Các nước đã làm gì?
Tháng 3-2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành đạo luật tuân thủ thuế nước ngoài (FATCA), nhắm vào những ai tìm cách trốn thuế ở Mỹ bằng cách che giấu tài sản hoặc không khai báo các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở London tháng 4-2009, 20 quốc gia đã đồng ý lập một danh sách đen những thiên đường thuế, bao gồm bốn mức phân định: những thiên đường thuế có tiêu chuẩn thuế cơ bản; những thiên đường thuế đã cam kết nhưng chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn thuế; những trung tâm tài chính đã cam kết nhưng chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn thuế; những thiên đường thuế không hề có cam kết về tiêu chuẩn thuế. |
FATCA yêu cầu các định chế tài chính nước ngoài, với định nghĩa rất rộng bao gồm không chỉ ngân hàng mà cả các công ty môi giới chứng khoán, quỹ đầu tư rủi ro, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ tín thác... báo cáo trực tiếp với nhà chức trách Mỹ về tất cả cá nhân và pháp nhân Mỹ có tài sản ở đó.
Từ đầu năm nay, FATCA cũng yêu cầu các định chế tài chính nước ngoài báo cáo thường niên tên và địa chỉ của mỗi khách hàng Mỹ cho cơ quan thuế vụ liên bang, nếu không tuân thủ có thể sẽ bị Mỹ trừng phạt, bao gồm cấm hoạt động ở Mỹ. Ngoài ra, FATCA cũng yêu cầu mọi công dân và người có thẻ xanh của Mỹ sở hữu tài sản trên 50.000 USD ở nước ngoài phải khai báo tài sản theo một mẫu khai báo riêng.
Tại Đức, Peer Steinbruck, cựu bộ trưởng tài chính, đã vạch kế hoạch sửa đổi pháp luật tài chính hiện tại, cấm các công ty chuyển tiền sang một số quốc gia nằm trong danh sách đen thiên đường trốn thuế. Năm 2008, Đức tuyên bố đã trả 4,2 triệu euro (5,4 triệu USD) cho Heinrich Kieber, một chuyên viên lưu trữ dữ liệu ở ngân hàng Liechtenstein LGT Treuhand, để có danh sách 1.250 khách hàng và tài khoản của ngân hàng này. Những cuộc điều tra và bắt giữ sau đó đã phát hiện hàng loạt vụ trốn thuế ở Đức.
Nhà chức trách Đức đã chia sẻ thông tin này với nhà chức trách Mỹ. Chính quyền Liechtenstein sau đó đã cáo buộc Đức tiến hành hoạt động gián điệp trên lãnh thổ nước họ. Vụ việc đã làm dấy lên tranh luận dữ dội trong cuộc chiến chống trốn thuế và việc bảo vệ bí mật của các nhà băng.
Một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng chính sách thu thuế tại nguồn, đơn cử như nếu là cư dân của châu Âu đầu tư vào các khu vực thiên đường thuế có thể phải bị khấu trừ tại nguồn 20% tổng thu nhập và được chuyển về cho các quốc gia mà cư dân đó mang quốc tịch. Tuy vậy, chính sách này vẫn khó áp dụng triệt để do hầu hết quốc gia thiên đường thuế cho phép nhà đầu tư sử dụng tên người khác (cho người khác đứng tên thay - nominee).
Như vậy, nếu người đứng tên thay không mang quốc tịch của các nước có thỏa hiệp về việc khấu trừ thuế tại nguồn thì việc thu thuế gần như là không thể.
Việt Nam ra tay
Tại Việt Nam, British Virgin Islands (BVI) nằm trong danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, trong đó một số quỹ đầu tư có tên tuổi tại Việt Nam là những công ty có nguồn gốc từ BVI. Ngoài ra, trong thời gian qua các giao dịch mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng doanh nghiệp Việt Nam đã được các nhà tư vấn “cơ cấu” thực hiện thông qua doanh nghiệp BVI với mục tiêu giảm thiểu số thuế thu nhập từ chuyển nhượng.
Sau một thời gian hoạt động khá suôn sẻ ở Việt Nam, những nhà đầu tư có pháp nhân thuộc các đảo này giờ không thể lộng hành như xưa. Các nhà đầu tư đến từ các quốc gia này hiện đang gặp một số khó khăn nhất định do các cơ quan cấp phép đã áp dụng chính sách quản lý đầu tư khắt khe hơn. Chẳng hạn, khi lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhà đầu tư sẽ phải nộp báo cáo kiểm toán.
Thời gian gần đây, các cơ quan cấp phép đã áp dụng yêu cầu này cho việc thành lập doanh nghiệp dù chưa có văn bản chính thức. Yêu cầu này tưởng như đơn giản cho tất cả nhà đầu tư là doanh nghiệp nhưng có thể là không thể thực hiện được đối với nhà đầu tư đến từ các quốc gia thiên đường thuế. Nếu nhà đầu tư giải trình rằng họ không có các tài liệu này do luật của nước họ không yêu cầu thì sẽ không được chấp nhận.
Trong dự thảo nghị định thay thế nghị định 108/2006 hướng dẫn Luật đầu tư 2005, yêu cầu này sẽ được luật định và là rào cản cho các nhà đầu tư đến từ các quốc gia đặc biệt này.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam hiện đang là một trong các lĩnh vực có sức hút mạnh mẽ đối với những nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên theo nghị định 23/2007, chỉ có các nhà đầu tư đến từ các quốc gia là thành viên WTO mới được cấp phép cho các hoạt động này. Trong khi đó, hầu hết quốc gia thiên đường thuế chỉ là một quốc gia hay vùng lãnh thổ nhỏ và không phải là thành viên của WTO nên việc đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này hiện nay không còn khả thi.
Vấn đề chuyển giá cũng được Việt Nam đặc biệt chú trọng trong thời gian qua sau khi phát hiện hàng loạt tập đoàn lớn, trong đó có nhiều công ty sở hữu bởi nhà đầu tư đến từ các quốc gia thiên đường thuế, không phát sinh lãi hoặc chỉ phát sinh lãi với con số rất khiêm tốn so với tổng doanh thu tại Việt Nam. Hàng loạt biện pháp đã được thực hiện như ban hành thông tư 66/2010 thay thế thông tư cũ để điều chỉnh chặt chẽ hơn hoạt động chuyển giá, các đợt tập huấn đồng loạt với quy mô lớn cũng đã được thực hiện để nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ.
“Điều đó cho phép chúng tôi nhận định rằng nếu các quốc gia thiên đường thuế hợp tác với Việt Nam thì có khả năng nhiều hành vi chuyển giá sẽ được phanh phui trong thời gian tới” - luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Công ty luật LNT & Partners, cho biết.
Cảnh giác xu hướng mới
“Điều đó cho phép chúng tôi nhận định rằng nếu các quốc gia thiên đường thuế hợp tác với Việt Nam thì có khả năng nhiều hành vi chuyển giá sẽ được phanh phui trong thời gian tới” Luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên (Công ty luật LNT & Partners) |
Làm sao để vẫn được hưởng những chính sách thuế ưu đãi đặc biệt nhưng không muốn bị xem là nhà đầu tư đến từ các quốc gia nằm trong danh sách đen? Hiện đã xuất hiện một xu hướng mới, nhiều nhà đầu tư lớn cũng như nhà đầu tư có cổ phiếu niêm yết đã quyết định rời khỏi các quốc gia thiên đường thuế. Có lẽ yêu cầu về minh bạch và công bố thông tin được xem là yêu cầu tối thượng cho các nhà đầu tư này là một trong những lý do để luận giải việc thay đổi chiến lược đầu tư của họ.
Đích đến mới được các tập đoàn đa quốc gia tính toán là những quốc gia hội tụ các yếu tố sau đây: thành viên của WTO, lĩnh vực mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài đa dạng, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân thấp, môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, đã ký kết nhiều hiệp định song phương, trong đó có hiệp định chống đánh thuế hai lần... Ở khu vực châu Á, Singapore dường như đáp ứng cao nhất các yêu cầu này và hiện đang là quốc gia mà hầu hết tập đoàn trên toàn thế giới lựa chọn để đặt trụ sở chính cho khu vực châu Á.
Có thể nhận thấy các tập đoàn đa quốc gia thường thiết lập một số công ty quản lý (holding company) để nắm vốn đầu tư vào các công ty khác. Với đội ngũ luật sư cố vấn hàng trăm người, họ luôn tìm ra được phương thức và cấu trúc đầu tư thông qua những quốc gia có chính sách thuế ưu đãi tốt nhất.
Hệ thống quản lý đã trở nên quá phức tạp đến nỗi cần phải có một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Một đề xuất thú vị là đánh thuế hợp nhất nhắm đến những hoạt động ở các nơi chúng thật sự diễn ra chứ không phải ở những nơi một nhà tư vấn thuế nào đó đã chuyển chúng đến. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp sẽ phải soạn một bộ sổ sách kế toán thống nhất và lợi nhuận toàn cầu của họ sẽ được phân chia theo công thức cộng tài sản, doanh số bán hàng và các thông số khác tại từng quốc gia.
Cách thức này đang được sử dụng ở một vài hệ thống liên bang, trong đó có hầu hết các bang của Mỹ. Tuy nhiên, đánh thuế hợp nhất cũng gặp phải những thách thức. Việc thống nhất với nhau về nơi mà các giao dịch kinh tế diễn ra trong một thế giới đầy rẫy dịch vụ và tài sản vô hình là rất rắc rối.
(*) Các số liệu trong bài lấy từ serecyjurisdictions.com và taxjustice.net.
Chuyển giá là cách thức mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thường dùng ở VN để chuyển lợi nhuận về công ty mẹ mà chẳng phải đóng đồng thuế nào ở nơi sản xuất kinh doanh. Một trong những vụ việc được phát hiện và xử lý thành công hiếm hoi là vụ một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực trà ở Lâm Đồng.
Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Từa nhớ lại: “Đây là vụ chống chuyển giá và trốn thuế doanh nghiệp của các công ty FDI quy mô lớn mà tỉnh Lâm Đồng tiến hành. Chỉ 17 doanh nghiệp nhưng phải mất gần một năm mới hoàn thành hồ sơ chứng minh những kê khai của doanh nghiệp không chính xác. Sự thật là nhiều năm liền những doanh nghiệp này trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và có hành vi chuyển giá”.
Hành vi lạ vào tầm ngắm
“Các doanh nghiệp liên tục khai lỗ nhưng vẫn tiếp tục tăng quy mô sản xuất. Nhà xưởng vẫn được mở rộng, trang thiết bị đắt tiền vẫn tiếp tục được nhập về. Rất lạ” - ông Từa nhận định. Mức thua lỗ được khai gần bằng tổng vốn đầu tư các doanh nghiệp này cộng lại, khoảng 317 tỉ đồng. Doanh nghiệp càng lớn kêu lỗ càng nhiều. Có những doanh nghiệp số tiền lỗ cao hơn cả số vốn đầu tư. Đặc biệt có doanh nghiệp báo tổng thua lỗ gấp bốn lần mức vốn đầu tư như Công ty HY báo lỗ 47,6 tỉ (vốn pháp định 11,2 tỉ đồng).
“Nếu đúng như những gì các doanh nghiệp này đã báo cáo với cơ quan thuế thì khả năng kinh doanh của họ không có, đằng này sản lượng xuất khẩu của họ vẫn tăng đều từ khi thành lập” - ông Từa kể.
Theo cơ quan thuế tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp nằm trong diện nghi vấn của tổ kiểm tra đều có phương thức đầu tư khép kín, các trang thiết bị, nguồn đầu tư đều xuất phát từ các công ty mẹ tại Đài Loan. Trà thành phẩm sau đó được xuất về đúng địa chỉ các công ty mẹ với giá rẻ hơn giá thị trường nhiều lần.
Ở một động thái khác, các trang thiết bị nhập đều được các công ty này nâng giá nhằm tăng chi phí đầu tư, hợp thức hóa việc khai lỗ. Việc này bị phát hiện khi nhóm kiểm tra so sánh giá trên chứng từ mua bán thiết bị với giá thị trường của đơn vị cung cấp thiết bị.
Theo Hải Minh- Việt Toàn- Mai Vinh- Hạ Quyên
thuyntt