Câu chuyện văn hóa xung quanh cái khẩu trang: Khác biệt trong tư tưởng Á - Âu dẫn đến việc tranh luận đeo hay không đeo?

18/03/2020 09:30 AM | Xã hội

Những lo ngại về dịch bệnh hiện tại có thể tạm thời khiến người dân chấp hành việc đeo khẩu trang nhưng cái nhìn văn hóa đối với khẩu trang, trong bối cảnh tương lai, có thể sẽ vẫn không thay đổi.

Có thể thấy rõ khẩu trang đang là mặt hàng được săn đón và bán chạy nhất trên toàn thế giới bởi nỗi sợ về sự lây truyền của virus Covid-19. Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng không phải ai cũng đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt điều này còn phụ thuộc vào nơi mọi người sinh sống.

Ở Đông Á, nơi những ký ức về hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (Sars) bùng phát 17 năm trước vẫn còn ám ảnh người dân, việc đeo khẩu trang khi ra ngoài đã trở thành thông lệ bắt buộc. Nhiều người coi đây là trách nhiệm chung trong việc giảm lây truyền virus corona, với hơn 120.000 trường hợp được xác nhận tại hơn 100 quốc gia.

Một số doanh nghiệp thậm chí cấm khách hàng vào cửa hàng nếu họ không đeo khẩu trang, chính quyền ở các thành phố lớn của Trung Quốc - bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải - đã ban bố lệnh bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Nhưng ở nhiều nước châu Âu hay Mỹ, khẩu trang lại đang trở thành một biểu tượng được sử dụng để kỳ thị, phân biệt chủng tộc và bêu xấu những người gốc Đông Á. Gần đây mạng xã hội lan truyền một loạt clip về một sinh viên người Trung Quốc đang học tại Đại học Sheffield của Anh bị quấy rối bằng lời nói và hành hung về thể xác vào tháng 1 vừa qua chỉ vì người này đeo khẩu trang. Một người phụ nữ người Trung Quốc khác cũng đã bị tấn công và bị sỉ nhục ở thành phố New York vào tháng 2 vì đã làm điều tương tự.

Câu chuyện văn hóa xung quanh cái khẩu trang: Khác biệt trong tư tưởng Á - Âu dẫn đến việc tranh luận đeo hay không đeo? - Ảnh 1.

Tại Nhật Bản, việc đeo khẩu trang lâu dần trở thành một nghi thức tự bảo vệ và được coi là một phần trách nhiệm bắt buộc của mọi người đối với tập thể.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì cho biết những người khỏe mạnh thường không cần phải đeo khẩu trang.

Bác sĩ phẫu thuật người Mỹ Jerome Adams, phát ngôn viên của chính phủ liên bang về sức khỏe cộng đồng, kêu gọi người Mỹ hãy ngừng mua mặt nạ, khẩu trang vì nó có dẫn đến sự thiếu hụt về trang thiết bị y tế cho các bác sỹ hay nhân viên chăm sóc sức khỏe.

“Nghiêm túc đấy mọi người, HÃY DỪNG MUA KHẨU TRANG ĐI!”, ông viết nó trên trang Twitter cá nhân của mình. “Chúng (khẩu trang) không có hiệu quả trong việc ngăn chặn mọi người khỏi việc bị nhiễm virus corona. Nhưng nếu các y bác sỹ không có khẩu trang để có thể chữa trị cho các bệnh nhân, điều này có thể dẫn đến việc họ bị mắc bệnh và tỷ lệ lây nhiễm cho cộng đồng sẽ còn cao hơn!”.

Các chuyên gia y tế có nhiều quan điểm trái chiều về hiệu quả của việc đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Một số người cho rằng việc đeo khẩu trang sẽ ngăn được sự lây truyền qua các giọt hô hấp có thể đến từ người bị bệnh thông qua hành động ho hoặc hắt hơi. Một số thì tranh luận rằng việc rửa tay là quan trọng hơn, trong khi những người khác nói mặt nạ có thể giúp ngăn chặn lây truyền từ những người không có triệu chứng.

Nhưng cho dù ý kiến như thế nào, các chuyên gia đều đồng ý rằng bối cảnh văn hóa đóng vai trò chính trong việc mọi người có sẵn sàng đeo mặt nạ hay không.

Câu chuyện văn hóa xung quanh cái khẩu trang: Khác biệt trong tư tưởng Á - Âu dẫn đến việc tranh luận đeo hay không đeo? - Ảnh 2.

Các chuyên gia đều đồng ý rằng bối cảnh văn hóa đóng vai trò chính trong việc mọi người có sẵn sàng đeo mặt nạ hay không.

Khẩu trang từ lâu đã là thứ phổ biến ở Đông Á, không phải bởi vì sự bùng phát virus mà còn để ngăn chặn ô nhiễm không khí và thậm chí để chống lại thời tiết giá lạnh. Nhật Bản, ví dụ, có một lịch sử lâu dài về việc đeo khẩu trang từ thời dịch cúm Tây Ban Nha giai đoạn 1918-1919. Việc thực hành này lâu dần trở thành một nghi thức tự bảo vệ và được coi là một phần trách nhiệm bắt buộc của mọi người đối với tập thể.

Ông Mits Mitsutoshi Horii, giáo sư tại Đại học Shumei, người đã nghiên cứu về việc đeo khẩu trang ở Nhật Bản, cho biết: “Tại Nhật Bản, khẩu trang đã trở thành một phương pháp phòng ngừa phổ biến chống lại bệnh cúm, và vào những năm 1970 hay 1980, mọi người bắt đầu sử dụng chúng cho căn bệnh viêm mũi dị ứng. Gần đây, bởi vì lo ngại về việc ô nhiễm không khí bắt nguồn từ Trung Quốc, mọi người đã bắt đầu đeo khẩu trang trở lại.”

Ngoài ra, người dân ở Nhật Bản cũng đeo mặt nạ để che các khuyết điểm trên khuôn mặt, giữ ấm trong mùa đông. Người dân đeo mặt nạ hay khẩu trang như một cách tự nhiên để cảm thấy an toàn hơn. Nhưng ở phương Tây, vì sự khác biệt về niềm tin cũng như quan điểm cho rằng biểu hiện của khuôn mặt đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp giữa người và người, họ có xu hướng phản đối mạnh mẽ, có những suy nghĩ tiêu cực về mặt nạ, khẩu trang.

Các quan chức ở Hồng Kông và Trung Quốc đã bị khiển trách khi dịch bệnh do virus corona đã bắt đầu mà họ không đeo khẩu trang hoặc không đeo chúng đúng cách.

Câu chuyện văn hóa xung quanh cái khẩu trang: Khác biệt trong tư tưởng Á - Âu dẫn đến việc tranh luận đeo hay không đeo? - Ảnh 3.

Tuy vậy, ở Bắc Mỹ, việc đeo khẩu trang vẫn được coi là “hành động của người châu Á”, Harris Ali, một nhà xã hội học tại Đại học Canada York York, cho biết.

Maria Sin Shun-ying từ Đại học Hồng Kông đã viết: “Những bức ảnh ấn tượng về những đám đông đeo mặt nạ đi dạo trên đường phố của các thành phố châu Á, như Hồng Kông, Đài Loan được phổ biến trên toàn cầu. Chính điều này khiến mặt nạ hay khẩu trang luôn bị coi là vật biểu tượng cho phân biệt chủng tộc và được ngầm hiểu trên các phương tiện truyền thông phương Tây như là một hiện tượng Châu Á.”

Kể từ dịch bệnh Sars, mặt nạ bảo vệ chống ô nhiễm ngày càng phổ biến ở châu Á. Không chỉ dừng lại ở đấy, các ngôi sao phương Tây bao gồm Bella Hadid, Kate Hudson và Gwyneth Paltrow cũng hưởng ứng việc đeo khẩu trang bằng cách đã đăng các bức hình tự sướng cùng với chiếc khẩu trang trên các phương tiện truyền thông trong đợt bùng phát virus corona. Nhà thiết kế người Croatia, Zoran Aragovic thậm chí đã cho ra mắt bộ sưu tập đặc biệt về khẩu trang hồi đầu tháng này. Hơn 220 cặp đôi đã đeo mặt để tham gia một đám cưới lớn ở thành phố Bacolod của Philippines vào tháng 2.

Tuy vậy, ở Bắc Mỹ, việc đeo khẩu trang vẫn được coi là “hành động của người châu Á”, Harris Ali, một nhà xã hội học tại Đại học Canada York York, cho biết. “Nó vẫn được xem là một hành động không bình thường, và do đó không được chấp nhận. Vì vậy, bất kỳ ai đeo mặt nạ đều trở thành một biểu tượng để kỳ thị, bởi nó không phải là chuẩn mực xã hội.”

Trong thời dịch bệnh Sars, khẩu trang ở Hồng Kông đã trở thành một biểu tượng cho sự đoàn kết chống lại căn bệnh. Nền văn hóa châu Á là nền văn hóa tập thể, việc đeo khẩu trang có ý nghĩa quan trọng hơn so với các nước phương Tây.

Câu chuyện văn hóa xung quanh cái khẩu trang: Khác biệt trong tư tưởng Á - Âu dẫn đến việc tranh luận đeo hay không đeo? - Ảnh 4.

Mọi người vẫn sẽ tranh luận và tiếp tục tìm kiếm bằng chứng khoa học ủng hộ hoặc bác bỏ những ý tưởng, định kiến đã có từ trước của họ về mặt nạ hay khẩu trang.

Những lo ngại về dịch bệnh hiện tại có thể tạm thời khiến người dân chấp hành việc đeo khẩu trang nhưng cái nhìn văn hóa đối với khẩu trang, trong bối cảnh tương lai, có thể sẽ vẫn không thay đổi.

Mọi người vẫn sẽ tranh luận và tiếp tục tìm kiếm bằng chứng khoa học ủng hộ hoặc bác bỏ những ý tưởng, định kiến đã có từ trước của họ về mặt nạ hay khẩu trang.

Duy Thắng

Cùng chuyên mục
XEM