CEO Thuduc House: 'Công việc kinh doanh chịu nguy hiểm như một Cascadeur'

15/07/2013 09:15 AM | Kinh doanh

Cuộc sống là một hành trình đi về phía trước, không ngoái nhìn, không hối tiếc. Cứ làm hết sức, sống đúng với những gì mình cho là tốt đẹp nhất, không than van, không màng danh lợi.

Những ngày sóng gió đang bủa vây tứ phía các doanh nghiệp bất động sản. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, công ty Thuduc House vẫn cố gắng bảo toàn tổng tài sản và tạo ra lợi nhuận. Chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Lê Chí Hiếu chính là người đứng mũi chịu sào, bươn chải linh hoạt để doanh nghiệp mình không phải đứng bên bờ vực phá sản.

Theo ông, việc hàng loạt công ty bất động sản tung ra dòng căn hộ giá rẻ là dấu hiệu tích cực giúp thị trường bất động sản ấm lên, liệu có tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những khu ổ chuột mới?

Nhỏ bao nhiêu để không tạo gánh nặng cho hạ tầng là trách nhiệm của nhà đầu tư. Hiện nay do giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân bình thường, nên ít ai có khả năng mua nổi nhà diện tích lớn. Việc tung ra căn hộ nhỏ là hợp lý, nhưng nhỏ đến mức độ nào để vẫn bảo đảm được các tiện ích tối thiểu cho một gia đình tuỳ thuộc vào việc quản lý của Chính phủ và quy hoạch tiện ích của nhà đầu tư.

Theo ông, giá căn hộ hiện nay đã xuống thấp nhất chưa? Đây có phải là thời gian tốt nhất để mua nhà?

Giá căn hộ không thể thấp hơn được nữa, vì doanh nghiệp đang phải chấp nhận bán thấp hơn giá thành, cắt lỗ để tồn tại và trả nợ. Nói về giá, trước đây doanh nghiệp được hưởng lợi từ bất động sản, nhưng vài năm gần đây, giá chững lại, nhiều nhà đầu tư ôm lỗ, tiến thoái lưỡng nan vì tính thanh khoản kém. 

Đối với những căn hộ diện tích lớn, giá tiền cao, hơi kém khách còn tồn đọng, chúng tôi chấp nhận chịu lỗ để bán, áp dụng thêm gói hỗ trợ khách hàng, đầu tiên trả 40%, số còn lại cho trả góp 4 – 5 năm không tính lãi, có thể vào ở ngay. 

Đó là một hỗ trợ tốt, nhà đầu tư gánh rủi ro chi phí cho khách hàng, nên rất được khách hàng ủng hộ.

Trong tình hình hàng loạt doanh nghiệp bất động sản trên bờ vực phá sản như hiện nay, làm thế nào để Thuduc House không bị rơi vào vòng xoáy nợ nần?

Chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nặng, doanh thu, lợi nhuận tụt giảm khá nhiều, nhưng chưa bị nặng là nhờ đã thấy trước vấn đề. Việc phát hành trái phiếu chuyển đổi thu được 200 tỉ đồng tiền vốn lãi suất 7%/năm đã giảm bớt gánh nặng đi vay, chứ với lãi suất như cách đây ba năm thì chắc chắn không trụ nổi. 

Mặt khác, chiến lược kinh doanh được hình thành trên nền tảng cơ bản là bất động sản, nhưng luôn có nhiều ngành khác phụ trợ. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm TP.HCM – Thủ Đức đầu tư mười năm trước, giờ đã trở thành chợ đầu mối nông sản lớn nhất Việt Nam. Hệ thống chợ phát triển đã biến một vùng đất sình lầy ở xa lộ Đại Hàn thành nơi giao thương sầm uất, cả vùng phát triển theo. 

Trong lúc bất động sản khó khăn, chúng tôi mở thêm hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản, sản phẩm phục vụ nông nghiệp, khoáng sản, thức ăn gia súc… dựa trên chợ đầu mối này, vừa giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vừa được các đối tác nước ngoài tin tưởng. 

