Thiệt hại thực sự từ những cuộc nhậu say xỉn

14/12/2015 23:14 PM | Kinh doanh

Đau đầu vì say xỉn gây tốn bao nhiêu tiền cho các quốc gia và công ty? Đó là chưa nói đến sự ê ẩm mà con người phải chịu đựng. Bạn có thể nghĩ ai đó đã tìm được cách chữa trị. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn không có kết quả mặc dù không phải người ta không cố gắng tìm cách.

Đã có nhiều cách chữa trị cổ truyền và thuốc trị rao bán gồm đủ các thứ từ thảo dược cho tới thuốc truyền tĩnh mạch, và tất cả đều được đưa vào sử dụng trong mùa nghỉ lễ.

Nhưng chúng có tác dụng không? Và phí tổn của tất cả thời gian ngừng việc để hồi phục là bao nhiêu đối với giới chủ doanh nghiệp?

Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Bệnh Tật của Hoa Kỳ (CDC) ước tính việc quá chén đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này hơn 220 tỷ USD, tức khoảng 1,9 USD cho một lần uống. CDC nói nói khoảng 72% thiệt hại là do mất năng suất lao động tại nơi làm việc.

Vấn đề này không chỉ có ở Mỹ. Ở Úc, những ngày nghỉ ốm sẽ làm tốn kém tới 2 tỷ đôla Úc (1,6 tỷ USD) do mất năng suất lao động vào hai tuần cuối cùng của năm, với khoảng 10% số người lao động được hỏi nói họ dự tính nghỉ tới ba ngày ốm để hồi phục sức khỏe sau các hoạt động vui chơi vào dịp lễ.

Một khảo sát do Recoverlyte thực hiện với 1.000 người lao động cho thấy thuốc sủi Sanofi-Aventis Healthcare Pty “giúp cơ thể bạn hồi phục sau khi đi ăn nhậu muộn”. Đối với những người có đi làm sau buổi liên hoan Giáng Sinh ở văn phòng thì hơn 1/4 số người thừa nhận họ chỉ làm việc được với 50% năng suất.

Ở Anh quốc, các nhà nghiên cứu ước tính tình trạng mệt mỏi nôn nao sau mùa nghỉ lễ gây phí tổn cho các doanh nghiệp gần 260 triệu bảng (409 triệu USD).

Một khảo sát đối với 1.500 người được thực hiện cho trang web du lịch lastminute.com cho thấy khoảng 25% nhân viên làm việc dưới 4 tiếng đồng hồ vào ngày sau ngày liên hoan Giáng Sinh ở văn phòng và có thêm 20% nữa gọi điện vào báo xin nghỉ ốm.

“Cũng có rất nhiều gánh nặng xã hội và kinh tế do hậu quả của rượu đối với cá nhân, gia đình, nơi làm việc và xã hội nói chung,” theo tổng kết của Trung tâm Sức khỏe Thần kinh ở Toronto thực hiện cho Hội Đồng Châu Âu.

“Những hệ lụy này kéo theo con số đáng sợ về tổn hại xã hội liên quan đến rượu, con số này có thể dự tính lên tới 115,8 tỷ euro mỗi năm ở Châu Âu.”

Hiện tại chưa có một cách chữa trị hiệu quả nào cho trạng thái đau đầu vì say xỉn, theo ông Joris Vester, một giáo sư Viện Khoa Học Dược Liệu thuộc trường Đại Học Utrecht và cũng là tác giả của nhiều bài luận văn khoa học. “Cách duy nhất để tránh trạng thái nôn nao là uống rượu vừa phải.”

Viện Quốc Gia về Lạm dụng Rượu bia và Nghiện Rượu, thuộc Viện Y Tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), cũng đồng ý với quan điểm đó. “Viện Y Tế Mỹ sẽ không bỏ tiền cho việc chữa trị trạng thái nôn nao do bia rượu,” ông George Koob Viện Trưởng Viện NIAA nói. “Những gì chúng tôi làm là cố để người ta tránh uống nhiều tới mức bị đau đầu vì say xỉn”.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành rượu khuyên nên uống thật nhiều nước trước khi đi ngủ và cả khi đang uống, theo nguyên tắc cứ mỗi cốc rượu lại uống kèm theo ngay một cốc nước để tránh trạng thái đau đầu say xỉn.

Bà Christy Canterbury, một trong số ít 300 người trên thế giới đạt danh hiệu Kiện Tướng Rượu Vang, nói rằng trạng thái nôn nao là rủi ro nghề nghiệp mà bà tránh bằng cách “luôn uống nước cùng khi uống bia rượu". Đương nhiên, khi thử rượu vang thì người thử nhổ ra khá nhiều nhưng với rượu mạnh thì ít hơn.

Cứ một cốc nước đi kèm theo một cốc rượu vang sẽ làm nó dịu đi nhiều, làm no nước, làm sạch họng và tránh được trạng thái nhức đầu sau đó. Tuy nhiên ông Verster nói rằng uống thật nhiều nước không phải là cách đối phó đơn giản.

“Trạng thái nôn nao do rượu không phải chỉ là mất nước,” ông nói. “Đó là nguyên nhân vì sao uống nước không giúp làm dịu trạng thái nôn nao. Nó có thể giúp cho miệng đỡ khô và khát hoặc đỡ nhức đầu, nhưng cảm giác mệt mỏi nói chung, đặc trưng cho sự nôn nao vẫn tồn tại. Rất có thể là đã có sự can thiệp của hệ thống miễn dịch và nó gây nên trạng thái nhức đầu vì quá chén.”

Một vấn đề từ bao đời nay

Loài người vốn tìm một cách chữa trị cho trạng thái đau đầu vì rượu ngay sau khi phát hiện ra quá trình lên men rượu. Từ việc người xứ Assiria trộn mỏ chim nhạn với dầu Myrrh để làm giảm cơn nhức đầu như búa bổ, cho tới việc người Hy Lạp cổ đại luộc bắp cải để làm giảm đau, hay người Mông Cổ dùng mắt cừu muối với nước cà chua để đỡ chóng mặt.

Tức là con người đã từ lâu tìm phương thuốc cho sự nôn nao của ngày hôm sau vì rượu bia quá chén. Ngày nay, các công ty dược và các thầy thuốc sử dụng thảo dược đưa ra các cách pha trộn riêng gồm cafeine với thuốc giảm đau, kể cả mọi thứ từ viên thuốc sủi có aspirin và cafeine cho tới loại thuốc có hàm lượng vitamin B cao.

Y tế hiện đại cũng đưa ra liệu pháp truyền thuốc tĩnh mạch tại các trạm xá không cần hẹn trước tại London, Chicago, New York, Las Vegas và các thành phố khác. Với khoản tiền từ 150 USD đến 250 USD, bác sỹ hoặc chuyên viên y tế sẽ truyền tĩnh mạch nước muối với Vitamin B cho bệnh nhân bị nôn nao vì rượu.

“Thường thì gần nửa giờ sau là bệnh nhân có thể ra về,” bác sỹ Adam Nadelson nói. Khoảng 50% trường hợp ông điều trị là do nhức đầu say xỉn và các trường hợp còn lại là do mệt mỏi chệch múi giờ hoặc cúm.

Khi được hỏi vì sao truyền thuốc tĩnh mạch lại tốt hơn việc chỉ cần uống một lít nước, ông Nadelson trả lời đó là vấn đề hấp thụ. “Người ta chỉ có thể hấp thụ nhiều nhất là khoảng 50% lượng mình uống.”

Tuy nhiên ông Koob cảnh báo là trạm xá truyền thuốc tĩnh mạch có thể đã khuyến khích duy trì tệ nạn uống rượu bằng cách chữa trị dễ dàng. “Bất kỳ lúc nào bạn truyền thuốc tĩnh mạch cho một người thì đều có khả năng xẩy ra nhiễm trùng và nó sẽ rất tốn tiền,” ông Koob nói. “Điều đó là khuyến khích người ta uống rượu nhiều hơn.”

Leslie Gevirtz

Cùng chuyên mục
XEM