VHC – Cái tên bí ẩn dẫn đầu thị trường điện máy phía Bắc

23/10/2014 10:26 AM | Kinh doanh

Công bố doanh thu dự kiến tới hơn 6.000 tỉ đồng trong năm 2014, VHC chỉ đứng sau Nguyễn Kim và Thế giới di động và bỏ khá xa các đối thủ ở thị trường miền Bắc như Trần Anh, PICO.

Cùng với những khó khăn do suy thoái kinh tế, giai đoạn từ năm 2008 – 2013 chứng kiến giai đoạn thoái trào của thị trường điện máy sau thời kỳ bùng nổ, khá nhiều trung tâm điện máy đã đổ gục do kinh doanh khó khăn như Best Carings, Việt Long, Home One…

Với nhiều tên tuổi lớn trong ngành điện máy thì tăng trưởng đang là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, bức tranh tổng quát của thị trường điện máy lại cho thấy một cái nhìn rất khác. Bất chấp suy thoái kinh tế những năm gần đây, thị trường điện máy Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tốt, trung bình khoảng 20%. Thị trường đang cho thấy đà phục hồi mạnh sau đợt suy giảm năm 2011.

Hãng khảo sát thị trường GFK vẫn đánh giá Việt nam vẫn là một trong 5 thị trường thế giới có mức tăng trưởng ngành điện máy nhanh nhất thế giới.

Nó phản ánh tính 2 mặt của thị trường, có kẻ thất bại thì ắt có người thành công. Bên cạnh những cái tên vang bóng một thời, thị trường cũng chứng kiến những doanh nghiệp chuyển mình với chiến lược riêng. Cụ thể nhất có thể kể tới Thế giới di động đang rất thành công với chiến lược bao phủ  thị trường với mật độ dày đặc kết hợp với việc đưa hàng hóa về nông thôn.

Riêng tại thị trường miền Bắc, dường như gam màu xám tỏ ra đậm hơn. Hầu hết các thương hiệu lâu năm đều đang gặp khó khăn: Media Mart, Pico gặp khó trong việc tăng doanh số, Topcare thì dính vào tin đồn bị thâu tóm, hay Việt Long phải đóng cửa hàng loạt trung tâm,…

Chỉ một vài tên tuổi duy trì được tăng trưởng. Chẳng hạn Trần Anh, năm 2013, doanh thu của công ty đạt khoảng 1.800 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2012. Năm nay, công ty đề xuất chỉ tiêu doanh thu đạt 2.500 tỉ đồng, nghĩa là đề ra mức tăng trưởng gần 40% so với 2013. Mức tăng trưởng 40% gấp đôi mức trung bình của thị trường mà Trần Anh đưa ra có thể coi là một mục tiêu đầy tham vọng.

Thế nhưng, VHC, công ty sở hữu Chuỗi siêu thị Điện máy Home Center (HC), một cái tên khá mới của thị trường lại tự tin tuyên bố mức tăng trưởng doanh thu trung bình 50%/năm, đạt 6.800 tỉ đồng doanh thu trong năm 2014.

Tên lạ – người quen

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2006 và mới ở miền Bắc, HC chưa phải là cái tên được nhiều người biết đến. Tuy nhiên ông Tô Chính Nghĩa, phó tổng giám đốc chiến lược phát triển & Marketing của VHC, hệ thống trung tâm điện máy này đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao trung bình 50% hàng năm.

Dự kiến năm 2014 này, công ty sẽ đạt doanh thu khoảng 6.800 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2014, công ty đã đạt doanh thu 3.250 tỉ đồng. Với năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3, VHC đang rất kỳ vọng đat được mức doanh thu đề ra khi doanh số tăng mạnh vào thời điểm Tết âm lịch.

Con số 6.800 tỷ đồng mà VHC đưa ra khá bất ngờ vì nó chỉ đứng sau Nguyễn Kim (9.500 tỷ đồng) và Thế giới di động (khoảng 13.000 tỷ đồng) và bỏ khá xa các đối thủ ở thị trường miền Bắc như Trần Anh (khoảng 2.500 tỉ đồng).

Vậy thật ra VHC là ai? Làm sao một tên tuổi mới xuất hiện vài năm lại có thể vươn lên top đầu ngành điện máy phía Bắc?

Thương hiệu VHC nghe thì xa lạ, nhưng nhà sáng lập đứng đằng sau hệ thống này lại là 2 tên tuổi khá nổi tiếng trong ngành bán buôn - bán lẻ Việt Nam.

Nhà sáng lập thứ nhất là ông Nguyễn Hoàng Hải, người đứng đầu công ty Việt Hải (VH), chuyên phân phối sỉ các sản phẩm về âm thanh như đầu đĩa, âm ly California đình đám một thời cho khu vực phía Bắc. Người còn lại là ông Đỗ Ngọc Thạch, ông chủ của thương hiệu điện máy Hà Nội - Chợ Lớn (HC) người thành lập siêu thị bán lẻ điện máy đầu tiên tại Hà nội .

Đều là dân kỹ thuật tốt nghiệp đại học Bách Khoa, cái bắt tay giữa ông Hải và ông Thạch đã kết hợp Việt Hải với Hà Nội – Chợ lớn để trở thành một doanh nghiệp mới mang tên VHC.

Chiến lược đại siêu thị giá rẻ

Đặc thù của ngành điện máy Việt Nam đó là sự phân chia rất rõ theo vùng miền, những tên tuổi điện máy lớn ở phía Bắc thường khó thành công ở phía Nam và ngược lại, các tên tuổi phía Nam cũng rất khó “Bắc tiến”.

Chẳng hạn như Pico đã thất bại ngay lập tức khi xuất hiện ở phía Nam, hay chuỗi dienmay.com của Thế giới di động cũng không tiến ra miền Bắc. Nguyễn Kim là ngoại lệ hiếm hoi với thành công của Nguyễn Kim Tràng Thi.

Đây có thể coi là lợi thế tạm thời của HC khi nếu xét về quy mô doanh thu, những tên tuổi phía Bắc đang kém hơn các tên tuổi phía Nam khá nhiều. Những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với HC có thể kể tới Nguyễn Kim, Pico hay Trần Anh.

Tuy nhiên, các trung tâm của HC sẽ không cạnh tranh trực tiếp và không tập trung vào những vị trí mà số lượng trung tâm điện máy đã dư thừa, chẳng hạn như khu vực trung tâm Hà Nội.

“Các siêu thị mới ra đời đều có mô hình tài chính phù hợp để kiểm soát tính khả thi khi đầu tư và đưa vào vận hành đảm bảo an toàn chung cho toàn bộ hệ thống”, ông Nghĩa cho biết.

Hiện tại, chuỗi trung tâm điện máy HC bao gồm 12 trung tâm đặt ở các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có 5 trung tâm tại Hà Nội.

HC tập trung vào mô hình trung tâm có mặt bằng lớn, trên 2.500 mét vuông bày bán sản phẩm, có diện tích rộng bên ngoài để đỗ xe kết hợp với khu văn phòng, logistic.Theo ông Nghĩa, mô hình của HC được xây dựng theo một số nhà bán lẻ nổi tiếng thế giới. Ngay từ logo màu vàng kết hợp với nền xanh của các trung tâm HC cũng khá tương đồng với hệ thống bán lẻ BestBuy nổi tiếng.

Về chiến lược kinh doanh của VHC cũng cho thấy điểm giống BestBuy khi tập trung vào giá bán sản phẩm. Lãnh đạo HC cho biết, trong giai đoạn đầu phát triển, các trung tâm điện máy HC sẽ chú trọng vào hai yếu tố chính, đó là duy trì giá bán rẻ hơn đối thủ kết hợp chính sách chăm sóc khách hàng để lôi kéo khách hàng trung thành.

VHC chọn chiến lược giá rẻ để thu hút khách hàng

“Lợi thế của HC là sở hữu một quỹ đất lớn, hầu hết là đất thuê 50 năm nên ít bị áp lực từ chi phí mặt bằng. Ngoài ra chúng tôi cũng ưu tiên hàng đầu cho đầu tư hệ thống quản trị nhân lực, tối ưu hóa các chi phí đặc biệt là trong hệ thống chuỗi cung ứng”, ông Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, vấn đề đặt ra đó là lợi nhuận của VHC đang ở mức nào, bởi với một ngành có biên lợi nhuận thấp như bán lẻ điện máy, việc đẩy mạnh mở rộng hệ thống trung tâm điện máy kết hợp với duy trì giá bán cạnh tranh chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận của HC bị ảnh hưởng. Thực tế cho thấy, nhiều tên tuổi lớn như FPT Shop, Trần Anh có doanh thu lớn nhưng chưa chắc đã có lợi nhuận hoặc phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận ngắn hạn Biên lợi nhuận từ 3 – 5% được coi là lý tưởng đối với DN hoạt động trong ngành điện máy.

Từ chối công bố lợi nhuận, đại diện VHC nói hiện công ty đang ưu tiên cho tăng trưởng. Vị giám đốc tài chính của VHC cho biết, công ty vẫn có lợi nhuận và ở mức “an toàn”.

IPO

Sau giai đoạn 1 tập trung vào doanh số và phát triển thương hiệu, VHC sẽ bước vào giai đoạn 2 với một kế hoạch thú vị. Đó là IPO. Hiện tại, chỉ có 2 tên tuổi lớn trong ngành điện máy có mặt trên sàn chứng khoán là Trần Anh và Thế giới di động.

Nhiều công ty tỏ ra không hứng thú với thị trường chứng khoán, tuy nhiên đại diện VHC khẳng định: “Tương lai điều này không thể tránh khỏi”.

Ban lãnh đạo VHC dự tính, sau năm 2016, công ty sẽ đặt chân lên sàn chứng khoán.

“Đây sẽ là bước ngoặt lớn của VHC, bởi chỉ có xã hội hóa doanh nghiệp, chúng tôi mới thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược cũng như làm thay đổi nhận thức của cán bộ công nhân viên một cách tích cực ”, ông Nghĩa nhận định.

Có thể thấy, kế hoạch của VHC khá giống với những bước đi của Thế giới di động đã làm. Chiến lược này cũng tỏ ra khá hiệu quả khi giá cổ phiếu của Thế giới di động đã tăng gần gấp 3 chỉ sau 3 tháng có mặt trên thị trường.

Tất nhiên, rất khó để đánh giá xem VHC có thể lặp lại được thành công của TGDĐ hay không. Nhưng với các nhà lãnh đạo VHC, IPO là bước đi “không thể tránh khỏi, giống như nước và không khí vậy”.

“Điều quan trọng là ở cấp độ nào các nhà đầu tư sáng lập cũng vẫn nắm vài trò chủ đạo, giữ quyền kiểm soát được doanh nghiệp”, ông Nghĩa cho biết.

Ngành điện máy không ngại đối thủ nước ngoài!

Ông Tô Chính Nghĩa, phó tổng giám đốc phụ trách chiến lược và thương hiệu của VHC:

- Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào năm 2015, và sau đó là hiệp định TPP. Khi những rào cản biến mất, các nhà bán lẻ Quốc tế chắc chắn sẽ tràn vào Việt Nam. HC suy nghĩ gì về vấn đề này?

Đến 2015 khi có sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài thì sự tái cấu trúc thậm chí đào thải theo qui luật của kinh tế thị trường sẽ càng được thể hiện rõ nét hơn nhưng chúng tôi tin DN Việt nam nào có chiến lược đúng đắn và hệ thống quản trị tối ưu chắc chắn sẽ phát triển tốt và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

- Ông có lo ngại HC sẽ “lép vế” ngay trên sân nhà trước những đại gia lớn từ nước ngoài?

Có thể những đối thủ đáng gờm nhất không mang tên Việt Nam, nhưng khi nghiên cứu các đối thủ nước ngoài, chúng tôi nhận thấy ngành điện máy có tính đặc thù cao. Vì vậy dù thành công như Best Buy hay Best Denki  cũng chỉ dậm chân trong nước, quy mô kinh doanh ở nước ngoài cũng hạn chế chứ khó để lại dấu ấn đáng kể nào. Vì vậy, nhắc tới M&A chúng tôi mới nghĩ theo hướng xã hội hóa doanh nghiệp.

>> Nghi vấn Ocean Group mua lại Topcare?

Trang Lam - Vương Nguyên

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM