Vingroup nhảy vào điện máy, chiến trường nào đang chờ Vinpro?

11/03/2015 14:04 PM | Kinh doanh

Đánh giá các đối thủ nặng ký của Vinpro, những cái tên có thể kể đến là Nguyễn Kim, Dienmay.com và Chợ lớn.

Nội dung nổi bật:

- Vinpro - thương hiệu bán lẻ điện máy của Vingroup ra đời mang theo nhiều tham vọng: Mở 25 trung tâm chỉ sau 1 năm, hơn bất kỳ tên tuổi điện máy lớn nào trong nước.

- Vinpro sở hữu những lợi thế vượt trội so với DN cùng ngành: Ưu thế về nguồn vốn và mặt bằng.

- Đối thủ chính: 3 cái tên lớn ở phía Nam: Nguyễn Kim, Dienmay.com và Chợ lớn sẽ là những đối thủ nặng ký của Vinpro.


Mới đây, Tập đoàn Vingroup công bố thương hiệu bán lẻ điện máy của mình là Vinpro. Nằm trong tổ hợp bán lẻ có tham vọng vươn lên vị trí số 1 Việt Nam của Vingroup, Vinpro tuyên bố sẽ mở ra tới 25 trung tâm điện máy trong năm 2015, đi kèm với đó là thêm 100 cửa hàng công nghệ Vinpro+.

Riêng trong ngày ra mắt vào 21/3 tới đây, Vinpro sẽ mở ra tới 4 trung tâm, tất cả đều nằm ở vị trí rất đẹp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham gia vào lĩnh vực điện máy, Vingroup không giấu tham vọng tạo ra một quần thể toàn diện cho thị trường bán lẻ Việt Nam với Vinmart, Vinpro. Nếu nhìn vào những gì diễn ra hồi năm ngoái, khi Vinmart ngay sau khi tham gia thị trường đã tiến công rất ồ ạt, liên tục mở ra những siêu thị mới, nhiều khả năng một kịch bản tương tự cũng sẽ diễn ra với Vinpro.

Chưa tính tới Vinpro+, hoạt động theo mô hình bán lẻ di động, Con số 25 trung tâm vào cuối 2015 mà Vinpro tuyên bố thực sự là một con số “khủng” nếu so với tên tuổi khác trên thị trường. Tính tới cuối năm 2014, chưa có tên tuổi điện máy nào đạt tới con số này. Chợ Lớn, đang đứng đầu Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại có 24 trung tâm, theo sau là Dienmay.com và Nguyễn Kim.

Những năm gần đây, doanh số của điện thoại di động và các loại đồ điện tử khác tăng trưởng rất ấn tượng. Đặc biệt là mức tăng trưởng doanh số trong 2 năm 2013 - 2014 đã nhảy vọt so với các năm trước đó.

Mặc dù vậy, không phải các doanh nghiệp điện máy nào cũng ăn lên làm ra. Trái lại, với sự ra đi của một tên tuổi điện máy khá quen thuộc là Topcare hồi năm ngoái, hàng loạt những khó khăn của ngành điện máy được phơi bày: tỉ suất lợi nhuận thấp, chi phí duy trì lớn, tình trạng dư thừa nguồn cung ở những khu vực trung tâm,…

Tiếp sau đó, đến tháng 1 năm 2015, một thương vụ mới làm rúng động thị trường điện máy đó là việc Nguyễn Kim bán lại 49% cổ phần cho đại gia Thái Lan là Central Group. Thương vụ có giá khoảng 100 triệu USD. Đại diện Nguyễn Kim cho biết, việc bán lại cổ phần sẽ giúp Nguyễn Kim tái cơ cấu lại tổ chức, đồng thời có thêm nguồn lực để phát triển mạnh mẽ.

Tuyên bố của Nguyễn Kim cho thấy, dù đang là số 1, vị thế của đại gia này không vững chắc. Muốn mở rộng và thực sự bành trường, Nguyễn Kim vẫn cần bắt tay với đại gia ngoại.

Có thể thấy, tiềm năng của thị trường là lớn, nhưng không hề ngon ăn. Ngay cả những đại gia lớn nhất trong ngành điện máy cũng đang phát triển khá chật vật.

Yếu điểm có thành lợi thế?

Mặc dù vậy, những điểm yếu cố hữu của các DN điện máy nói chung chưa chắc là điểm yếu của Vinpro.

Nếu so sánh với Vingroup, những tên tuổi điện máy hiện tại đều nhỏ hơn rất nhiều. Hãy lấy Nguyễn Kim ra để so sánh, sau thương vụ với Central Group có giá khoảng 100 triệu USD, có thể thấy doanh nghiệp này đang được định giá trên 200 triệu USD (khoảng hơn 4.000 tỷ đồng). Quy mô này nếu so với Vingroup vẫn khá nhỏ. Với tiềm lực tài chính của mình, Vingroup hoàn toàn có thể chiến thắng trong cuộc chiến chạy đua số lượng trung tâm, vốn là điểm mấu chốt trong ngành điện máy.

Một yếu tố nữa là không giống như bán lẻ siêu thị, bán lẻ điện máy Việt Nam chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại. Hiện tại, tất cả các tên tuổi điện máy lớn khác trong nước đều là của DN nội địa. Gần đây mới chỉ có Nguyễn Kim là bắt đầu có sự liên kết với DN ngoại là Central Group của Thái Lan.

Đánh giá các đối thủ nặng ký của Vinpro, những cái tên có thể kể đến là Chợ lớn, Dienmay.com và Nguyễn Kim. Những tên tuổi này đều ở phía Nam và đây cũng sẽ là thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất. 3 DN kể trên có quy mô nhất trong ngành điện máy hiện tại. Bên cạnh Nguyễn Kim và Chợ lớn lâu năm, Dienmay.com, dù mới mở nhưng với sự hậu thuẫn của Thế giới di động, cũng đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây.

Trong khi đó ở phía Bắc, chưa có cái tên nào thực sự nổi bật lên và đủ mạnh. Pico, VHC, và Trần Anh là những tên tuổi lớn tại khu vực này.

Tất nhiên, các trung tâm điện máy lâu năm cũng sẽ không dễ bị lấn át. Trong năm 2014, nhận thấy thị trường điện máy bắt đầu “ấm” dần lên, hầu hết đều đã tiến hành mở rộng ồ ạt. Mediamart đã nâng tổng số siêu thị của mình từ 10 lên 16 trung tâm, Pico từ 4 lên 7 trung tâm, Trần Anh từ 9 lên 16 trung tâm, VHC từ 8 lên 14 trung tâm…

Nguyễn Kim sau khi bắt tay với Central, cũng công bố những kế hoạch mở rộng: Tăng lên 50 siêu thị vào năm 2019.

Những động thái đầu tiên cũng cho thấy Vinpro không vội vàng. Địa điểm đặt những trung tâm Vinpro đầu tiên được ưu đãi rất lớn về mặt bằng khi tận dụng được những mặt bằng sẵn có của Vingroup. Để chuẩn bị cho những trung tâm này, Vingroup đã lấy lại mặt bằng do điện máy Trần Anh thuê tại Royal City và Times City từ trước Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Những vị trí này cũng đặt ở khu trung tâm, vốn bắt đầu có tình trạng bão hòa. Trong khi chiến trường điện máy giờ đang kéo về khu vực nông thôn, có lẽ những trung tâm mới mở của Vinpro sẽ làm nhiệm vụ quảng bá thương hiệu nhiều hơn.

Hiện vẫn chưa rõ Vinpro sẽ tiến hành việc mở rộng các trung tâm điện máy tiếp theo của mình như thế nào. Tuy nhiên, nhìn cách làm của Vinmart, rất có khả năng M&A sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của hệ thống này. Trong năm ngoái, Vinmart cũng rất tích cực tiến hành các thương vụ thâu tóm, như thương vụ thâu tóm Oceanmart, 79 Mart.

>> Hành vi mua của khách hàng mua sắm điện máy tại Việt Nam

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM