Trồng đào cả năm lãi không bằng buôn đào ba ngày Tết
Với doanh thu một ngày 40-50 triệu đồng, trừ chi phí giá thành, tiền thuê đất... trung bình, mỗi ngày giáp Tết, một thương gia buôn đào lãi được 20-25 triệu đồng. Cả vụ đi buôn đào, ước tính lợi nhuận lên đến 200-300 triệu đồng. Số tiền này khiến nhiều người dân Nhật Tân trồng đào phải ao ước...
Thông tin về đào được mùa, tăng giá nhiều người quan tâm nhưng không “gây sốc” bằng tiết lộ của giới buôn vườn về lợi nhuận bán đào những ngày giáp Tết.
Cứ mỗi độ xuân sang, những ngày giáp Tết, phố phường Hà Nội lại ngập tràn trong sắc đỏ thắm, phớt hồng của hoa đào Nhật Tân, đào rừng Tây Bắc hay đào đá Nghệ An.
Trên đường Lạc Long Quân, phố Hoàng Hoa Thám - chợ hoa đào từ nhiều năm nay, dòng người đổ về tấp nập. Trên tay người cầm hoa, người chở đào, người mua quất. Tiếng nói cười, tiếng kì kèo bớt một thêm hai tạo thành không khí mua bán nhộn nhịp và đông vui.
Anh Đỗ Trung, một thương nhân bán đào trên đường Lạc Long Quân, đon đả chào hàng: "Em lấy đào về cắm nhà hay để cơ quan để anh tư vấn cho. Đào nhà anh đẹp miễn chê, chơi đến hết tháng hai vẫn còn xuân trong nhà".
Như để chắc nịch lời đã nói, anh Trung giới thiệu với khách hàng, anh là một thương nhân buôn đào Tết gần 15 năm nay.
Gia đình vốn bần nông, ở Quế Võ, Bắc Ninh, quanh năm chỉ làm vài ba sào ruộng đủ gạo không phải ăn đong từng bữa. Đến năm 2000, theo chân một người họ hàng ở Hà Nội, anh ra chợ Hoàng Hoa Thám bán hoa. Rồi từ bán hoa, bằng những mối hàng thân thiết, năm 2002, anh Trung chuyển hẳn qua bán đào Tết.
"Năm nào cũng thế, em cứ đến đúng địa chỉ này là thấy anh. Gần 15 năm nay rồi, khách hàng thân thiết của anh giờ nhiều lắm. Thậm chí, khách hàng ở Sài Gòn, Đà Nẵng muốn mua anh thuê xe chở một chuyến vào tận nơi. Mua của người bán lâu năm nên không lo, đào xấu năm sau quay lại anh trả tiền hoặc bù cây khác", anh Trung khẳng khái nói.
Nói là gian hàng nhưng chỉ là một cái lều nho nhỏ, xập xệ được dựng lên bằng vài tấm gỗ và chiếc bạt đã nhuốm màu cũ kỹ anh Trung dùng để nằm ngủ qua đêm trông đào.
Đếm sơ qua, dễ cũng đến 30 - 50 đào các loại. Từ đào phai, đào bích, đào Nhật Tân... các loại chẳng thiếu thứ gì.
Giá đào của anh Trung bán cũng đa dạng, từ cành đào 200-300 nghìn đồng đến gốc đào cổ 10, 15, 20 triệu đồng. Phục vụ từ khách bình dân đến giới "thượng lưu", người nhiều tiền...
Anh Trung nói, số đào đó chỉ chiếm chưa đầy 1/10 lượng hàng anh lấy vào. Chủ yếu là để trưng bày cho khách ngắm, xem mẫu hàng. Nếu khách muốn mua, sẽ có nhân viên đưa đến tận vườn, nơi mà anh mua chọn của nhà vườn, để cho khách lấy. Chưa kể, ở Quế Võ, anh Trung còn một bãi đào để phục vụ người dân chơi tết.
Anh Trung làm phép tính, vụ này nhập vào khoảng 300 - 400 đào trong đó ước khoảng 100 cành và 300 gốc các loại. Trong đó, giá nhập ước bằng một nửa giá bán. Nghĩa là, cành đào 300 nghìn thì từ chi phí đi lại, thuê bãi đất, anh lãi được hơn 100 nghìn. Gốc đào loại từ 3 triệu đến 15 triệu, mỗi thứ lãi gần một nửa.
Mở bán từ đầu tháng 2/2016 nhưng hai, ba ngày nay mới bắt đầu đông khách. Tính cả vụ đi buôn đào, anh thu về ước khoảng 200 - 300 triệu đồng. Một con số khiến nhiều người dân trồng đào phải mơ ước.
"Cả năm đi làm ruộng, trông chờ vào mấy ngày Tết để kiếm tiền chi tiêu cho cả năm thì phải lãi thế mới đi buôn chứ. Lãi như anh là còn khiêm tốn đấy, anh bạn trước giới thiệu anh với giới buôn đào còn lãi 500-600 triệu. Nhưng anh ấy chủ yếu buôn đào gốc to cho các khách VIP thôi...", anh Trung thẳng thắn.
Anh Trung là một thương lái điển hình kiếm bạc triệu nhờ bán đào Tết. Ở chợ hoa đào, những thương lái nhỏ lẻ, hoặc những người cầm đào bán rong, ế ấm cũng thu lãi về vài chục triệu.
Chị Ngọc Mai (Phường Nhật Tân, HN) là một ví dụ.
Chị Mai kể, nghề của chị chính là giáo viên. Nhưng lên lớp cả năm lương ba cọc ba đồng, thưởng Tết chẳng là bao. Gia đình lại nuôi 6 miệng cơm, thế nên, Tết nào chị cũng tranh thủ đi bán đào dạo kiếm chút tiền mua sắm ba ngày đầu xuân.
Đào chị Mai lấy là những cành mà thương lái lớn bỏ sót lại, không mua của chủ vườn đào. Chẳng thế mà giá rẻ chỉ bằng một phần ba giá bán ra.
Chị Mai nói: "Mình vốn ít thì làm ít. Cành đào vẫn rất đẹp, phù hợp với túi tiền người lao động chân tay, gia đình có thu nhập thấp. Chỉ cần 200 nghìn là có cành đào đón Tết. Ngày ít thì bán được 10 cành, ngày đông thì bán được 30 cành. Mỗi vụ Tết, cũng kiếm được 10 triệu".
Những người bán đào dạo trên phố Lạc Long Quân (HN) - Ảnh: K.L
Có thể nói, con số thu nhập khủng nhờ bán đào chơi ba ngày tết của thương nhân khiến nhiều người trồng đào phải ao ước, ghen tỵ.
Ông Phùng Văn Tuấn, chủ một vườn đào ở làng Nhật Tân cho hay, để có một gốc đào đẹp và thế lạ buộc người nông dân phải có kỹ thuật chăm bón và sự cần cù chịu thương, chịu khó: nhặt cỏ, bón phân, tưới nước, cắt tỉa tạo dáng,… quanh năm ngày tháng.
Chưa kể chi phí thuê nhân công, thuốc trừ sâu, phân bón... đều tăng so với mọi năm.
Vốn và công sức đầu tư trong suốt một năm được người làm đào Nhật Tân dồn hết hi vọng vào đợt thu hoạch cuối năm.
Thế nhưng, dù năm nay đào có được mùa, lãi cao nhưng cũng chỉ bằng một nửa hoặc ngấp nghé so với thương lái nhận được.
"Giá đào có cao lắm cũng không đến 20 triệu, chủ yếu là do giới buôn thổi giá. Nhưng mình phải chấp nhận, bởi nếu không bán thì họ mua của người khác. Làm ăn thì mỗi người được một chút nhưng đi buôn bao giờ cũng giàu hơn người trồng", ông Tuấn nói.