Câu chuyện phi thường của Wojtek: Từ chú gấu mất mẹ đến binh nhì được vinh danh anh hùng và dựng tượng đài trong Thế chiến II

13/09/2019 09:00 AM | Xã hội

Thế chiến II là một trong những cuộc chiến đẫm mẫu nhất lịch sử nhân loại, khiến 70-85 triệu người thiệt mạng. Tất nhiên, rất nhiều câu chuyện ly kỳ về những anh hùng trong các trận đánh đã được lập nên và một trong số đó là chú gấu Wojtek.

Vâng, bạn không có nghe nhầm, một chú gấu đã được trao quân hàm và vinh danh trong quân đội Ba Lan nhờ những đóng góp của mình trong Thế chiến II.

Câu chuyện bắt đầu từ vùng núi Alborz Mountains ở miền Bắc Iran khi một cậu bé nhặt được chú gấu con mất mẹ do bị thợ săn bắn. Cậu đã nhận nuôi chú gấu này cho đến mùa thu năm 1942 khi binh đoàn Ba Lan đi ngang qua đây để đến Iraq. Trên thực tế đây là những tù nhân chiến tranh của Liên Xô dưới thời lãnh tụ Joseph Stalin. Họ bị Đức Quốc Xã ép vào quân đội tham gia tấn công Liên Xô năm 1941 và bị giam giữ ở Iran. Tuy nhiên họ đã được thả với điều kiện quay trở lại phục vụ cho quân đội Liên Xô ở Iraq.

Tất nhiên, nhiều phiên bản cho biết những người lính Ba Lan giải cứu chú gấu khỏi quân đội Liên Xô, nhưng chưa có một bằng chứng xác đáng nào cho thông tin này.

Tóm lại, khi gặp những người lính Ba Lan vào năm 1942, Wojtek khá mỏi mệt và đói khát do không có gì để ăn. Quá thương chú gấu, những người lính Ba Lan đã dùng một mẩu chocolate, vài đồng bạc Ba Tư, một con dao quân đội và một hộp thịt bò để đổi lấy chú.

Câu chuyện phi thường của Wojtek: Từ chú gấu mất mẹ đến binh nhì được vinh danh anh hùng và dựng tượng đài trong Thế chiến II - Ảnh 1.

Chú gấu Wojtek

Ban đầu những người lính Ba Lan giấu các sĩ quan của mình để nuôi chú bằng sữa đặc pha loãng đựng trong chai rượu vodka. Tuy nhiên sẽ rất khó để giấu một con gấu khi trưởng thành có thể cao tới 1,82m lúc đứng và nặng tới 200kg.

Sĩ quan của binh đoàn này cuối cùng cũng phát hiện ra chú nhưng đồng ý cho những người lính của mình giữ Wojtek lại như một thú vui tinh thần cho mọi người. Một binh nhì tên Peter Prendys đã được chỉ định làm người trông coi Wojtek cũng như dạy chú cách chào kiểu nhà binh.

Rất nhanh sau đó, Wojtek hòa nhập với binh đoàn Ba Lan và trở thành một thú cưng được mọi người yêu mến. Chú thường được thưởng bằng hoa quả, mật ong, si rô hay đồ ăn mỗi khi làm đúng những gì được huấn luyện.

Thậm chí, Wojtek còn tập thói quen uống bia cùng những người "đồng đội" và chú chẳng bao giờ say bởi lượng cồn trong mỗi cốc bia chẳng nhằm nhò gì so với thể trạng của chú.

Wojtek còn hút cả thuốc, vốn là những thói quen thường thấy trong quân đội. Tất nhiên là chú chỉ có thể hút 1 điếu rồi nuốt luôn chúng và chẳng hiểu tại sao những người đồng đội của mình lại thích thứ có vị dở tệ như thế.

