Tôn Trung Quốc "ăn" mất 9 nghìn tỉ đồng của tôn Việt Nam ngay trên sân nhà

27/11/2015 14:15 PM | Kinh doanh

Ước tính tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của năm 2015 dự đoán là khoảng 2,6 triệu tấn thì với việc thị phần suy giảm 20%, tương đương hơn 500 nghìn tấn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị tổn thất hơn 9,3 nghìn tỷ đồng

Theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam (VINATAS), trong vài năm trở lại đây, lượng thép nhập khẩu gia tăng đột biến. Cụ thể: năm 2014, các nhà sản xuất tôn thép chỉ tiêu thụ được 2.104.000 tấn trong khi đó khối lượng nhập khẩu vào để tiêu thụ sản xuất trong nước là 750.000 tấn. Cộng cả lại, tôn nhập khẩu đã chiếm đến 26,3% thị trường trong nước.

Lượng thép tiêu thụ năm 2015 tăng đáng kể so với năm 2014. 9 tháng năm 2015, các nhà sản xuất tôn thép tiêu thụ được 2.268.000 tấn. Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu vào để tiêu thụ ở trong nước là 1.078.000 tấn. Như vậy, tôn nhập khẩu chiếm 32,2% thị trường trong nước.

Điều đáng nói là, trong số hàng nhập khẩu thì tôn mạ từ Trung Quốc chiếm 90%, chất lượng kém và bán với giá rẻ hơn tôn Việt Nam. Điều này làm tổn thất nghiêm trọng đối với nhà sản xuất trong nước, mất uy tín, giảm thị phần, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng bị "móc túi"...

Về tình hình gian lận thương mại, theo VINASTAS, thời gian qua hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng tôn thép diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn. Biểu hiện của việc gian lận tôn giả là in mác nhãn giả, lấy cắp thương hiệu các nhà sản xuất tôn có uy tín để in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, thủ đoạn của các doanh nghiệp nhập khẩu là nhập hàng Trung Quốc kém chất lượng và in nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp có uy tín của Việt Nam để tiêu thụ…

Năm 2014, chỉ riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện 1.900 cơ sở kinh doanh tôn, thép,phát hiện xử lý hàng trăm cơ sở vi phạm, phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang năm 2015, kết quả kiểm tra cho thấy, tôn nhái, sai nhãn mác, không hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ có mặt ở hầu như tất cả các tỉnh trên cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn, gần chục công ty trên địa bàn Hà Nội đã bị lực lượng chức năng phát hiện kinh doanh tôn, thép giả, kém chất lượng hoặc tôn dem.

Với sức tiêu thụ loại sản phẩm này, hiện nay thiệt hại mỗi năm cho người tiêu dùng và Nhà nước là hàng trăm tỉ đồng.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho biết ước tính tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của năm 2015 dự đoán là khoảng 2,6 triệu tấn thì với việc thị phần suy giảm 20%, tương đương hơn 500 nghìn tấn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị tổn thất hơn 9,3 nghìn tỷ đồng. Áp dụng mức giá 18 triệu đồng/tấn đối với hàng tôn màu nói chung.

Trước tình hình trên, VINASTAS cho rằng, nguồn cung trong nước dư thừa nghiêm trọng, doanh nghiệp tôn thép Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức ở cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu.

Thực tế, khi bán ra nước ngoài thì vấp phải hàng rào thương mại, hàng rào kỹ thuật vô cùng khắt khe ở nước bạn. Trong khi đó, ở sân nhà thị bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng nhập khẩu kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn vào với số lượng lớn. Chính điều này khiến doanh nghiệp Việt đang ở tình trạng tiến thoái lưỡng nan, đi không được, ở cũng chẳng yên.

Về biện pháp lâu dài, ông Nguyễn Văn Sưa kiến nghị cơ quan nhà nước cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để quản lý triệt để chất lượng tôn thép như xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật về tôn mạ và sơn phủ màu, Quy chuẩn mang tính pháp lý cao hơn để có thước đo xử phạt hàng giả hàng nhái.

“Khi TPP có hiệu lực, đồng nghĩa các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, chúng ta càng phải có biện pháp bảo vệ nhà sản xuất, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Có như vậy, ngành tôn thép Việt Nam mới có thể tồn tại và phát triển một cách khỏe mạnh”, ông Sưa nhấn mạnh.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM