TS. Ngô Trí Long: Không cổ phần hóa được, EVN đừng đổ oan do giá điện thấp

16/03/2015 17:41 PM | Kinh doanh

Việc cổ phần hóa 3 tổng công ty của EVN được cho là do “nút thắt” giá điện. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, khó khăn trong cổ phần hóa 3 Genco là do 4 hạn chế nội tại của các tổng công ty này.

Nội dung nổi bật:

- “Đừng đổ oan cho giá điện thấp mà không cổ phần hóa được. Giá điện hiện đang theo cơ chế thị trường đối với một sản phẩm độc quyền: Nhà nước tính toán chi phí hợp lý, đồng thời cộng một mức lãi hợp lý”.

- Cái khó của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi cổ phần hóa 3 Tổng Công ty Genco 1, Genco 2, Genco 3 là do 4 nguyên nhân nội tại, trong đó có hiệu quả đầu tư hạn chế, cơ cấu bộ máy chưa hợp lý...

- Bộ Công thương: Khi nào các khoản lỗ treo của EVN từ các năm trước hạch toán hêt, lúc ấy giá điện mới thực hiện cơ bản theo giá thị trường và tiến tới một thị trường cạnh tranh.


Từ năm 2012, Bộ Công thương đã có chỉ đạo cổ phần hoá 3 tổng công ty Genco 1, Genco 2, Genco 3, tách khỏi EVN và hoạt động độc lập. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa này đang gặp khó với lý do được cho là: Giá điện thấp nên các nhà đầu tư không mặn mà.

Với lý giải này, phải chăng việc tăng giá điện lên 7,5% từ ngày 16/3 sẽ làm cho ngành điện hấp dẫn nhà đầu tư hơn?

Lý giải trên đã được chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long bác bỏ.

“Trong quá trình cổ phần hóa hiện nay, đối với ngành điện, một trong những nguyên nhân ngành điện chậm phát triển, không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng là do thiếu vốn, đồng thời quản trị trong hoạt động kinh doanh ngành điện còn hạn chế. Điều đó khiến đòi hỏi cấp bách hiện nay là phải tiến hành cổ phần hóa, theo chủ trương là cổ phần hóa 3 tổng công ty Genco”.

Vấn đề đang được tranh luận nhiều là nút thắt quan trọng nhất hiện nay trong tiến trình cổ phần hóa 3 Genco là do giá điện thấp nên chưa cổ phần hóa được, TS. Long cho là không thuyết phục, bởi 2 nguyên nhân.

Một là, mặc dù ngành điện hiện nay mức lãi tương đối thấp (trừ ngành thủy điện), nhưng hiện chúng ta đã hoạt động theo cơ chế thị trường, tức giá điện hiện đang theo cơ chế giá thị trường, ông Long cho biết.

“Cơ chế giá thị trường đối với sản phẩm độc quyền là gì? Là Nhà nước tính toán chi phí sao cho hợp lý, đồng thời cộng một mức lãi hợp lý” – ông Long phân tích.

Hai là, ngành điện dù lợi nhuận tương đối thấp nhưng mức độ rủi ro rất hạn chế, không cao bằng những nước công nghiệp khác, cho nên tương đối an toàn.

Theo ông Long, trong tình hình hiện nay, khó khăn trong việc cổ phần hóa 3 Genco là do:

1- Quy mô vốn, tài sản của 3 tổng công ty này quá lớn. Cho nên, khi cổ phần hóa, không có nhà đầu tư chiến lược nào có khả năng hấp thụ được số vốn này

2- Hiệu quả đầu tư còn hạn chế

3- Cơ cấu bộ máy chưa hợp lý

4- Nguồn nhân lực thiếu

Bên cạnh các khó khăn trên, ông Long cho rằng việc cổ phần hóa các tổng công ty cũng có những thuận lợi liên quan đến chủ trương của Nhà nước...

“Đừng đổ oan cho giá điện thấp mà không cổ phần hóa được. Lý do đó tôi thấy chưa thỏa đáng” – ông Long nhận định.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính – cho rằng: “Việc cổ phần hóa chúng tôi nghĩ là phải tiến tới. Tuy nhiên, cần phải tính toán sao cho phù hợp với từng thời điểm”.

“Hiện theo báo cáo của EVN, giá điện đang tiệm cận theo giá thị trường, hiện vẫn còn một khoản lỗ treo của những năm trước dồn lại. Khi nào các khoản lỗ treo hạch toán hết, thì lúc ấy mới thực hiện cơ bản theo giá thị trường và tiến tới một thị trường cạnh tranh. Lúc đó, chúng ta sẽ tiến tới, xem xét các yếu tố của giá điện”.

>> Viện trưởng CIEM: Không thể lấy lý do EVN phá sản để tăng giá điện

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM