh đang cố hạ giá taxi và muốn áp dụng dịch vụ chia sẻ xe cho taxi, giúp khách hàng chia sẻ chi phí cho người khác đi cùng tuyến đường, tương tự UberPool và Lyft Line. Cựu cố vấn McKinsey thừa nhận rằng để điều này xảy ra anh cần thu hút thêm nhiều người dùng sử dụng app Japan Taxi để có thể kết hợp chuyến đi của các hành khách với nhau. Vấn đề là 90% người sử dụng taxi tại Nhật Bản vẫn thích vẫy xe taxi đang di chuyển hoặc gọi xe tại nhà ga.
Ngoài ra, hầu hết các xe taxi tại Nhật Bản đều đã sử dụng khoảng 3 thập kỷ vì vậy chúng không an toàn như những chiếc xe mới với túi khi và khung chống tai nạn. Kawanabe cũng sẵn sàng cải tạo lại đội xe của mình bằng cách trở thành khách hàng lớn đầu tiên của thương hiệu "JPN Taxi" phát triển bởi Toyota. Đây là mẫu xe mới giống taxi màu đen của London, có cửa trượt rộng, không gian bên trong rộng rãi và sàn phẳng. Nihon Kotsu dự tính sẽ tung 1.000 chiếc JPN Taxi màu chàm ra các con phố trong vòng 18 tháng tới.
"Hình ảnh của xe taxi sẽ thay đổi một cách đáng kể", Kawanabe nói. "Tôi không biết các hãng taxi có thể thay đổi tới mức nào nhưng ít nhất tại Tokyo chúng tôi muốn thúc đẩy mọi thứ phát triển hết mức có thể".
Theo Bloomberg