"Tứ đại gia" ngành thép Việt muốn được bảo hộ, DN thép nhỏ sợ độc quyền
Cuộc chiến giữa các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang quyết liệt khi một số doanh nghiệp cho rằng cần phải điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép, số khác lại nói không.
Cuối năm 2015, 4 doanh nghiệp lớn của ngành thép gồm: Công ty cổ phần Thép Hoà Phát (HPG), Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý đã đệ đơn đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Nguyên nhân khiến 4 doanh nghiệp đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ là bởi có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu phôi thép và thép dài
Lượng phôi thép nhập khẩu đã tăng từ 466 nghìn tấn năm 2012 lên 1,5 triệu tấn vào năm 2015. Thép dài nhập khẩu đã tăng từ 387 nghìn tấn năm 2012 lên 1,2 triệu tấn năm 2015.
Điều này đã làm ảnh hưởng tới 4 ông lớn ngành thép của Việt Nam. Việc tồn kho tăng đã khiến lợi nhuận của sản xuất phôi thép và thép dài trong nước cũng vì thế bị ảnh hưởng và giảm mạnh.
Ngày 25/12/2015, Bộ Công thương đã tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu.
Kết quả đưa ra lại rất trái ngược với mong muốn của "tứ đại gia" ngành thép. Ngay lâp tức, có 6 doanh nghiệp sản xuất trong ngành thép đã cùng ký tên vào kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các Bộ liên quan đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép.
Lý giải cho đề nghị này, các doanh nghiệp phản đối cho hay, lượng phôi thép nhập khẩu trong giai đoạn 2008 - 2010 còn lớn hơn rất nhiều so với con số 1,25 triệu tấn của năm 2015.
Hiện tại, Thuế suất nhập khẩu phôi thép là 9% vào cuối năm 2015, nếu được tăng lên 45% sẽ khiến phôi thép trong nước tăng giá theo. Hệ quả là các doanh nghiêp sản xuất thép sẽ phải phụ thuộc vào phôi thép của một vài công ty cung cấp ra thị trường.
Không lạ nếu "một vài công ty" này là Hòa Phát hay Thép Thái Nguyên.
"Tập đoàn Hoà Phát, một trong 4 doanh nghiệp đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, hiện đang chiếm 22% thị phần của toàn ngành không hề gặp khó khăn, thua lỗ trong sản xuất thép. Ngược lại, lãi rất cao và tăng trưởng đều hàng năm", đại diện một trong 6 DN chia sẻ.
Nếu áp dụng biện pháp tự vệ sẽ chỉ làm lợi cho một vài doanh nghiệp lớn, đại gia thép, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các công ty thép.
Bộ Công Thương nói gì?
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) chắc chắn sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên.
"Đó là lý do các nước đều cân nhắc lợi ích kinh tế xã hội chung khi quyết định áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và tự vệ nói riêng", ông Hải nhấn mạnh.
Bộ Công Thương luôn ghi nhận mọi ý kiến bình luận, kiến nghị của các bên liên quan và tạo cơ hội cho các bên liên quan được trình bày quan điểm của mình về vụ việc.
Do đó, ý kiến phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ với phôi thép của 6 doanh nghiệp trong nước đã được Bộ Công Thương ghi nhận và sẽ thể hiện trong nội dung kết luận điều tra.