Sống cùng những người lính từng bị cầm tù, Wojtek nhanh chóng hòa nhập và cũng nhiễm nhiều thói xấu khi theo các đồng đội vi phạm kỷ luật hành quân, uống rượu bia và thức đêm, trốn trại đi làm việc riêng. Wojtek cũng trở thành cái chăn ấm ưa thích của anh em trong binh đoàn mỗi khi đêm lạnh đến. Chú cũng hay vật nhau chơi với những người lính và trở thành con vật cưng của toàn bộ binh đoàn Ba Lan.

Bù lại, Wojtek được rất nhiều anh em trong binh đoàn Ba Lan yêu quí, bởi chú là điểm sáng nhỏ nhoi trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc đầy máu và nước mắt.

Đại đội tiếp tế pháo binh số 22

Khi những người lính Ba Lan đến trại tập trung quân đội của quân đồng minh ở Iraq, chú gấu tinh ranh Wojtek đã ăn cắp toàn bộ đồ lót của nữ binh sĩ trong khu vực riêng và làm náo động cả trại. Thậm chí vào lễ Giáng sinh năm 1942 khi Giáo hoàng đến chuẩn bị làm lễ, người ta phát hiện chú gấu này đã lẻn vào khu vực đồ ăn và chén mọi thứ trông có vẻ thơm ngon với chú.

Tuy nhiên vào năm 1943, Wojtek đã chuộc lỗi bằng cách giúp quân đồng minh bắt giữ một quân địch lẻn vào trại lính để ăn cắp đạn. Tại thời điểm đó, Wojtek đã quá quen với cái nóng của vùng Iraq và thường lẻn vào nhà tắm để bật nước mát. Vào một ngày đẹp trời, chú gấu lại vào nhà tắm và phát hiện một kẻ lạ mặt đang lần trốn. Người đàn ông này đã phải thét lên khi chứng kiến một con gấu trong trại lính và hắn nhanh chóng bị bắt giữ.

Sau vụ việc, Wojtek được thưởng bằng 2 chai bia và được cho phép tắm nước mát thoải mái.

Lính Ba Lan chơi đùa và chiến đấu cùng Wojtek, huy hiệu của đoàn tiếp tế pháo binh 22 cũng được đổi thành hình gấu ôm đạn pháo.

Thế rồi những ngày tháng chiến tranh cũng tới khi binh đoàn Ba Lan được lệnh lên tàu tới tham chiến ở Italy dưới biên chế đại đội tiếp tế pháo binh số 22. Tuy nhiên các sĩ quan quân đồng minh lại không chấp nhận những người không thuộc biên chế lên tàu.

Vậy là những người lính Ba Lan đã tạo số hiệu, quân hàm binh nhì, sổ tay cùng những thứ khác cho chú gấu của họ. Đây cùng là thời điểm chú chính thức được mang tên Wojtek, nghĩa là "chiến binh tươi cười" trong biên chế của quân đoàn.

"Nhưng đây không phải là người", một sĩ quan người Anh trên tàu than phiền khi nhận đăng ký cho Wojtek nói.

"Binh nhì Wojtek có tinh thần chiến đấu của những người lính Ba Lan", một binh sĩ trong quân đoàn Ba Lan trả lời.

Thế rồi Wojtek được lên tàu và ra chiến trường, theo chân những người đồng đội khắp các trận đánh đẫm máu ở Italy.

Vào tháng 5/1944, trận chiến Monte Cassino ở Italy đi đến gia đoạn cuối. Đây là một trong những trận đánh đẫm máu nhất giai đoạn hậu thế chiến II.

Trong trận đánh đó, binh nhì Wojtek đã leo lên cây để tìm đường trốn khỏi những trận pháo kích dữ dội của quân địch, nhưng rồi chú nhìn thấy những người đồng đội của mình vẫn kiên cường vác đạn pháo bắn trả.

Có lẽ bị ảnh hưởng bởi những người đồng đội, hoặc cho rằng mình phải giúp đỡ mọi người, hay đơn giản chỉ là bắt chiếc với hy vọng được thưởng đồ ăn, nhưng dù thế nào thì Wojtek đã bò xuống khỏi cây, đứng lên bằng 2 chân và vác 3 thùng đạn pháo ra chiến trường. Mỗi thùng đạn khi đó nặng 45 kg và số lượng 3 thùng cần khoảng 4 người khiêng nhưng Wojtek làm một mình mà không để rơi bất kỳ hòm nào. Bất chấp những trận pháo kích dữ dội, tiếng đạn rít và cảnh máu tanh, Wojtek vẫn liên tục vận chuyển đạn pháo cùng những người đồng đội.

Câu chuyện phi thường của Wojtek: Từ chú gấu mất mẹ đến binh nhì được vinh danh anh hùng và dựng tượng đài trong Thế chiến II - Ảnh 3.

Trong bộ phim tư liệu "Wojtek: Chú gấu ra chiến trường" phát hành năm 2011 có phỏng vấn một cựu binh người Anh bị mù 1 mắt kể lại rằng ông đã sốc khi chứng kiến một con gấu liên tục tiếp đạn pháo giữa chiến trường rực lửa.

Ngày 18/5/1944, trong khi 3 quân đoàn khác thất bại thì binh đoàn Ba Lan đã thành công chiếm đóng pháo dài trên núi, địa điểm chiến lược tại Monte Cassino từ tay quân Đức Quốc Xã. Nhiệm vụ dường như không tưởng này đã khiến bộ chỉ huy quân đồng minh chú ý đến những người lính Ba Lan cũng như chú gấu Wojtek.

Chú gấu được biểu dương và với sự phê chuẩn từ bộ chỉ huy cấp cao binh đoàn Ba Lan, huy hiệu của đại đội tiếp tế pháo binh 22 đã được chuyển thành hình một chú gấu đang vác đạn pháo. Hầu như mọi người lính Ba Lan tham gia trận đánh năm đó đều yêu quý Wojtek.

Năm 2011, cựu binh Wojciech Narebski, người từng gặp Wojtek khi mới 17 tuổi trả lời với hãng tin BBC rằng: "Tôi cảm thấy chú gấu cũng tương tự như những người anh em khác trong đội vậy. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ đó, sự hiện diện của Wojtek về mặt tinh thần đối với chúng tôi là vô cùng quan trọng."

Nghỉ hưu và huyền thoại

Sau khi Thế chiến II chấm dứt, Wojtek và những người đồng đội đến biên giới Scotland để tập trung do Ba Lan đang có những biến động địa chính trị và khó để trở về. Phía Liên Xô rất muốn triệu hồi Wojtek về Ba Lan bởi chú khi này đã quá nổi tiếng với hình ảnh một anh hùng gấu trong chiến tranh. Tuy vậy, những người lính lo ngại Wojtek sẽ bị ngược đãi và họ mang chú đến sở thú Edinburgh để sống cùng và chăm sóc.

Wojtek sống tại đó cho đến khi mất năm 1963 với tuổi thọ 22 tuổi. Theo những nhân viên sở thú, mỗi khi nghe thấy tiếng Ba Lan là chú gấu Wojtek lại đứng bật dậy chào theo kiểu nhà binh, cho thấy tâm hồn chưa bao giờ quên những người đồng đội của mình.

Vào thời điểm đó, Wojtek vẫn rất nổi tiếng và được nhiều người yêu quý. Báo chí bị thu hút mạnh về hình ảnh mộ chú gấu anh hùng trong chiến tranh. Thậm chí khi đã mất, Wojtek vẫn được mọi người nhớ tới.

Năm 2015, cộng đồng tại Edinburgh đã quyên góp 300.000 Bảng Anh, tương đương 370.000 USD để xây một tượng đài bằng đồng cho Wojtek.

"Wojtek không thể trở về Ba Lan nhưng chú sống mãi trong lòng những người đồng đội", cựu binh Naredski ngậm ngùi nói.

Câu chuyện phi thường của Wojtek: Từ chú gấu mất mẹ đến binh nhì được vinh danh anh hùng và dựng tượng đài trong Thế chiến II - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM