Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Ấn Độ

13/02/2015 20:14 PM | Kinh doanh

Ngày 12/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn các Tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) đã phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm mang chủ đề "Kinh doanh với Việt Nam."

Đại sứ Tôn Sinh Thành cùng các cán bộ phụ trách về kinh tế, thương mại của Đại sứ quán Việt Nam, Tổng giám đốc FIEO Ajay Sahai và các quan chức FIEO, cùng đại diện nhiều công ty Ấn Độ đã tới dự.

Phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm, Tổng Giám đốc FIEO Ajay Sahai đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ.

Ông cho rằng Việt Nam là "cửa ngõ" để Ấn Độ tăng cường kết nối và giao thương với các quốc gia Đông Nam Á. Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và mối quan hệ này ngày càng được tăng cường kể từ khi hai nước thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược năm 2007.

Việt Nam hiện là một trong những đối tác quan trọng của Ấn Độ tại khu vực ASEAN; quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được đánh dấu bằng các hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại ngày càng gia tăng; kim ngạch thương mại của Ấn Độ và Việt Nam đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây, từ 2,36 tỷ USD năm 2009 lên 8,03 tỷ USD năm 2013-2014; xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam trong năm 2013-2014 đạt 5,44 tỷ USD, tăng 37,17%.

Tuy nhiên, theo ông Ajay Sahai, vẫn còn tiềm năng to lớn tại Việt Nam đang chờ đợi các nhà xuất khẩu Ấn Độ.

Việc hãng JetAirways của Ấn Độ khai thác đường bay trực tiếp trên tuyến Mumbai và New Delhi tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Tại cuộc tọa đàm, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết sau gần 30 năm cải cách đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới, với mức tăng trưởng đạt hơn 7% trong thời kỳ 2003-2010.

Bất chấp những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,4% từ năm 2010-2013 và năm 2014 dự kiến đạt 5,98%.

Việt Nam là thành viên tích cực của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Á-Âu (ASEM); Việt Nam đã tham gia các hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa ASEAN-Ấn Độ; ký các FTA với Trung Quốc, Hàn Quốc Australia New Zealand và mới đây đã ký các FTA với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan và đang tiến hành thương lượng FTA với Liên minh châu Âu (EU), tham gia đàm phán Hiệp định hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sau khi nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và ngày càng được tăng cường giữa Việt Nam và Ấn Độ, Đại sứ Tôn Sinh Thành nêu rõ hai nước luôn có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong các diễn đàn quốc tế và khu vực như tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN, Diễn đàn Đông Á (EAS), Tổ chức hợp tác sông Mekong-sông Hằng, ASEM.

Quan hệ thương mại giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ, theo đó Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với mức tăng hàng năm 14% kể từ năm 2008.

Việt Nam tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn của các công ty Ấn Độ. Đến nay, Ấn Độ đã đầu tư hơn 258 triệu USD vào 85 dự án tại Việt Nam. Hai nước đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Tập đoànTata Power cũng đã giành được dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 2, có giá trị đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD.

Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế năng động đang phát triển, đều có thị trường lớn. Cả hai nước không chỉ cần thị trường xuất khẩu, mà còn cần nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu phát triển, qua đó tạo ra những cơ hội lớn đối với doanh nghiệp hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến sẽ đạt mục tiêu 7 tỷ USD trong năm nay và 15 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, để đạt những mục tiêu này, cần có nỗ lực chung từ chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ.

Ông Bùi Trung Thướng, phụ trách thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã trình bày một số nét về chính sách thương mại, cơ chế thuế quan và lợi ích của FTA về hàng hóa giữa ASEAN-Ấn Độ.

Đại diện một số công ty Ấn Độ đang kinh doanh tại Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với các doanh nghiệp đang muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam. Đại sứ Tôn Sinh Thành và các cán bộ Đại sứ quán cũng lần lượt trả lời câu hỏi của các đại biểu tham dự tọa đàm, giúp họ hiểu rõ hơn về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

>> Tại sao giá vé máy bay ở Ấn Độ rẻ nhất thế giới?

Theo TTXVN

 

Cùng chuyên mục
XEM