Thương vụ nhập đường Lào về VN của bầu Đức đi đâu, về đâu?

22/09/2014 11:16 AM | Kinh doanh

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép nhập 30.000 tấn đường của HAGL sản xuất từ Lào vào VN, tuy nhiên, tới nay bầu Đức vẫn chưa làm được điều đó.

Sau nhiều tranh cãi, trong công văn ngày 19.2.2014, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (Đồng Nai) được nhập khẩu 30.000 tấn đường thô của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào), tinh luyện và xuất khẩu toàn bộ sản phẩm qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và đường Biên Hòa vẫn chưa tiến hành được công việc này.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Bộ Công thương xác nhận: “Qua theo dõi, chúng tôi chưa thấy có giao dịch nào. Có thể 2 bên chưa thỏa thuận được để ký kết hợp đồng”.

Ông Bùi Văn Lang, Tổng giám đốc CTCP Đường Biên Hòa cũng khẳng định: Mặc dù được Bộ Công thương “bật đèn xanh”, được Thủ tướng cho phép nhưng việc nhập khẩu đường thô từ Lào của HAGL vào Việt Nam để tinh chế và tái xuất qua Trung Quốc “không thực hiện được”.

Khi được hỏi nguyên nhân, ông Lang chỉ bật mí: “Về lý do, chỉ có đường Biên Hòa và HAGL mới hiểu được thôi, đây là bí mật giữa 2 bên. Chúng tôi đã gửi báo cáo lên Bộ Công thương. Chờ bao giờ điều kiện thuận lợi mới làm được, còn giờ biên giới Trung Quốc không cho xuất”.

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép nhập 30.000 tấn đường của HAGL sản xuất từ Lào vào VN, tuy nhiên, tới nay Bầu Đức vẫn chưa làm được điều đó.

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép nhập 30.000 tấn đường của HAGL sản xuất từ Lào vào Việt Nam, tuy nhiên, tới nay bầu Đức vẫn chưa làm được điều đó.

Trước đó, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức nói rằng: “Việc đưa đường từ Lào về Việt Nam tinh chế rồi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng thị trường nội địa. Đây là việc làm có lợi rất lớn, mang tầm quốc gia".

Tuy nhiên, trái với quan điểm này, Hiệp hội mía đường Việt Nam lại lên liếng phản đối. Bởi theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội: Việc làm trên thực chất là không có lợi, thậm chí, “Đoàn Nguyên Đức làm vậy là có hại cho ngành đường Việt Nam”.

Cũng theo Hiệp hội, sự đánh đổi này không cân xứng, bởi việc hỗ trợ cho HAGL theo đề nghị của Bộ Công thương chỉ mang lại lợi ích lớn cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa và Tập đoàn HAGL, nhưng gây thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước cùng với hàng triệu nông dân trồng mía và hàng vạn công nhân lao động tại các nhà máy.

Sau khi lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương đã trình lên Thủ tướng và được sự đồng ý của Chính phủ về việc nhập khẩu đường của Công ty HAGL sản xuất tại Lào. Với mục đích tạo điều kiện cho Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu tiêu thụ đường sản xuất tại tỉnh Át-ta-pư, CHDCND Lào nhằm nâng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt –Lào, đồng thời không ảnh hưởng đến nguồn cung đường trong nước.

Tuy nhiên, do việc ngăn chặn đường lậu và quản lý đường tạm nhập tái xuất còn nhiều bất cập, khiến các nhà sản xuất đường trong nước lo ngại, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng quy chế, quy trình giám sát và phối hợp với Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo lực lượng Quản lý Thị trường và hải quan kiểm tra quá trình nhập khẩu, sản xuất, gia công và bán qua biên giới, không để thẩm lậu vào thị trường nội địa.

Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Bộ Công thương có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc giải quyết hạn ngạch nhập khẩu phù hợp với các cam kết song phương và đa phương của Việt Nam, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với thị trường sản xuất, chế biến đường trong nước.

“Hơn nữa, HAGL bán đường cho Biên Hòa thì cũng phải bán theo giá thị trường chứ không thể bán giá rẻ hơn và như vậy nếu vận chuyển từ Lào về công ty đường Biên Hòa ở Việt Nam, rồi từ Biên Hòa tới Lào Cai, giá thành sản phẩm sẽ đội lên, không thể xuất sang Trung Quốc” – một chuyên gia trong ngành mía đường nhận xét.

“Trước đó, hiệp hội chúng tôi đấu tranh không phải vì 30.000 tấn đường mà vì cách làm, phương thức thực hiện không có trong luật pháp quy định hiện hành thời điểm đó, hơn nữa, phương thức tạm nhập từ nước thứ nhất (Lào), đưa về nước thứ hai (Việt Nam) rồi xuất vào nước thứ 3 (Trung Quốc), về quan hệ quốc tế là không nên làm, vì hiếm khi quốc gia nào làm như vậy” - ông Đỗ Thành Liêm, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Đường Khánh Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Liêm, nếu việc hợp tác song phương giữa 2 bên HAGL và đường Biên Hòa thất bại thì nó không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh của các công ty mía đường trong nước khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành khác, việc hợp tác thất bại giữa 2 bên có thể là tin vui cho các doanh nghiệp đường khác.

Bởi lẽ, đường do HAGL đầu tư tại Lào có chi phí thấp vì được trồng theo công nghệ của Israel nên cho năng suất khá cao, thực hiện công nghiệp hóa, sử dụng máy móc là chính nên góp phần làm giảm giá thành sản xuất đường tại Lào của HAGL.

Trong khi đó, tại Việt Nam, do điều hiện khí hậu có sự khác biệt nên cây mía không thể sinh trưởng quanh năm, cộng thêm việc các doanh nghiệp sử dụng sức lao động của công nhân là chính đã khiến chi phí cho việc sản xuất tăng cao. Với giá mía từ 950.000 - 1.150.000 đồng/tấn, tức là chiếm 9 - 11 triệu đồng trong giá thành 1 tấn đường, nên cơ hội cạnh tranh của đường sản xuất tại Việt Nam với đường của HAGL tại Lào là không thể, nếu không có các hàng rào quan thuế và phi quan thuế.

Thêm vào đó, quyết định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vào ngày 8/8 vừa qua về việc tạm ngừng tạm nhập, tái xuất đường qua cửa khẩu phụ ở Lào Cai sẽ giúp ngành mía đường trong nước phần nào bớt khó khăn do gánh nặng tồn kho.

Năm 2012-2013, hoạt động tạm nhập tái xuất đường rất nhộn nhịp ở Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan hải quan đã phát hiện hàng chục ngàn tấn đường sau khi tạm nhập đã không tái xuất đúng quy định mà thẩm lậu vào nội địa để tiêu thụ. Cùng với đường nhập lậu ùn ùn đổ vào qua biên giới Tây Nam, đường thẩm lậu qua con đường tạm nhập tái xuất đã "đánh" đường nội tơi tả. Lý do là đường trong nước cao hơn đường lậu 3.000 - 4.000 đồng/kg.

>> Mía đường: Vị đắng thủ công

Theo Phương Nhi

Cùng chuyên mục
XEM