Nguồn thu từ chợ là một trong những cách trợ giúp sức sống cho công ty. Về xây dựng, nỗ lực tìm kiếm mở rộng hoạt động nhận thầu xây lắp như xây dựng giao thông, xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, như con đường Thủ Thừa – Long An… Ngoài ra còn có nhiều hoạt động khác như dịch vụ quản lý văn phòng, bảo vệ… dù không đem lại lợi nhuận đáng kể, nhưng góp phần tạo công ăn việc làm cho nhân viên. 

Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần, giao dịch nhiều hơn trong những phân khúc đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên để có sự đảo chiều, phụ thuộc nhiều vào chính sách vĩ mô, đặc biệt tính thanh khoản và tiền sử dụng đất, nếu giải quyết chậm quá thì thị trường sẽ tiếp tục ì ạch.

Nhìn lại đội ngũ dân doanh Việt Nam qua những cơn sóng dữ, ông thấy họ được gì, mất gì?

Có lẽ chưa lúc nào các chủ doanh nghiệp bị giày vò, thân sơ thất sở như bây giờ. Đi đến đâu cũng gặp người than van, trách cứ. Căng thẳng không đơn thuần vì lãi suất cao, hàng tồn kho lớn, mà khủng hoảng thật sự là thấy bất lực trước rủi ro của nền kinh tế, nhiều điều rất bức xúc của xã hội không vượt qua được như nạn tham nhũng, những khó khăn bất tận về các thủ tục. Nhìn bên ngoài, các cơ quan quản lý có vẻ dễ dàng hơn trước, nhưng đi vào thực tế, chỗ nào có cơ hội ức hiếp doanh nghiệp là họ làm.

Các chủ doanh nghiệp đang vừa lao đao với những vấn đề nội tại của doanh nghiệp mình, vừa phải “làm xiếc trên dây” với bao áp lực bên ngoài công việc kinh doanh, chịu nguy hiểm như một cascadeur, sẵn sàng hy sinh sự an toàn của mình để cứu doanh nghiệp, rủi ro vô cùng lớn.

Cuộc sống là một hành trình đi về phía trước, không ngoái nhìn, không hối tiếc. Cứ làm hết sức, sống đúng với những gì mình cho là tốt đẹp nhất, không than van, không màng danh lợi.

Đội ngũ doanh nghiệp tư nhân Việt hình thành chưa đầy 30 năm, nhưng đã phát triển rất nhanh, đạt được những thành quả đáng ngưỡng mộ, trở thành nòng cốt của nền kinh tế. 

Với lực lượng còn mỏng, yếu như vậy, lại phải đối mặt với những cơn bão tài chính như khủng hoảng kinh tế năm 1997, khủng hoảng kéo dài từ năm 2008 tới nay đặc biệt nghiêm trọng… dập cho te tua, nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt, ý chí rất đáng khâm phục. 

Nếu điều hành kinh tế vĩ mô thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, giải pháp của Chính phủ bảo đảm lấy lại được niềm tin, tôi hy vọng chúng ta sẽ gầy dựng được một đội ngũ doanh nhân mới đầy nội lực cho nền kinh tế.

Về phía doanh nghiệp, tôi tin bất cứ khó khăn nào cũng có thể tìm thấy lối thoát nếu biết kiên trì, biết liên kết với nhau để vượt khó. Bạn bè chính là chỗ dựa vững chắc nhất cả về tinh thần và vật chất lúc khó khăn. Cuộc sống luôn là vậy… Khi có những người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, biết mở rộng mối quan hệ với nhà đầu tư, chính quyền, người dân, đó là nguồn năng lượng thắp lên ánh sáng giúp mình tiến tới.

Là một trong những đơn vị đầu tiên lên sàn chứng khoán, từng sở hữu rất nhiều tiền và cũng từng bị mất rất nhiều, ông nghĩ gì về giá trị đồng tiền?

Tôi làm vì niềm vui khi nhìn thấy thành quả mọi người cùng được hưởng, vì vậy chuyện được mất không làm tôi lo sợ. Với tôi, quan trọng nhất là trách nhiệm với bao con người, gia đình, mà tiền bạc đồng nghĩa với cuộc sống của cả ngàn nhân viên. Nếu chỉ lo cho cá nhân mình thì đơn giản lắm, trách nhiệm với tập thể đòi hỏi mình phải hy sinh nhiều thứ, thời gian, sức lực, kể cả hạnh phúc gia đình. Chấp nhận rủi ro bản thân, nếu làm được thì mọi người cùng hưởng, nhưng nếu thất bại thì một mình phải chịu, không thể đổ lỗi cho ai.

Là tác giả của album Tuổi hai mươi gồm 13 ca khúc do chính ông sáng tác, âm nhạc có vai trò gì trong cuộc sống của ông?

Nhà tôi đông anh em, cha mẹ đều là giáo viên, 11 tuổi tôi đã vẽ panô rạp hát kiếm tiền phụ mẹ. 17 tuổi đạp xe ba gác, bốc xếp ngoài chợ, rồi làm kế toán, thư ký... Vào đại học, tôi vừa học vừa dạy kèm… tất cả đã hun đúc chí tự lập, không lệ thuộc. Thiên hướng nghệ thuật, thích ca hát từ nhỏ đã mang tôi đến với âm nhạc, và tôi bắt đầu viết những ca khúc đầu tiên trên ghế giảng đường đại học Kinh tế. 

Âm nhạc là thú vui giúp tôi cân bằng cuộc sống tinh thần, kích thích trí tưởng tượng, sự nhạy cảm, trực giác, những điều rất cần cho kinh doanh, giúp mình nhìn thấy những cơ hội đầu tư, tìm ra chiến lược kinh doanh đúng đắn.

Từng có những bài viết đầy suy tư về thời cuộc, về kinh doanh, bài học nào ông cho là quý giá nhất? Trong quan hệ giữa người và người, ông coi trọng điều gì?

Với tôi, cuộc sống là một hành trình đi về phía trước, không ngoái nhìn, không hối tiếc. Cứ làm hết sức, sống đúng với những gì mình cho là tốt đẹp nhất, không than van, không màng danh lợi. Làm gì cũng công khai, trong sáng, minh bạch, luôn nghĩ trước, nghĩ sau, để không gây hậu quả về sau. Như vậy sẽ không bị bóng đen đè nặng lương tâm.

Trong quan hệ con người, tôi coi trọng sự trung thực, hiểu biết, đồng cảm. Những người không tin tưởng thì không thể quan hệ vì chắc chắn sẽ có vấn đề xảy ra. Điều hành một doanh nghiệp, quan trọng nhất là nắm được tài chính, điều phối tốt, hợp lý, nắm được con người, gieo được nhiều tình bạn ở khắp nơi, như thế sẽ làm được chuyện lớn.

Tìm hiểu sâu về triết lý phương Đông, ông rút ra điều gì cho riêng mình?

Với tôi, sống hoà hợp với thiên nhiên và không làm tổn hại đến mọi người, đem lại lợi ích chung là cách sống đẹp nhất. Đơn giản thế thôi. Kinh Dịch và Đạo đức kinh của Lão Tử không phải là cái gì quá cao siêu, lý giải cuộc sống khúc chiết và khoa học trong sự chuyển dịch, thay đổi thường xuyên. Triết lý về sự chuyển dịch giúp tôi rèn luyện kỹ năng sống giống như nước: mềm mại, linh hoạt, uyển chuyển, khiêm tốn…

Nhìn về phía trước, ông có hy vọng nhiều không vào sự đổi thay?

Dân tộc Việt Nam không thua bất kỳ ai, doanh nhân, trí thức cũng thế, sẵn sàng lo lắng vì vận mệnh quốc gia. Nếu đủ bản lĩnh hội tụ tất cả mọi nguồn lực, sức mạnh của dân tộc, để làm nên những điều kỳ diệu, đất nước sẽ phát triển nhanh hơn.

Theo KIM YẾN
Chân dung hội họa : HOÀNG TƯỜNG

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM