Thương mại điện tử Việt Nam: 'Không dễ xơi'

04/12/2014 09:07 AM | Kinh doanh

Thất bại của nhiều tên tuổi lớn cho thấy thị trường thương mại điện tử có thể bùng nổ trong tương lai gần nhưng không có nghĩa là “dễ xơi”, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong nước.

Ngày 5/12 tới đây, Cục Thương mại điện tử của Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức ngày mua sắm trực tuyến Online Friday. Tại sự kiện này, người tiêu dùng sẽ được tham gia mua hàng hóa với nhiều hình thức khuyến mãi khác nhau, với sự tham gia của hơn 800 doanh nghiệp có hoạt động TMĐT.

Sự xuất hiện của ngày Online Friday đầu tiên tại Việt Nam cho thấy thị trường TMĐT đã có những bước phát triển tốt. Hơn 10 năm xuất hiện tại Việt Nam, doanh số từ khu vực này đã tăng trưởng mạnh. Theo Cục Thương mại điện tử, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ có doanh số khoảng 1,3 tỉ USD vào năm 2015, tăng gấp đôi chỉ sau 3 năm (năm 2012, doanh số của TMĐT Việt Nam ước đạt 700 triệu USD).

Nhiều vụ mua bán - sáp nhập các doanh nghiệp TMĐT lớn, sự chú ý của một số tập đoàn lớn trong và ngoài nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Thái Lan) sẽ là tiền đề để TMĐT Việt Nam bùng nổ vào năm 2015.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối TMĐT Zamba của VCCorp, thị trường có thể bùng nổ trong tương lai gần nhưng không có nghĩa là dễ "ăn”, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong nước.

Năm 2014 đánh dấu sự xuất hiện các một số doanh nghiệp lớn nhảy vào lĩnh vực TMĐT, theo ông, có phải các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh đều muốn bước chân vào lĩnh vực này?

Điều này thì những người làm TMĐT ở Việt Nam quá rõ. Những tên tuổi lớn trong làng công nghệ Việt Nam như VNG, FPT đều có những bước đi nhất định vào TMĐT. Tuy nhiên, không phải cứ có tiềm lực tài chính dồi dào là có thể thành công. Thậm chí là ngược lại.

Chẳng hạn, trường hợp của VNG đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để phát triển TMĐT nhưng vẫn thất bại. Kết quả là họ bán lại mảng TMĐT cho FPT với giá thấp hơn nhiều so với số tiền đầu tư. Gần đây nhất một doanh nghiệp lớn cũng đã đánh tiếng vào thị trường nhưng phải lùi thời gian ra mắt hai, ba lần và đến giờ vẫn chưa thể xuất hiện.

Năm 2015, thị trường TMĐT hứa hẹn bùng nổ với khi dòng tiền chảy vào từ cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải ai muốn làm TMĐT ở Việt Nam cũng được, kể cả với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.

Vậy ngoài yếu tố tài chính, các doanh nghiệp tham gia vào TMĐT còn cần yếu tố gì nữa, thưa ông?

Muốn làm TMĐT Việt Nam, yếu tố con người rất quan trọng. Nếu con người không có tố chất, không hiểu rõ thị trường thì kế hoạch rất dễ đổ bể.

Một số dự án đẩy nhanh quá trình này bằng việc lôi kéo những nhân sự cao cấp có kinh nghiệm về TMĐT ở nơi khác về. Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở định hướng của người lãnh đạo. Trong trường hợp của VNG, họ áp dụng tư duy người làm game và kinh doanh game. Ngành game có đặc thù là thu hồi vốn rất nhanh, sau 6 tháng đến 1 năm là có thể biết mình kinh doanh lỗ hay lãi. Trong khi đó, TMĐT thì cần đầu tư dài hạn, từ 3 – 5 năm. Vì thế doanh nghiệp đầu tư phải hết sức kiên nhẫn.

Tương tự, Vingroup làm rất tốt trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, bán lẻ… Tuy nhiên, chính những thành công đó lại khiến họ gặp khó khi bắt tay vào lĩnh vực TMĐT. Làm TMĐT mà bắt tuân thủ các quy trình chặt chẽ, nhiều tầng kiểm định để hoàn thành thì vừa chậm và vừa rối. Người làm TMĐT đòi hỏi phản ứng nhanh hơn thế. Việc thông qua các cấp cũng đòi hỏi nhanh hơn, bộ máy tinh gọn.

Nếu nói về quy trình và bộ máy, các doanh nghiệp nước ngoài chắc sẽ làm tốt?

Một số DN áp dụng toàn bộ quy trình đã thành công ở nước ngoài về Việt Nam. Như Lazada đang sử dụng mô hình của Amazon và đã thu về những tín hiệu nhất định. Họ có quy trình, tư duy làm TMĐT tốt. Tuy nhiên, do áp dụng quy trình nguyên gốc về nên điều họ còn thiếu đó là sự hiểu biết về người tiêu dùng Việt Nam.

Đó có thể là tâm lý khách hàng mỗi vùng miền. Chẳng hạn ở miền Nam, người tiêu dùng cực kỳ quan tâm tới chất lượng dịch vụ, nếu làm không tốt, họ sẽ không bao giờ quay lại. Trong khi đó người miền Bắc lại cực kỳ nhạy cảm với giá cả. Nếu giá tăng, khách hàng miền Bắc sẽ phản ứng rất nhanh.

Một yếu tố nữa là người dùng Việt Nam rất thiếu trung thành. Đây cũng là một nghịch lý của ngành TMĐT. Ngành này đòi hỏi phát triển lâu dài, từ 3 – 5 năm nhưng người dùng lại không trung thành. Các DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam bên cạnh quy trình cũng phải để ý những vấn đề này.

Vậy theo ông, ai có thể trở thành những “thế lực lớn” trên thị trường TMĐT Việt Nam trong tương lai?

Dù còn một số hạn chế kể trên nhưng các DN nước ngoài vẫn đáng ngại nhất. Tiềm lực của họ rất mạnh, họ có cách làm bài bản và liên tục được đầu tư. Nếu họ liên tục tấn công vào thị trường thì khó có doanh nghiệp trong nước nào đủ sức làm đối trọng.

Ngoài Lazada, hiện có hai đơn vị nước ngoài khác cũng đang chuẩn bị vào Việt Nam. Như Rakuten, DN TMĐT lớn nhất Nhật Bản sẽ vào Việt Nam trong tương lai gần. Một số DN Thái Lan, Hàn Quốc cũng coi thị trường Việt Nam rất hấp dẫn, và sẽ đầu tư vào Việt Nam, có thể thông qua một doanh nghiệp khác hoặc tự thực hiện.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để chuẩn bị cho “làn sóng” này?

Chỉ có hai cách. Thứ nhất là kêu gọi đầu tư từ các DN hoặc quỹ lớn khác. Cần phải chứng minh mình là người biết làm nhưng thiếu nguồn lực tài chính.

Trong trường hợp không thể kêu gọi nguồn lực hỗ trợ, doanh nghiệp chỉ còn cách tự lực. Hướng đi chung đó bắt buộc phải đi vào thị trường ngách, những khu vực mà các doanh nghiệp lớn chưa thể tiếp cận hoặc quy mô quá nhỏ so với họ.

Thị trường ngách của TMĐT mà ông nhắc tới ở đây cụ thể là gì?

Với chúng tôi, có rất nhiều thị trường ngách như vậy. Hãy thử nhìn mô hình Groupon (mua hàng theo nhóm). Mô hình này có đặc điểm là giảm giá rất sâu, ít nhất là 30 – 40% để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, có một số mặt hàng không thể giảm giá sâu như thế được, như với mặt hàng điện máy, mức giảm chỉ có thể từ 10 – 15%. Hay với một số mặt hàng mà số lượng không đủ lớn để tạo deal trên Muachung thì phải làm thế nào?

Hiện tại, Muachung đang triển khai Muachung Plaza để giải quyết những trường hợp như vậy. Mô hình mới này sẽ đi vào những thị trường mà Groupon kiểu cũ không vươn đến được. Đó có thể là thị trường “last hour”, chuyên bán những mặt hàng giảm giá mạnh vào giờ chót. Chẳng hạn, bạn có nhà hàng Buffet chuẩn bị 500 suất ăn nhưng gặp thời tiết xấu (trời mưa), chỉ có 300 khách đăng ký, có nguy cơ bị ế tới 200 suất, thì bạn có thể giảm giá thật sâu trước giờ ăn cho 200 suất này để “vớt vát” lại. Tương tự, mô hình này có thể áp dụng cho rất nhiều sản phẩm như khách sạn, tour du lịch, vé chiếu phim,…

Ngoài ra, các doanh nghiệp TMĐT có thể đầu tư vào các loại hàng hóa có Thương hiệu (brand). Đây là phân khúc thị trường nhỏ nhưng có biên lợi nhuận cao hơn nhiều so với hàng hóa thông thường.

Có một xu thế khá lạ tại thị trường TMĐT Việt Nam. Đó là những doanh nghiệp chuyên bán hàng online lại đi phát triển hệ thống các cửa hàng offline. Theo ông, tại sao lại có xu hướng “ngược” này?

Đây không phải xu hướng “ngược” mà là hướng đi chung của thế giới. Chỉ có điều tại Việt Nam, xu thế này đang diễn ra mạnh hơn vì nhu cầu “sờ tận tay, thấy tận mắt” của khách hàng Việt còn rất cao. Đặc biệt trong lĩnh vực thời trang, người tiêu dùng xem online đã ưng ý nhưng vẫn phải qua cửa hàng xem một lần nữa rồi mới ra quyết định mua hàng. Vì vậy bắt buộc các doanh nghiệp làm TMĐT cũng phải có những cửa hàng offline cho khách hàng đến xem.

Có lẽ sẽ mất vài năm nữa mới phá bỏ được các rào cản trong tâm lý người tiêu dùng trong nước. Đó là khi các mặt hàng đã có thương hiệu, người tiêu dùng đã quen sử dụng nên sẵn sàng tin tưởng mua mà không phải đắn đo nhiều về chất lượng.

Xin cảm ơn ông!

Lam Anh

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM