Bán lẻ điện máy: Còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp nội

25/02/2015 09:53 AM | Kinh doanh

Trong năm 2015, các doanh nghiệp trong nước vẫn sẽ tiếp tục mở thêm các siêu thị điện máy mới, sẵn sàng cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, trong lúc có những ý kiến cho rằng "sân chơi" này đang bị nước ngoài từng bước thống lĩnh.

Nội dung nổi bật:

- Thị trường kinh doanh bán lẻ điện máy hiện tại vẫn còn dư địa để đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước vẫn có cơ hội để chiếm lĩnh thị trường,

- Các cửa hàng điện máy kinh doanh nhỏ lẻ ở các tỉnh vẫn có “đất sống” với số lượng khách hàng tại địa phương thích mua hàng hoá ở gần nhà.


Sau khi siêu thị điện máy Nguyễn Kim bán cổ phần cho nhà bán lẻ Thái Lan Central Group, nhiều người cho rằng thị trường điện máy trong nước sớm muộn sẽ rơi vào tay các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ khẳng định các tập đoàn bán lẻ nước ngoài chưa thể “thôn tính” toàn bộ thị phần bán lẻ hàng điện máy, và các doanh nghiệp trong nước vẫn có cơ hội khai thác thị trường này.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Mobile World), cho rằng thị trường kinh doanh bán lẻ điện máy hiện tại vẫn còn dư địa để đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước vẫn có cơ hội để chiếm lĩnh thị trường, mở rộng kinh doanh bán lẻ mặt hàng điện máy, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ, thị trường bán lẻ hàng điện máy ở Việt Nam vẫn chưa có tính tập trung cao cho dù có các bước phát triển mạnh mẽ của các hệ thống siêu thị điện máy lớn như Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn, Thiên Hoà… Các cửa hàng điện máy kinh doanh nhỏ lẻ ở các tỉnh vẫn có “đất sống” với số lượng khách hàng tại địa phương thích mua hàng hoá ở gần nhà.

Các siêu thị điện máy lớn đang tập trung ở các thành phố lớn, chưa phát triển mạnh kênh bán lẻ về các tỉnh thành xa xôi. Ở các tỉnh lẻ, khu vực dân cư xa xôi, người dân muốn mua hàng điện máy từ những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… hầu như chỉ có thể thực hiện qua kênh bán hàng online.

Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn có cơ hội để khuyếch trương mảng bán lẻ hàng điện máy, mở thêm siêu thị điện máy ở các khu vực thị trường tiềm năng. Hiện tại, hệ thống bán lẻ dienmay.com hoặc siêu thị điện máy HC đang tiếp tục khai trương các siêu thị mới ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Theo kế hoạch phát triển thị trường của Công ty cổ phần Thế giới Di động, đơn vị đang nắm thị phần bán lẻ điện thoại di động khoảng 30%, trong năm 2015 hệ thống bán lẻ dienmay.com sẽ tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn nữa số lượng siêu thị của mình, từ mức 20 siêu thị vào cuối năm 2014 lên khoảng 45-50 siêu thị vào cuối năm 2015, chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Siêu thị điện máy Thiên Hoà cũng đang hướng tới việc phát triển mô hình trung tâm thương mại kết hợp với siêu thị điện máy bên trong, cung cấp nhiều nhóm hàng hoá cho người tiêu dùng. Vào cuối năm 2014, siêu thị điện máy Thiên Hoà đã mở một trung tâm thương mại diện tích 10.000 m2 tại quận 10, TP.HCM theo mô hình này.

Sắp tới, một số doanh nghiệp có kế hoạch mở siêu thị điện máy bên trong các trung tâm thương mại; bỏ tiền ra thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại thay vì thuê toàn bộ mặt bằng để kinh doanh điện máy. Trước đây, hệ thống siêu thị Điện máy Chợ Lớn đã thực hiện thành công mô hình này với nhiều siêu thị điện máy toạ lạc bên trong các trung tâm thương mại hoặc khu chung cư.

>> Cuộc đua bán lẻ điện máy, ai còn ai mất?

Theo Chí Thịnh

Cùng chuyên mục
XEM