Tư tưởng ‘vượt biên’ của các doanh nghiệp châu Á
Khi mà thương trường đang ngày càng trở nên khốc liệt, nhiều công ty châu Á tìm cách vươn ra, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài điển hình là Canon, Softbank…
Nội dung nổi bật:
- Fujio Mitarai, đồng sáng lập Canon được biết đến là người đầu tiên mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, biến hãng này trở thành một trong những tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
- Cố gắng trở thành một công ty đa quốc gia là bước đi khó khăn trong quá trình toàn cầu hóa. Nó đòi hỏi phải thay đổi, mạo hiểm, cần có sự giám sát cao độ để đấu tranh với các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, lợi ích mà nó mang lại là có thể nhìn thấy được và hoàn toàn xứng đáng để “dấn thân”.
- Các công ty như Softbank, Hitachi hay Honda đều đang trong nỗ lực vươn ra thị trường quốc tế.
Tư tưởng “vượt biên” đã xuất hiện từ rất lâu
Fujio Mitarai, 78 tuổi, nhà sáng lập Canon, một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản với giá trị thương hiệu lên tới 43 tỷ USD. Ông được biết đến là người đầu tiên mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, biến Canon thành một trong những tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Ngay từ những năm 1955, Mitarai đã mạnh dạn mở một trụ sở ở New York. Tuy nhiên, phải mất 20 năm sau đó hãng này mới thực sự thâm nhập được vào thị trường Mỹ bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ.
Hiện nay, Canon trở thành hãng sản xuất máy ảnh lớn nhất nước Mỹ, tuy nhiên hãng vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những đối thủ sản xuất giá rẻ cũng như sự bùng nổ của điện thoại thông minh với khả năng chụp ảnh sắc nét.
Cạnh tranh khốc liệt nhưng lợi ích mang lại đáng để “dấn thân”
Li-Ning, hãng sản xuất trang phục thể thao của Trung Quốc được đặt theo tên người sáng lập - cựu vận động viên từng đạt huy chương Olympics là một ví dụ điển hình. Mặc dù lãnh đạo là người nổi tiếng, và là niềm tự hào của dân tộc, tuy nhiên hãng này vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với Nike và Adidas ngay trên sân nhà.
Theo một nghiên cứu, thị trường toàn cầu của mỗi loại mặt hàng như gas, dữ liệu, máy rút tiền, và nhiều sản phẩm khác đang bị nắm giữ chỉ bởi 3 hoặc dưới 3 công ty với tổng thị phần khoảng trên 70%. Điều này chứng tỏ, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia vẫn đang nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, thị hiếu khách hàng châu Á cũng đang dần thay đổi. Nhờ vào phương tiện truyền thông xã hội và mạng Internet, người tiêu dùng liên tục được cập nhập những xu hướng mới trên toàn thế giới.
Theo thống kê, chỉ khoảng 32% doanh thu của 100 doanh nghiệp lớn nhất châu Á là từ thị trường nước ngoài. Nếu như không tính đến Nhật Bản thì con số này còn giảm xuống 24%. Trong khi đó, đối với 100 doanh nghiệp lớn nhất ở phương Tây thì tỷ lệ này là 52%.
Cố gắng trở thành một công ty đa quốc gia là bước đi khó khăn trong quá trình toàn cầu hóa. Nó đòi hỏi phải thay đổi, mạo hiểm, cần có sự giám sát cao độ để đấu tranh với các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, lợi ích mà nó mang lại là có thể nhìn thấy được và hoàn toàn xứng đáng để “dấn thân”.
Những người tiên phong
Người tiên phong trên con đường toàn cầu hóa phải kể đến Masayoshi Son, nhà sáng lập Softbank, công ty có giá trị lớn thứ hai tại Nhật Bản. Vào năm 2000, ông đầu tư 20 triệu USD vào hãng cung cấp dịch vụ Internet mới thành lập của Trung Quốc mang tên Alibaba. Ngày nay, Alibaba đã trở thành đế chế kinh doanh trị giá hàng chục tỷ USD.
(Xem thêm: Masayoshi Son: Liều ăn nhiều!)
Năm 2006 Softbank mua lại Vodafone. Dưới sự điều hành của Masayoshi Son lợi nhuận hoạt động của công ty này tăng hơn 5 lần so với thời kỳ trước đó. Đến năm 2013, Masayoshi Son thực hiện thương vụ vượt biên giới châu Á lớn nhất từ trước đến nay đó là mua lại công ty điện thoại di động của Mỹ Sprint với giá 40 tỷ USD.
Những doanh nghiệp châu Á có doanh thu từ nước ngoài lớn nhất |
Vào tháng 12/2013, Hitachi lần đầu tiên tổ chức cuộc họp hội đồng quản trị tại nước ngoài (cụ thể là Ấn Độ), điều chưa từng xảy ra trong tiền lệ công ty trước đó.
Hiroshi Mikitani, ông chủ công ty thương mại điện tử Rakuten (Nhật Bản) trị giá 16 tỷ USD mới đây tuyên bố sẽ nâng doanh thu từ thị trường nước ngoài lên mức 50% so với 20% như hiện tại.
Ông Mikitani cho rằng: “Chúng ta cần phải toàn cầu hóa, nếu không thì khó có thể phát triển được. Chúng ta cần phải đưa ra ý tưởng và thu hút khách hàng từ mọi nơi trên thế giới”.
Có lẽ ý tưởng này thực sự đã và đang lan rộng, khi mà tháng 11/2013, Honda cũng tuyên bố sẽ sử dụng tiếng anh trong tất cả các phiên họp quốc tế.
Đứng trên một phương diện nào đó, Nhật Bản hiện giàu mạnh và chín chắn hơn nhiều quốc gia khác tại châu Á.
Thế nhưng, từ những kinh nghiệm của nước này, có thể rút ra bài học về toàn cầu hóa: Thật khó có thể duy trì năng lực cạnh tranh khi mà bản thân không năng động trên trường quốc tế. Suy nghĩ thiển cận không thể khiến bản thân phát triển.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia nhận định, trong tương lai sẽ còn xuất hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia có nguồn gốc từ châu Á. (Biểu những tập đoàn châu Á có doanh thu từ thị trường nước ngoài nhiều nhất năm 2013).
Cơ hội nào cho các công ty mới khởi nghiệp?
Toàn cầu hóa là tốt, mở rộng thị trường ra nước ngoài là một chiến lược thông minh. Tuy nhiên đứng trước những cạnh tranh khốc liệt từ nhiều phía, đâu là cơ hội cho các công ty mới khởi nghiệp ở châu Á?
Câu trả lời nằm tại các thị trường đang phát triển mạnh như Trung Quốc hay Ấn Độ. Các công ty khởi nghiệp có thể chọn những ngành phục vụ chính nhu cầu của địa phương hay những thói quen đặc trưng của các nước châu Á. Điển hình như công ty chuyên sản xuất bánh gạo phục vụ tại Trung Quốc hay nghiên cứu ra loại thuốc chữa trị theo phương pháp cổ truyền của người Ấn…
Tạm kết
Những công ty mới nổi ở châu Á đang ngày càng phát triển trong một thế giới mới. Toàn cầu hóa thực sự đã làm thay đổi “luật chơi” theo những cách nhất định. Năm ngoái, các công ty đa quốc gia của Mỹ chỉ thu về được 11% doanh thu từ thị trường châu Á, giảm so với mức đỉnh điểm 15% trong thời hoàng kim những năm 2005 - 2007. Đây hoàn toàn là dấu hiệu đáng mừng để các doanh nghiệp châu Á mạnh dạn tiến ra khỏi biên giới quốc gia nhưng đồng thời vẫn giữ vững thị trường trong nước.
>> Những ông chủ lớn thường có xuất phát điểm thấp nhưng dám liều
Vân Đàm