Hội chứng “đại gia” ngã ngựa: Mai Linh - lãi vay ngốn sạch nguồn vốn
Nợ phải trả chiếm 84% nguồn vốn
Theo công bố của MLG, doanh thu từ dịch vụ taxi của tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đạt 1.137 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, trong khi giá vốn của dịch vụ taxi là 782 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận gộp cho mảng taxi của MLG sẽ là 355 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ lợi nhuận biên gộp lên đến 31%, có thể nói đây là một tỷ lệ đáng mơ ước với nhiều ngành nghề kinh doanh. Nhưng vì sao MLG vẫn thua lỗ và hoạt động kinh doanh kém khởi sắc?
Trong cơ cấu nguồn vốn gần 5.580 tỷ đồng của MLG tại thời điểm 30-6, “Nợ phải trả” đã chiếm 4.690 tỷ đồng, tương đương 84%. Chỉ tính riêng khoản vay dài hạn từ ngân hàng của MLG con số đã lên đến hơn 830 tỷ đồng. Theo công bố của MLG, khoản vay này có thời hạn từ 48-60 tháng với lãi suất 1-1,42%/tháng, tương ứng mỗi tháng MLG sẽ phải trả lãi vay dài hạn cho ngân hàng từ 8-12 tỷ đồng.
Chưa kể MLG còn vay tín chấp các đối tượng khác 685 tỷ đồng với lãi suất 1,8-1,84%, nhưng lại không cho biết đây là lãi suất cho kỳ hạn nào. Nếu đây là lãi suất tính theo năm có thể MLG vay được nguồn vốn giá rẻ, nhưng xem ra khá phi thực tế; còn nếu đây là mức lãi tính theo tháng thì lại khá cao, vì 1,8-1,84%/tháng quy ra năm sẽ lên đến 21-22%/năm. MLG cũng có hơn 300 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng với lãi suất 1,42-1,75%/tháng, tương ứng 17-21%/năm.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, lãi suất cho vay từ 20%/năm có thể xem là quá sức chịu đựng đối với nhiều doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của MLG trong 6 tháng đầu năm 2012 là hơn 272 tỷ đồng, gấp đôi chi phí quản lý doanh nghiệp, gấp 4 lần chi phí bán hàng và tương đương 67% lợi nhuận gộp.
Sẽ không quá lời nếu nói rằng, tiền trả lãi ngân hàng của MLG đã “ngốn sạch” nguồn tiền tập đoàn đã làm ra và là nguyên nhân chính gây ra thua lỗ.
Hiện nay có những doanh nghiệp đã có thể tiếp cận các khoản vay với lãi suất chỉ bằng phân nửa lãi suất của MLG, tức vào khoảng 10%/năm hoặc 12-14%/năm là khá phổ biến. Vậy tại sao MLG lại phải vay với lãi suất cao như vậy?
Thông thường, rủi ro cao sẽ đi kèm với lãi suất cao, nhưng ở đây MLG lại là một thương hiệu lớn trong ngành vận tải, vốn có dòng tiền khá đều đặn. Phải chăng, những rủi ro MLG đang gặp phải thậm chí còn “trội” hơn cả những lợi thế của tập toàn nên các bên cho vay buộc phải đưa ra một mức lãi suất cao như vậy?
Khủng với công ty con: 57
Tính đến giữa năm 2012, giá trị của các khoản phải thu khách hàng và phải thu khác của MLG đến đến hơn 1.150 tỷ đồng, chiếm 1/5 cơ cấu tài sản của MLG. Tuy nhiên, MLG chỉ trích dự phòng cho các khoản phải thu của mình gần 13 tỷ đồng, tương đương khoảng 1%, đồng nghĩa với việc khả năng “mất mát” từ những khoản này là rất thấp.
Có lẽ do MLG là công ty chưa niêm yết trên TTCK nên BCTC cũng ít bị sức ép từ cổ đông, nhưng về mặt cảm tính, e rằng đây là điều phi thực tế và dường như MLG đã tự tin một cách thái quá. MLG không công bố rõ ràng phải thu khách hàng nào, các khoản phải thu khác là gì, từ cuối 2011 đến giữa năm 2012 giá trị các khoản phải thu không giảm.
Trong khi áp lực lãi vay đè nặng, về lý mà nói MLG sẽ phải nỗ lực giải quyết các khoản phải thu để từ đó xử lý các khoản vay, nhưng điều đó đã không diễn ra. Khi khả năng thu hồi dường như có vấn đề, thì việc trích lập dự phòng mà như… không trích lập cho thấy sự tự tin có phần phi thực tế của MLG và tính chất cẩn trọng trong hạch toán cũng có vấn đề.
Thế mạnh của MLG là kinh doanh vận tải, nhưng sa lầy vì tham vọng đầu tư đa ngành. |
Cũng tương tự, MLG hạch toán giá gốc của các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 226 tỷ đồng vào bảng cân đối kế toán, nhưng lại không trích lập dự phòng cho các khoản này. Nhưng để nhận diện của khoảng 20 công ty nằm trong danh mục đầu tư dài hạn lại không đơn giản. Không rõ các công ty như Mai Linh Đông Nam Bộ, Mai Linh Đông Đô, Du lịch Mai Linh… làm ăn có lãi hay không?
Chưa kể trong danh mục đầu tư của Mai Linh còn có hơn 23 tỷ đồng dành cho “cá nhân và tổ chức khác” mà không rõ đây là hoạt động đầu tư gì? Giả định: Nếu trích lập dự phòng một tỷ lệ khá “nhẹ nhàng” là 10% cho các khoản mục phải thu và đầu tư dài hạn của Mai Linh, giá trị trích lập sẽ lên đến gần 140 tỷ đồng.
Và tất nhiên điều này sẽ tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của MLG và khoản lỗ lũy kế sẽ càng lớn hơn. Cũng không loại trừ các công ty MLG đầu tư có thể hòa vốn, thậm chí có lãi, nhưng nếu vậy MLG cần công bố cụ thể hơn chứ không thể để im rồi không trích lập dự phòng.
Trong BCTC hợp nhất 6 tháng của MLG, có tổng cộng 57 công ty con được hợp nhất và 2 công ty con không được hợp nhất. Nhìn vào tên những công ty con của MLG như SX&TM Mai Linh, Địa ốc Mai Linh, Cà phê Arabica Mai Linh và một loạt công ty Mai Linh gắn với tên các tỉnh, thành trong cả nước, cảm giác đầu tiên sẽ là cực kỳ rối.
Với quy mô vốn điều lệ 876 tỷ đồng MLG cũng không phải là công ty quá lớn, tương xứng với danh xưng “tập đoàn”. Ngành taxi nói riêng và vận tải nói chung đem lại nguồn thu khá tốt cho MLG và có thể nói đây là một ngành khá hiệu quả. Vậy, kết quả kinh doanh kém cỏi của MLG có phải có phải bắt nguồn từ những hoạt động khác?
BCTC 6 tháng đầu năm 2012 của MLG ghi nhận một sự khác biệt rất lớn so với các BCTC trước đây, khi công ty đã chủ động công bố một cách chi tiết hơn và việc này lý ra đã phải làm từ rất lâu. Đến đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi phải chăng MLG không muốn hay do có quá nhiều số liệu phức tạp phải rà soát nên giờ mới công bố?