Chuyện về cả một thế hệ những người Hàn Quốc làm việc đến chết và câu hỏi muôn thủa: Sống để làm việc hay làm việc để sống?

06/11/2018 08:19 AM | Kinh doanh

Hàn Quốc đang ngày một chứng kiến nhiều hơn những cái chết do làm việc quá sức.

Park Hyun-suk – một góa phụ mất chồng bởi gwarosa – một cụm từ Hàn Quốc chỉ những người chết vì làm việc quá mức phải mất một thời gian khá lâu để tìm ra một tấm ảnh của 2 người.

"Tôi nghĩ chúng tôi chỉ có vài bức ảnh cùng nhau. Nhưng hình như chúng tôi không hề chụp trong chuyến đi đó thì phải", bà Park vừa nói vừa lướt điện thoạ tìm kiếm. 

Khi con cái của bà cố gắng nhắc lại kỷ niệm, bà Park cuối cùng đã tìm ra được một tấm: Chồng bà trong bộ quần áo làm việc, bộ đồ khử độc màu trắng và mũ bảo hộ. 

Chuyện về cả một thế hệ những người Hàn Quốc làm việc đến chết và câu hỏi muôn thủa: Sống để làm việc hay làm việc để sống? - Ảnh 1.

Bà Park trong tấm ảnh hiếm hoi chụp với người chồng quá cố khi ông còn sống.

Chae Soo-hong từng làm việc cho một nhà cung cấp thực phẩm tại khu vực nổi tiếng Hàn Quốc với món thịt bò được nấu bởi sốt đậu. Nhiệm vụ chính của ông là đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra đúng tiêu chuẩn và đúng thời gian.

Các ngày trong tuần, ông tới các nhà máy của công ty và xem xét quy trình sản xuất. Vào những ngày thứ 7, ông tới văn phòng chính để làm các công việc giấy tờ. Thậm chí sau khi về nhà, công việc của Chae vẫn chưa hoàn thành: Mặc dù đó không phải là nhiệm vụ rõ ràng nhưng ông ấy thường dành những buổi tối để nhận cuộc gọi từ các công nhân nhà máy - hầu hết là người nhập cư cần giúp đỡ để điều chỉnh cuộc sống ở Hàn Quốc.

"Khi Chae vào làm việc năm 2015, công ty của ông có khoảng 30 nhân viên. Tới khi ông ấy mất, công ty đã có 80 người nhưng nhiệm vụ của ông ấy thì ngày một nhiều hơn", bà Park trả lời CNN.

Khi công ty giao thêm việc, Chae được kỳ vọng sẽ làm nhiều hơn vì vậy khi về nhà ông ấy đã quá mệt và chủ yếu dành thời gian để ngủ.

Chae mất vào lúc 7 giờ tối ngày thứ 7, tháng 8/2017. Vào buổi sáng, khi chuẩn bị tới văn phòng, giống như mọi cuối tuần khác, ông đã nói rằng mình khá mệt nhưng bà Park không để ý nhiều tới điều đó – vì ông ấy luôn mệt.

"Đáng ra tôi phải cảm thấy dấu hiệu gì đó khi ông ấy kêu mệt. Ông ấy đã không về nhà vào ngày hôm đó".

Những đồng nghiệp phát hiện Chae gục ngã trên sàn văn phòng. Nguyên nhân chính xác của cái chết này chưa bao giờ được xác định.

Chae là 1 trong hàng trăm người mất vào năm 2017 vì làm việc quá sức theo dữ liệu của chính phủ. Trong số những nước thuộc OECD, người Hàn Quốc làm việc nhiều giờ hơn mỗi tuần so với trung bình tất cả các nước thành viên khác và hơn 50% so với cường quốc công nghiệp nổi tiếng là Đức.

Chuyện về cả một thế hệ những người Hàn Quốc làm việc đến chết và câu hỏi muôn thủa: Sống để làm việc hay làm việc để sống? - Ảnh 2.

Hàn Quốc (cột màu đỏ) là quốc gia làm việc nhiều giờ mỗi tuần hơn hầu hết các nước thuộc OECD.

Tháng 6, chính phủ ban hành luật giảm giờ làm tối đa từ 68 giờ mỗi tuần xuống còn 40 giờ với 12 giờ được trả lương vượt thời gian. Đây là bước tiến được thủ tướng Moon Jae-in gọi là "cơ hội quan trọng để dịch chuyển từ xã hội làm việc và hướng tới xã hội dành thời gian cho gia đình".

"Đây sẽ là giải pháp quan trọng để bảo vệ sự sống và an toàn cho mọi người, giảm những cái chết do làm việc quá sức, tai nạn lao động", ông Moon nhấn mạnh.

Tuy nhiên đối với những gia đình đã phải trả giá cho việc làm việc quá thời gian, bi kịch vẫn tiếp dẫn – đó là cuộc chiến để được bồi thường.

Cuộc chiến đòi bồi thường

Kể từ khi Chae chết ở văn phòng, bà Park cho rằng cái chết của ông nên được coi là liên quan tới công việc và được bồi thường. 

Nhưng yêu cầu này khó khăn hơn suy nghĩ ban đầu. COMWEL – Dịch vụ phúc lợi và lương bổng của chính phủ yêu cầu bà phải chứng minh rõ ràng rằng Chae chết vì công việc.

"Đó là một thách thức lớn. Ông ấy thường rời nhà lúc 7 giờ sáng và trở về vào lúc 10 giờ tối nhưng không hề có lịch sử chấm công để minh chứng cho giờ làm việc đó".

Bước ngoặt đến khi bà phát hiện ra rằng trạm thu tiền cao tốc mà chồng mình đi qua mỗi ngày để đến các nhà máy có một camera giám sát ghi lại hành trình. Tuy nhiên do Chae làm việc ở văn phòng khác vào thứ 7 nên bà không thể tìm được lịch sử giờ làm việc cho ngày đó.

Trong khi luật Hàn Quốc không thừa nhận chết vì làm việc quá sức, COMWEL nhìn nhận chết vì đau tim hoặc đột quỵ trong lúc làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần trong 3 tháng mới đủ điều kiện nhận bồi thường – quỹ hỗ trợ cho các gia đình đột ngột mất đi người thân.

Dù không có bằng chứng về giờ làm việc ngày thứ 7 nhưng bà Park có thể chứng minh chồng mình làm việc trên 180 giờ trong nhiều tuần dẫn đến cái chết và buộc phía COMWEL phải công nhận trường hợp này.

Ám ảnh về cái chết

Một tháng sau cái chết của Chae, bà Park và một nhóm những người khác đã tập hợp thành một lớp học nhỏ bên bờ sông Hàn cạnh chợ cá Seoul. Các thành viên không có nhiều điểm chung ngoại trừ việc họ đã mất đi thành viên trong gia đình – chủ yếu là bố hoặc chồng – vì làm việc quá sức.

Kang Min-jung tìm ra nhóm này sau khi chú của cô – người đã nuôi lớn cô từ bé mất ở nơi làm việc

"Khi ông ấy mất, tôi đã tự hỏi tại sao. Tại sao ông phải làm việc quá nhiều như vậy. Tôi đã quyết định nghiên cứu về những cái chết do làm việc quá sức ở Nhật Bản".

Nhật Bản nghiên cứu về hiện tượng này kể từ những năm 1980 và kể từ đó họ luôn nỗ lực giải quyết văn hóa làm việc đến chết của người dân và hiện nay đây cũng là quốc gia duy nhất chính chủ yêu cầu nghiên cứu và nỗ lực cải thiện vấn đề này.

Khi quay lại Hàn Quốc, Kang bắt đầu tổ chức những buổi gặp gỡ cho những người chịu ảnh hưởng từ cái chết của người thân ở nơi làm việc. Điều này không hề dễ dàng – buổi đầu tiên chỉ có 3 người tới. 

Sự mù quáng đã khiến nhiều người rơi vào rủi ro làm việc tới chết như Chae.

"Ông ấy nghĩ rằng làm việc giống như bình thường. Ông ấy là một phần của thế hệ bị ấn tượng với việc làm việc chăm chỉ và chịu trách nhiệm như một người đàn ông của gia đình. Ông ấy không phàn nàn và không nghỉ ngơi", vợ Chae nói.

"Hàn Quốc là một xã hội yêu cầu làm việc quá sức. Họ yêu cầu bạn phải làm việc nhiều giờ. Họ nghĩ rằng làm việc nhiều nghĩa là làm tốt và có năng suất tốt".

Trong 36 thành viên của OECD, Hàn Quốc là quốc gia có người dân làm việc nhiều giờ mỗi tuần hơn bất kỳ nước nào khác ngoại trừ Mexico và Costa Rica.

Nhưng điều đáng tiếc là dù làm quá sức đã giết chết nhiều công nhân nhưng có rất ít tín hiệu cho thấy làm việc nhiều có thể chuyển hóa thành những lợi ích có thể thấy được: Dữ liệu cho thấy Hàn Quốc là một trong những nhóm 3 quốc gia có năng suất lao động thấp nhất ở OECD.

Chuyện về cả một thế hệ những người Hàn Quốc làm việc đến chết và câu hỏi muôn thủa: Sống để làm việc hay làm việc để sống? - Ảnh 3.

Kim Woo-tark – một luật sư đã tham dự các cuộc gặp gỡ của Kang và giúp các gia đình nộp đơn yêu cầu bồi thường từ COMWEL nói rằng văn hóa làm việc quá sức vốn còn sót lại từ thời chiến tranh.

"Do Hàn Quốc nhanh chóng lấy lại phong độ sau chiến tranh nên một cấu trúc được tạo ra buộc mỗi người công nhân phải làm việc với lượng lớn hơn. Cấu trúc đó đã trở thành văn hóa, một tục lệ".

Thủ tướng Moon lên nắm quyền vào năm ngoái đã hứa sẽ giảm giờ làm việc và cải thiện các điều kiện. Luật 52 giờ được đưa vào hoạt động kể từ mùng 1/6 năm nay nhưng nó lại chỉ giới hạn cho những công ty có hơn 300 nhân viên.

Một trong những tập đoàn đầu tiên thực thi luật này là KT. Các nhân viên hiện có thể thấy thời gian khóa trên bảng điều khiển và các giám đốc khuyến khích họ về nhà thay vì làm việc quá giờ.

Kim Jung-jun – làm việc cho phòng quan hệ công chúng của công ty nói rằng các giám sát sẽ rung chuông mỗi ngày và thông báo to rằng "đến giờ về nhà rồi, hãy kết thúc công việc đi".

Sau 3 tháng kể từ khi luật được thực thi, Kim nói rằng anh ngủ nhiều hơn và có nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè hơn.

Luật này cũng mang lại lợi ích lớn hơn cho xã hội: Bộ Lao động tuyên bố vào tháng 8 rằng có 43.000 việc được tạo ra bởi thay đổi này do các tập đoàn phải thuê nhiều người hơn để bù vào phần làm thêm giờ bị giảm.

Bà Park hiện vẫn nhận được phiếu thanh toán tiền bồi thường của chồng mỗi tháng, một sự hỗ trợ về tài chính đáng kể đồng thời cũng là thứ gợi lại nỗi đau về cái chết của ông. 

"Tôi chắc chắn không chỉ mình tôi mà còn nhiều người khác trải qua cảm giác tội lỗi tương tự. Chỉ cần tôi nhận ra một vài dấu hiệu khi ông ấy kêu mệt vào ngày hôm đó. Chỉ cần tôi nhạy cảm hơn một chút thì đã không có chuyện này xảy ra. Điều đó luôn khiến tôi đau lòng. Tôi vẫn cố sống nhưng cảm giác đó luôn giằng xé trong tim gan tôi".

Vân Đàm

Từ khóa:  làm quá giờ
Cùng chuyên mục
XEM