Vì sao Tập đoàn Mai Linh mất cân đối tài chính?

27/12/2012 10:21 AM | Kinh doanh

Vì sao một tập đoàn lớn, có thương hiệu như Mai Linh lại rơi vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay?

Hàng chục nghìn lao động của Tập đoàn Mai Linh đang lo lắng trước nguy cơ bị mất việc do tập đoàn này bán xe để trả nợ. 

Vay ngắn hạn + đầu tư dài hạn = Nợ nần

Một điều mọi người đều có thể dễ dàng nhận thấy là bộ máy của Mai Linh quá cồng kềnh (một Cty mẹ và khoảng 60 Cty con nằm rải rác ở 53 tỉnh, thành) cùng với một số lượng người lao động khổng lồ lên đến 28.000 lao động. Để đầu tư vào hàng chục Cty con, Mai Linh đã huy động 500 tỉ đồng nhàn rỗi của khoảng 800 cá nhân, với lãi suất 18-25%/năm, và chủ yếu vay ngắn hạn 1-2 năm. Sai lầm chủ quan của Mai Linh là sử dụng vốn huy động ngắn hạn đổ dồn vào lĩnh vực vận tải đầu tư mua xe, mà không lường hết được những rủi ro. 

Về khách quan cũng nhìn nhận, việc lãi suất ngân hàng những năm qua luôn ở mức cao cũng là một gánh nặng của doanh nghiệp. Theo thông tin PV được biết, trong năm 2011, chỉ tính riêng phần lãi suất mà hệ thống Mai Linh phải trả cho ngân hàng và cá nhân lên đến 500 tỉ đồng. Trong khi đó, hoạt động vận tải để thu hồi vốn phải mất thời gian dài ít nhất 5 năm. 

Thực tế những năm qua, hoạt động của ngành vận tải gần như điêu đứng, lợi nhuận thấp, bởi những yếu tố giá xăng dầu liên tục biến động và mỗi lần như vậy kéo theo việc điều chỉnh giá cước, làm tăng chi phí cài đặt, lập trình đồng hồ tính cước khoảng 4 tỉ đồng/lần cho hơn 10.000 xe... Nguồn vốn đầu tư dài hạn không thể thu hồi ngay, bộ máy cồng kềnh, quản lý kém hiệu quả, lợi nhuận thu được lại thấp, trong khi các hợp đồng huy động vốn cá nhân đến thời kỳ thanh toán nên đã đẩy Mai Linh vào thế... điêu đứng.

Nhiều người biết đến Mai Linh chủ yếu hoạt động lĩnh vực vận tải taxi, hành khách, du lịch, thương mại. Còn thông tin về việc Mai Linh có đầu tư vào thị trường bất động sản không, và nay khi thị trường bất động sản đóng băng nên Mai Linh lâm cảnh... bất động? 

Trao đổi với PV, ông Hồ Huy – Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Mai Linh – khẳng định vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực vận tải (chiếm đến 95%). Mai Linh không tham gia đầu tư bất động sản đơn thuần, mà đầu tư nhà xưởng, trụ sở văn phòng phục vụ cho hoạt động vận tải. Tổng giá trị bất động sản dưới dạng văn phòng, nhà xưởng của Mai Linh riêng tại TPHCM trị giá khoảng 500 tỉ đồng, còn tính gộp hệ thống cả nước khoảng 1.000 tỉ đồng.

Kẹt cứng

Theo như những thông tin Mai Linh công bố, với tổng giá trị tài sản hiện có (nhà xưởng, trụ sở văn phòng, phương tiện, trạm dừng chân...) ước khoảng 5.000 tỉ đồng có thể thanh toán được các khoản nợ hiện nay. Hiện Mai Linh cũng đang cơ cấu lại bộ máy theo hướng chuyển hàng chục Cty con ở các tỉnh, thành thành các chi nhánh, bán bớt tài sản là bất động sản nhà xưởng, văn phòng, chuyển sang sử dụng văn phòng thuê, sắp xếp lại công việc nhằm tiết kiệm chi phí và có nguồn tiền thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên khi trao đổi với PV, ông Hồ Huy cũng thừa nhận trong tình hình hiện nay, đặc biệt là thị trường bất động sản, chứng khoán đang rơi xuống đáy, Mai Linh không thể thoái vốn ngay trong một sớm một chiều. 

Với thương hiệu lớn và lâu năm như Mai Linh, việc kêu gọi góp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay cũng là một giải pháp để xoay xở mà không tính đến chuyện bán xe? “Chúng tôi cũng đang đàm phán với một đối tác nước ngoài theo hướng góp vốn cho Mai Linh để tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỉ đồng (vốn điều lệ hiện nay 1.000 tỉ đồng).

Với khoản vốn này, chúng tôi dự định 500 tỉ đồng thanh toán các khoản vay tư nhân, còn lại 500 tỉ đầu tư tiếp 2.000 xe kinh doanh taxi giá rẻ. Thế nhưng, tình hình tài chính Cty khó khăn như hiện nay, việc đàm phán không thuận lợi cho phía Mai Linh” – ông Huy cho biết. 

Theo Mai Linh, đối với các khoản nợ ngân hàng, do hiện nay vẫn có doanh thu đều đặn từ hơn 10.000 xe đang hoạt động, cộng với các hoạt động kinh doanh khác nên việc thanh toán nợ vẫn nằm trong lộ trình đã thỏa thuận với các ngân hàng.

Vấn đề hiện nay đối với Mai Linh nằm ở khoản nợ 500 tỉ đồng của tư nhân, nếu giải quyết được khoản nợ này thì mọi việc sẽ ổn định, không tính đến chuyện bán xe và người lao động cũng không mất việc làm. Do vậy, Mai Linh vẫn trông chờ vào việc ra tay hỗ trợ từ Nhà nước cho vay để giải quyết vượt qua khó khăn trước mắt, sau đó Mai Linh tính đến các giải pháp cơ cấu lại hoạt động, thoái vốn ra khỏi lĩnh vực bất động sản để hoàn trả cho Nhà nước...

Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế như hiện nay và không phải chỉ mỗi Tập đoàn Mai Linh đang gặp khó khăn tài chính, thì việc cầu cứu của Mai Linh từ phía Nhà nước không dễ chút nào...

 

 Hỗ trợ vốn cho tài xế mua lại xe?

Ý kiến của một số nhà quản lý trong lĩnh vực vận tải cho rằng, đối với một doanh nghiệp thì chuyện làm ăn thua lỗ là bình thường và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm đối với những quyết định sai lầm của mình, chứ không thể đề nghị Nhà nước cứu giúp. Bởi nếu doanh nghiệp nào cũng làm ăn thua lỗ, nợ nần, Nhà nước đều cứu thì không biết bao nhiêu cho đủ. Tuy nhiên, vấn đề khó ở Tập đoàn Mai Linh là số lao động lên đến 28.000 người, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hàng vạn lao động mất việc, rồi phát sinh những vấn đề phức tạp khác.

Do vậy, một số ý kiến đề xuất, thay vì hỗ trợ vốn trực tiếp cho Mai Linh, nếu được, Nhà nước có thể xem xét có chính sách hỗ trợ vốn vay cho tài xế, để họ mua lại xe taxi từ Mai Linh (tức nhượng thương quyền). Với giải pháp này, tài xế từ người đi làm công ăn lương (ăn chia với doanh nghiệp) sẽ trở thành làm chủ phương tiện và khi đó chỉ đóng phí dịch vụ, điều hành cho hoạt động taxi với thương quyền Mai Linh. Giải pháp này có thể vừa giúp cho Mai Linh có được nguồn tiền trả các khoản vay, đồng thời giúp lái xe không phải bị mất việc nếu Mai Linh bán xe.

 
 Theo Lao động

kyanh

Từ khóa:  Mai Linh , taxi
Cùng chuyên mục
XEM