Mỗi tháng chi lương nhân sự và mặt bằng 2,5 tỷ đồng, chịu lỗ 600 triệu đồng, chiến lược gì giúp doanh nghiệp này tuyên bố "vẫn sống được nếu dịch kéo dài"?

16/03/2020 16:28 PM | Kinh doanh

Phương án cắt giảm nhân sự, chuyển hướng sang kinh doanh online dường như đã phát huy tác dụng với doanh nghiệp dịch vụ này.

Đòn kép từ Nghị định 100 và dịch Covid-19

Sở hữu 6 công ty, kinh doanh rượu nhập khẩu và chuỗi spa nhưng từ khi Nghị định 100 có hiệu lực và sau đó là dịch Covid-19 bùng phát, nữ doanh nhân Trâm Tạ cho biết đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

"Trước Tết, chúng tôi lo lắng vì ảnh hưởng của Nghị định 100 nhưng giờ lại sợ không có hàng để bán. Những sản phẩm rượu nhập khẩu chủ yếu từ Ý, mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, đều là những quốc gia có dịch lan rộng nên nguồn cung đang rất hạn chế."

Nữ doanh nhân cho biết, với riêng mặt hàng rượu vang, trước đó tập khách hàng chủ yếu của công ty là nhà hàng, khách sạn nhưng hiện họ cũng đang trong tình trạng khốn đốn, khiến doanh thu offline vì thế cũng giảm đến 90%.

Các spa của thương hiệu Trâm Beauty cũng không khả quan hơn khi lượng khách đến sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu gần như đã về con số 0.

Mỗi tháng chi lương nhân sự và mặt bằng 2,5 tỷ đồng, chịu lỗ 600 triệu đồng, chiến lược gì giúp doanh nghiệp này tuyên bố vẫn sống được nếu dịch kéo dài? - Ảnh 1.

Chị Trâm Tạ chia sẻ tại một buổi trò chuyện với các doanh nghiệp gần đây.

"Đen đủi hơn, 3 trong 5 văn phòng của chúng tôi tại Hà Nội lại là những nơi có rất nhiều đối tượng thuộc diện F2, F3 cần theo dõi nên nhân viên cũng sợ đi làm."

Trong khi đó, các chi phí kho bãi hay lương nhân công vẫn phải chi trả đều đặn.

"Chúng tôi có khoảng 150 nhân viên, 30 người đã nghỉ, tổng tiền lương công ty phải trả mỗi tháng đao động từ 1 đến 2 tỷ đồng. Chi phí kho bãi khoảng 300 – 500 triệu đồng/tháng và gần như không thể đàm phán xin giảm tiền thuê với chủ nhà. Hiện tại công ty đang chịu lỗ 500 – 600 triệu/tháng", nữ doanh nhân cho biết.

Cái khó ló cái khôn

Chị Trâm cho biết đã chuẩn bị tinh thần ứng phó ngay khi có dịch từ sau Tết.

Công ty đã cho cắt giảm ngay 20% ngân sách marketing. Khi xuất hiện bệnh nhân số 17, tỷ lệ này tăng lên đến 30% - 45%. Lương nhân viên cũng giảm 50%. Những vị trí không có nhiều đóng góp cho hoạt động vận hành của doanh nghiệp sẽ chỉ được hỗ trợ 20%.

Đối với lĩnh vực kinh doanh rượu nhập khẩu, công ty bắt đầu chuyển từ hình thức B2B (Business to Business) sang B2C (Business to Customer). "Chúng tôi chấp nhận bán với giá buôn, miễn là khách mua theo thùng, ship đến tận nơi."

Dịch vụ spa ế ẩm nên doanh nghiệp này đẩy mạnh bán mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cơ thể qua kênh online. Chị Trâm cho biết hiện doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng 20%.

"Có thế mạnh và luôn tự làm truyền thông cho mình, chúng tôi cũng đã mua lại một số kênh youtube có lượt đăng ký lớn, hội nhóm trên facebook để sản xuất các nội dung liên quan đến sản phẩm, làm hình ảnh cho công ty. Nhờ đó mà Youtube cũng trả một số tiền kha khá, gọi là duy trì lương cho nhân viên."

Nữ doanh nhân khẳng định: "Chúng tôi vừa mua lại một số cửa hàng đang trong tình trạng kiệt quệ, muốn thanh lý để tận dụng làm kho, kênh phân phối. Nếu năm sau hoặc hai năm tới có dịch, công ty tôi vẫn sống được vì đã có quỹ và những phương án dự phòng."

T.D

Cùng chuyên mục
XEM