Giám đốc công nghệ Uber toàn cầu: “Một người sếp tốt quan trọng hơn một công ty tốt”
Ông Thuận Phạm, Giám đốc công nghệ Uber toàn cầu đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ nên tìm cho mình một người sếp giỏi, một môi trường có thể học hỏi vì đây là tiền đề để các bạn tìm được những cơ hội phát triển tốt hơn trong tương lai.
Ngày 15/11/2017, ông Thuận Phạm, Giám đốc công nghệ Uber toàn cầu đã có buổi trò chuyện, truyền cảm hứng cho sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic. Những câu chuyện ngắn, những kinh nghiệm trong quá khứ được vị sếp gốc Việt chia sẻ với các bạn trẻ trong không khí thân mật, cởi mở. Buổi trò chuyện giữa ông Thuận Phạm và sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ xoay quanh 3 chủ đề khởi nghiệp, công nghệ và sáng tạo. Trong chương trình, các bạn sinh viên được lắng nghe về hành trình và câu chuyện khởi nghiệp của Thuận Phạm từ một người Việt tị nạn trở thành Giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng có cơ hội thoải mái giao lưu, đặt câu hỏi và xin góp ý cũng như kinh nghiệm từ vị CTO nổi tiếng này.
\Giám đốc Công nghệ Uber Thuận Phạm và ông Vũ Chí Thành, Giám đốc cao đẳng thực hành FPT Polytechnic trong buổi giao lưu với sinh viên. |
Mở đầu buổi trò chuyện, ông Thuận Phạm chia sẻ về thời niên thiếu của mình, khi phải di chuyển từ quê nhà Việt Nam sang Indonesia, sau đó là tới Mỹ. Việc rời bỏ HP, một doanh nghiệp lớn với 100.000 nhân viên để chuyển sang những công ty nhỏ hơn, thậm chí chỉ có 5 – 10 nhân viên được ông lý giải là để trải nghiệm cảm giác khởi nghiệp. Chia sẻ với sinh viên về sự lựa chọn công việc sau khi tốt nghiệp, Giám đốc Công nghệ Uber cho biết, các bạn trẻ nên tìm cho mình một người sếp giỏi, một môi trường có thể học hỏi được nhiều thứ hơn là đặt nặng vấn đề thu nhập. “Môi trường tốt, một người thầy giỏi sẽ giúp các bạn học được nhiều điều, và đây là tiền đề để các bạn tìm được những cơ hội phát triển tốt hơn trong tương lai”.
Khi được một sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic hỏi về việc nhiều bạn trẻ hiện nay đang lúng túng trong việc tìm cho mình một con đường đi sau khi rời khỏi ghế nhà trường, ông Thuận Phạm nhắn nhủ: “Đầu tiên, các bạn hãy quay trở lại với những điều cơ bản nhất, nghĩ xem mình thật sự yêu công việc gì, có thể làm tốt công việc gì. Chúng ta không ai biết 10 năm nữa chúng ta sẽ là ai, làm gì, thành công hay thất bại. Nên hãy bắt tay vào làm việc ngay ngày hôm nay, chứ không phải là lo lắng về những thứ chúng ta còn chưa biết”.
Rất nhiều câu chuyện ý nghĩa, những kinh nghiệm hữu ích đã được ông Thuận Phạm chia sẻ cùng sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic |
Ngoài ra, ông Thuận Phạm cũng dành thời gian trả lời một số câu hỏi nhanh của sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic:
Sinh viên: Sinh viên nên chọn một công ty tốt hay một người sếp tốt?
Ông Thuận Phạm: Bạn hãy chọn một người sếp tốt, những người đồng nghiệp tốt. Hãy quan tâm đến môi trường có thể học hỏi được nhiều điều, vì đây sẽ là tiền đề để các bạn tìm được những cơ hội phát triển tốt hơn trong tương lai.
Sinh viên: Nhà trường nên làm gì để khuyến khích sự sáng tạo của sinh viên?
Ông Thuận Phạm: Nhà trường nên khuyến khích sinh viên thử khác biệt, suy nghĩ về cái mới và không sợ thất bại. Hầu hết các phát kiến vĩ đại của lịch sử loài người đều bắt nguồn từ những ý nghĩ có vẻ điên rồ. Các bạn còn trẻ, còn nhiều cơ hội thành công nên đừng lo sợ gì cả.Sinh viên: Ông từng trải qua cuộc phỏng vấn kéo dài 30 giờ để đảm nhận vị trí Giám đốc công nghệ Uber toàn cầu.
Sinh viên: Vậy ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm phỏng vấn với các sinh viên trẻ?
Ông Thuận Phạm: Bạn nên chuẩn bị kỹ trước khi phỏng vấn, còn khi bước vào cuộc phỏng vấn thì hãy coi đó như một cuộc trò chuyện, nơi bạn được chia sẻ những điều mình biết và học hỏi những điều mình chưa biết, như thế bạn sẽ có tâm thế thoải mái, tự tin nhất. Khi các bạn mới ra trường, không phải ai cũng thành công từ những cuộc phỏng vấn đầu tiên. Nhưng bạn không nên nản chí, hãy nghĩ lại xem mình đã nói gì trong cuộc phỏng vấn, nếu được làm lại thì sẽ nói những gì. Cứ liên tục tập luyện cho đến khi thành công, thuyết phục được nhà tuyển dụng.
Sinh viên: Theo ông, thế nào là thành công?
Ông Thuận Phạm: Tôi định nghĩa thành công dựa trên việc tôi có ý nghĩa thế nào với mọi người xung quanh: một người con có hiếu, một người chồng – người cha tốt, một người quản lý tốt. Mỗi sáng thức dậy, tôi đều đứng trước gương và hỏi mình có vui, hạnh phúc với cuộc sống, công việc hiện tại hay không. Khi tôi nghỉ việc, doanh nghiệp sẽ ngay lập tức tìm được một người thay thế, và câu chuyện lại xoay quanh vị Giám đốc công nghệ mới. Hoặc khi tôi rời xa thế giới, mọi chuyện cũng dừng lại. Vậy nên với tôi, tiền tài hay địa vị không phải là điều quan trọng nhất. Thành công lớn nhất của tôi là khi tôi không còn trên cuộc đời, hay không còn làm việc tại doanh nghiệp, có bao nhiêu người vẫn nhớ đến tôi vì những điều có ích tôi đã giúp đỡ cho họ.