Tổng Công ty HUD: Ngày ấy - bây giờ

04/06/2015 08:22 AM | Kinh doanh

HUD là đơn vị đầu tàu trong phát triển nhà ở và đô thị tại Việt Nam trong những năm qua, đã gặt hái được rất nhiều thánh tích nổi trội làm thay đổi diện mạo đô thị, tuy nhiên, cũng từ đó mà HUD đang gặp phải gánh nặng nợ nần, kinh doanh kém hiệu quả.

Nội dung nổi bật:

-Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều thành tích trong lĩnh vực phát triển đô thị và kinh doanh nhà ở. Là đơn vị tiên phong đem văn hóa ở chung cư đến người dân Thủ đô.

-HUD được xem là một trong những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hàng đầu, cùng với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp BĐS khác đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, cuộc sống hiện đại của người dân, đặc biệt là ở các đô thị lớn.

-Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó HUD cũng đã để lại nhiều thiếu sót trong quá trình kinh doanh, khiến doanh nghiệp này lâm vào cảnh nợ nần, kinh doanh trên đà xuống dốc


Từ Ban quản lý nhà ở…thành một tập đoàn

Với định hướng xóa bao cấp về nhà ở, Nhà nước đã cho phép thành lập Công ty Phát triển nhà và đô thị (tiền thân của HUD) vào năm 1989 từ Ban quản lý nhà ở đường 1A. Từ đó, HUD có nhiệm vụ quy hoạch và phát triển nhà ở cho người dân Thủ đô, những dự án khu đô thị mới ở phía Nam thành phố đã được quy hoạch như Định Công (35ha), Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (184ha, trong đó 74 ha là mặt hồ điều hoà)…

Khu đô thị mới Bắc Linh Đàm rộng 24ha cũng đã được xây dựng kể từ đó, sau quá trình xây dựng trong 10 năm, khu đô thị này trở thành khu đô thị kiểu mẫu, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, đã thu hút hàng chục nghìn người đến định cư tại đây.

Với những thành tựu đạt được, đặc biệt là vốn chủ sở hữu sau 10 năm phát triển của HUD đã tăng gấp 50 lần. Vì thế, HUD đã được nâng lên thành Tổng Công ty vào năm 2000. Với quy mô hoạt động ngày càng lớn, HUD bắt đầu nhân rộng mô hình phát triển đô thị ra các tỉnh thành lân cận như Hà Tây (cũ), Thanh Hóa, Hà Tĩnh,…rồi các tỉnh khu vực phía Nam như Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Trong giai đoạn 2000-2005, HUD đã tiến hành cổ phần hóa nhiều đơn vị thành viên, các công ty con. Do đó, đến 2006, HUD được chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình công ty mẹ-công ty con.

Đây cũng là giai đoạn thị trường bất động sản bùng nổ, HUD vào thời kỳ phát triển “nóng”, đâu đâu cũng có dự án của đơn vị này, sản phẩm của HUD và công ty con được sang nhượng ồ ạt trên thị trường, thậm chí “tiền chênh” ở những căn bộ, liền kề, biệt thự được đẩy lên hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Điều đó dẫn đến những quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính của HUD.

Đến 2009 thì HUD được biết đến như một tập đoàn phát triển nhà và đô thị, kết quả là đến 2010 HUD được thí điểm hình thành Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam gồm Viglacera, Hancorp, Viwaseen và Tổng công ty Bạch Đằng.

Trong 2 năm thí điểm tập đoàn, HUD có tới 183 đơn vị thành viên, doanh thu năm 2010 đạt khoảng 30 nghìn tỷ và đến năm 2011 đạt khoảng 34.410 tỷ đồng.

Sau 2 năm triển khai mô hình này không đáp ứng được yêu cầu nên Chính phủ yêu cầu tái tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn HUD và các đơn vị thành viên theo mô hình Tổng Công ty. Khi đó vốn điều lệ tạm tính của HUD là 3.981 tỷ đồng. Thị trường địa ốc bước vào thời kỳ khủng hoảng, câu chuyện tập đoàn của HUD cũng rẽ sang hướng khác.

Ngày nay, nợ nần nghìn tỷ -đầu tư thua lỗ

Thị trường địa ốc lâm vào khủng hoảng, HUD bắt đầu đối diện với những vấn đề của “bong bóng” bất động sản. Cũng chính từ việc đầu tư dài trải là một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn hiện nay của HUD cũng như một số công ty thành viên.

Bản Thông báo kết luận thanh tra HUD của Thanh tra Chính phủ ngày 25/5/2015 đã chỉ rõ điều này: “quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt là từ 2011 trở về trước HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa khả năng tài chính và quản trị, dẫn đến việc chậm trễ triển khai các dự án, sản phẩm dở dang và hàng tồn kho quá nhiều, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay”.

Đặc biệt là những khoản nợ của HUD quá lớn, thậm chí phát sinh nợ quá hạn, doanh thu và thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả. Kết luận thanh tra Chính phủ cho thấy, đến nay các khoản nợ phải trả của HUD lên tới 6.684 tỷ, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền.

Trong khi đó, tồn kho lại quá nhiều (hơn 4.352 tỷ) thanh khoản chậm, hạch toán chưa đầy đủ các khoản nợ tiền sử dụng đất. Nợ công trình hạ tầng chưa xây dựng và quá hạn chưa bàn giao được cho địa phương khối lượng lớn (4.501 tỷ).

Không chỉ bất động sản khiến HUD gặp khó khăn, mà việc đầu tư ngoài ngành dài trải cũng đang là gánh nặng cho HUD. Đơn cử như trường hợp đầu tư vào Công ty CP xi măng Sông Thao trên 516 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế của công ty này đến 31/12/2012 đã lên tới 305 tỷ bằng với 45% vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Ở một số tỉnh, thánh phố HUD cũng gặp không ít khó khăn về tài chính. Đầu 2014, tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn đòi nợ tiền sử dụng đất 78 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng tiền nợ chậm nộp tại KĐT mới Bắc Tp Hà Tĩnh.

Trong một hai năm trở lại đây, tình hình nợ nần của HUD không được tiết lộ chi tiết, nhưng đó cũng là dấu hỏi lớn khi vào giữa 2013 Bộ Xây dựng đã phải đề nghị Bộ Tài chính ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ thay cho HUD khoảng 5,4 triệu USD.

Như vậy, có thể thấy việc quản lý sử dụng vốn, tài sản và hoạt động kinh doanh của HUD là hết sức khó khăn, nhiều trường hợp có khả năng mất vốn.

Theo Kiều Thuật

Cùng chuyên mục
XEM