Vì sao Vinafood 2 thoải mái xài tiền như rác?

07/05/2014 10:06 AM | Kinh doanh

Những sai phạm tại Vinafood 2 được nêu ra từ vài năm trước nhưng không được khắc phục, gây ra những tổn thất, thua lỗ nặng nề

Nội dung nổi bật:

- Vinafood 2 mẹ cùng nhiều doanh nghiệp thành viên và có vốn góp của Vinafood 2 đã phát sinh lỗ từ năm 2012 cũng như 6 tháng đầu năm 2013 và gần như mất khả năng thanh toán. 

- Hầu hết DN thành viên lẫn Vinafood 2 đều giải thích do kết quả thị trường biến động khó lường, giá gạo và thủy sản giảm mạnh, tồn kho lớn, đầu ra tiêu thụ khó khăn...

- Không chỉ kinh doanh kém hiệu quả, việc quản lý vốn, nợ của Vinafood 2 và các thành viên cũng thiếu minh bạch, tiến trình thoái vốn cũng tù mù, trong khi được ưu đãi lớn, lương lãnh đạo 'khủng'.


Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2013 do kiểm soát viên gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy hoạt động của Vinafood 2 (Tổng Công ty Lương thực miền Nam) gặp rất nhiều khó khăn, lỗ hơn 272 tỉ đồng. Trong đó, khối công ty mẹ lỗ 117 tỉ đồng; khối công ty TNHH một thành viên: 45,75 tỉ đồng; khối công ty CP do Vinafood 2 góp vốn chi phối: 49,28 tỉ đồng; nhóm công ty liên kết: gần 60 tỉ đồng.

Lỗ vẫn được ưu ái

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong số này đã phát sinh lỗ từ năm 2012 cũng như 6 tháng đầu năm 2013 và gần như mất khả năng thanh toán. Điển hình như Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang lỗ 20 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, lũy kế đến ngày 30-6-2013 lỗ 62,46 tỉ đồng (chiếm hơn 70% vốn chủ sở hữu); Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh lỗ lũy kế 99 tỉ đồng (gấp gần 1,5 lần vốn đầu tư chủ sở hữu); Công ty Lương thực Trà Vinh lỗ lũy kế 138,47 tỉ đồng… Hầu hết DN thành viên lẫn Vinafood 2 đều giải thích do kết quả thị trường biến động khó lường, giá gạo và thủy sản giảm mạnh, tồn kho lớn, đầu ra tiêu thụ khó khăn...

Kinh doanh thua lỗ là vậy nhưng các DN này vẫn được Vinafood 2 “tạo điều kiện” khắc phục lỗ trong 6 tháng cuối năm 2013. Kết cục, số lỗ lũy kế của 7 DN trực thuộc Vinafood 2 tăng lên gần 454 tỉ đồng vào cuối năm 2013.

Tại báo cáo kết quả giám sát tài chính ngày 14-3-2014, các DN thua lỗ kéo dài tiếp tục nhận thêm ưu ái để tái cơ cấu, không phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Theo đó, Công ty Lương thực Trà Vinh, Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang được đề nghị bán tài sản (bất động sản, khách sạn…) để có vốn hoạt động và khắc phục lỗ. Công ty Lương thực Bạc Liêu được đề nghị cho sáp nhập vào Công ty Lương thực Sóc Trăng.

Trong khi đó, Công ty TNHH Bình Tây đã được Bộ NN-PTNT phê chuẩn việc sáp nhập vào Công ty TNHH MTV Lương thực TP HCM, thời hạn chót là ngày 30-6-2014. Tuy nhiên, dư luận đặt vấn đề khi DN thua lỗ nặng nề, không còn sức hoạt động liệu việc bán tài sản, nhà xưởng có cứu nổi hay sẽ càng làm thất thoát thêm tài sản nhà nước. Và những đơn vị bên bờ vực phá sản, nếu sáp nhập vào một đơn vị chưa hẳn đã khỏe mạnh thì liệu cả hai có đủ sức để “sống sót” trong điều kiện thị trường khó khăn?

Thiếu minh bạch

Không chỉ kinh doanh kém hiệu quả, việc quản lý vốn, nợ của Vinafood 2 và các thành viên cũng có nhiều điều để nói. Vinafood 2 là DN do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, tổ chức theo hình thức công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. 

Vốn điều lệ của Vinafood 2 là 4.723 tỉ đồng nhưng tính đến ngày 30-9-2013 đã phải gánh nợ hơn 9.411 tỉ đồng, trong đó hầu hết là nợ ngắn hạn (hơn 86% tổng nợ phải trả). Vinafood 2 thì vẫn cho rằng khả năng thanh toán của mình vẫn bảo đảm; Vinafood 2 và các đơn vị trực thuộc vẫn hào phóng cho khách hàng nợ 922,68 tỉ đồng (tính đến ngày 30-9-2013) và ứng trước cho người bán tới 1.458,58 tỉ đồng.

Tại báo cáo 9 tháng đầu năm 2013, Vinafood 2 đã chỉ ra những tồn tại trong việc quản lý, thu hồi nợ, như: để phát sinh những khoản ứng trước tiền cho người bán lớn, hầu hết không có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh hợp đồng, khoản ứng trước tiền mua gạo của các đơn vị trực thuộc từ 80%-90% giá trị hợp đồng nhưng việc kiểm tra năng lực người bán, hàng hóa, việc sử dụng vốn đúng mục đích chưa được đầy đủ, thường xuyên, còn mang tính hình thức...

Trước đó, tại báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011 của Kiểm toán nhà nước cũng phát hiện những sai phạm tương tự tại Vinafood 2. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục dường như vẫn chưa được thực hiện dẫn đến hậu quả là đến cuối năm 2013, nhiều DN trực thuộc Vinafood 2 vướng nợ xấu, nợ khó đòi hàng trăm tỉ đồng.

Tù mù tiến độ thoái vốn

Tổng vốn đầu tư tài chính của Vinafood 2 tại các DN tính đến ngày 30-6-2013 là trên 1.348,57 tỉ đồng. Trong đó, gần 486,6 tỉ đồng vào 4 công ty con do Vinafood 2 nắm 100% vốn; 296,8 tỉ đồng vào 12 công ty con do Vinafood 2 nắm trên 50% vốn; hơn 386,76 tỉ đồng vào 14 công ty liên kết và trên 174 tỉ đồng đầu tư dài hạn vào 7 DN khác. Báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011 cho thấy Vinafood 2 đã đầu tư vào Công ty CP Vận tải biển Việt Nam 59,5 tỉ đồng và phải trích lập dự phòng 47,7 tỉ đồng và mua cổ phiếu Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 52,57 tỉ đồng trong khi giá niêm yết thời điểm đó chỉ 16,64 tỉ đồng. 

Theo lộ trình thoái vốn đến hết năm 2015, Vinafood 2 dự kiến trong năm 2013 thoái vốn xong khỏi 13 DN và ghi nhận lỗ khoảng 90,8 tỉ đồng. Giai đoạn 2014-2015 dự kiến thoái vốn tại 7 DN và ghi nhận lỗ thêm 78,45 tỉ đồng. Hiện tiến độ thoái vốn như thế nào vẫn chưa được lãnh đạo tổng công ty này công bố. Báo cáo của Vinafood 2 cho thấy có khoản nợ phải thu dài hạn của Cuba 533 tỉ đồng, là tiền bán gạo cho Cuba được Bộ Tài chính ứng vốn để mua xuất khẩu.

Theo VIẾT VINH - THẾ DŨNG

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM