Thiên đường thuế (Kỳ 1)

10/06/2013 15:12 PM | Kinh doanh

Rửa tiền, chuyển giá đều có đường dây mối nhợ với những đảo quốc “thiên đường thuế”. Mặc dù thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng mỗi năm vẫn mất khoảng 200 tỉ USD vì những hoạt động lách luật này.

Thế giới có 50-60 thiên đường thuế, phần lớn tập trung ở vùng Caribê, một số bang của Mỹ (như Delaware), châu Âu, Đông Nam Á, khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là nơi lập trụ sở pháp lý của hơn 2 triệu công ty hình thức, hàng ngàn ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm và ít nhất là phân nửa số tàu đã đăng ký có trọng tải trên 100 tấn.

Không thể biết chính xác số tiền đăng ký ở những thiên đường thuế này cũng như bao nhiêu trong số ấy là hợp pháp. Trên 30% lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài được đăng ký thông qua các thiên đường thuế.

Bắt đầu từ những năm 1990, thế giới chứng kiến sự dịch chuyển “trụ sở” của các tập đoàn lớn sang các đảo quốc nhỏ gần như vô danh trên bản đồ thế giới. Mục tiêu mà các tập đoàn này nhắm đến là chính sách thuế vô cùng thuận lợi tại các quốc gia này, thậm chí có nơi doanh nghiệp không phải nộp một đôla thuế nào cho chính phủ. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi biết rằng một tập đoàn lớn của Mỹ lại có trụ sở chính đặt tại British Virgin Islands (BVI - quần đảo thuộc Anh, ở vùng biển Caribê) mặc dù vẫn tuyên bố mình là một công ty Mỹ.

“Thiên đường” được chọn

Độ lớn của vấn đề tiền bẩn trong lĩnh vực tài chính hải ngoại vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi gay gắt. Các nhà kinh tế học tại Global Financial Integrity (tạm dịch “Liêm chính tài chính toàn cầu), một nhóm do Raymond Baker sáng lập chuyên nghiên cứu các tội danh liên quan đến tài chính, cho rằng dòng tài chính bất hợp pháp - được định nghĩa là tiền kiếm được, chuyển khoản hoặc sử dụng một cách phi pháp - trị giá ít nhất 5.900 tỉ USD đã chảy ra khỏi các quốc gia đang phát triển trong vòng 10 năm qua.

Nhờ vào chính sách thuế thông thoáng, thủ tục thành lập dễ dàng, chi phí duy trì doanh nghiệp thấp, bảo mật được danh tính cổ đông và quyền tự chủ trong việc thiết lập mô hình doanh nghiệp, trong những năm qua số lượng doanh nghiệp chuyển trụ sở sang các đảo quốc này ngày càng lớn. Sau khi đăng ký thành lập và nộp lệ phí, doanh nghiệp gần như có một vỏ ốc an toàn mà không ai “dòm ngó” đến tình hình hoạt động kinh doanh lãi lỗ của mình.

Cũng do chính sách quản lý lỏng lẻo hay nói khác hơn là không hề có quy chế ràng buộc các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, các quốc gia thiên đường thuế đang đối mặt với nhiều chỉ trích và cáo buộc từ cộng đồng.

Financial Action Task Force (*) đã đưa vào danh sách đen một số quốc gia thiên đường thuế do không hợp tác và không tuân thủ với nỗ lực chung toàn cầu trong việc chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Lý do đơn giản là vì các quốc gia này không yêu cầu nộp thuế nên không có cơ chế kiểm soát dòng tiền. Dẫn đến hệ lụy là các tệ nạn rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển giá, trốn thuế... đã diễn ra mà ít bị phát hiện, nói cách khác là khó bị phát hiện.

Thụy Sĩ chẳng hạn, là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới nhưng cũng là một trong những thiên đường trốn thuế lớn nhất. Nước này đứng đầu danh sách Chỉ số bí mật tài chính 2011. Thụy Sĩ đang giữ 1/3 số tài sản tư nhân ở nước ngoài trên toàn thế giới, tương đương khoảng 2.000 tỉ USD.

Có hai cách để Thụy Sĩ duy trì vị thế “quỹ đen” của cả thế giới. Thứ nhất, quốc gia này duy trì chính sách trung lập trong các xung đột quốc tế khiến sau nhiều thập kỷ, những cuộc chiến tranh nối tiếp ở châu Âu cũng đồng thời giúp ngành ngân hàng Thụy Sĩ - nơi duy nhất có hòa bình - nở rộ và vì vậy được tin cậy gửi gắm tài sản. Từ năm 1934, Thụy Sĩ đã thông qua đạo luật quy định vi phạm bí mật ngân hàng là tội hình sự, bị phạt tiền và tù giam. Dần dần quốc gia này trở thành nơi lưu giữ tài sản ở nước ngoài lớn nhất trên thế giới và cũng là thiên đường trốn thuế lớn nhất.

Tuy nhiên, điều này đang thay đổi khi nhiều cường quốc bắt đầu thấy sự thiếu minh bạch của ngành ngân hàng ở đây là khó chấp nhận. Năm 2008, nhà chức trách Mỹ phát hiện UBS, ngân hàng quyền lực nhất Thụy Sĩ, dính líu tới các hoạt động phạm pháp ở Mỹ. Các nhân viên UBS sau đó bị buộc phải tuyên thệ sẽ tiết lộ những thủ thuật nhằm trốn thuế.

Một năm sau, nhóm G20 đe dọa sẽ đưa các ngân hàng Thụy Sĩ vào danh sách đen và cấm vận ngành tài chính nước này nếu như Thụy Sĩ không ít ra là giảm bớt sự bảo mật với các hoạt động ngân hàng.

Từ năm 2009 tới nay, khoảng 30.000 người đóng thuế ở Mỹ đã phải tiết lộ thông tin tài khoản của họ tại Thụy Sĩ. UBS buộc phải dàn xếp với nhà chức trách Mỹ để tránh bị truy tố, trả khoản phạt 780 triệu USD và giao lại thông tin của 250 tài khoản bí mật cũng như công bố một phần thông tin 4.450 tài khoản. Tuy nhiên, cuộc chiến sẽ còn cam go với lợi ích cũng như quyền lực rất lớn của những người gửi tiền ở đây.

Họ đã làm gì?

Theo tính toán của Tổ chức Global Financial Integrity, các giao dịch xuyên biên giới giữa các công ty cùng chung tập đoàn bị bóp méo giá cả và hoạt động mậu dịch giữa các bên với chứng từ bị làm sai lệch chiếm đến 2/3 dòng tiền bất hợp pháp (hay khả nghi) chảy ra khỏi các nước nghèo. Tổ chức này tin rằng giá trị giao dịch giữa các công ty “cùng mẹ” chiếm 50-60% tổng giá trị mậu dịch toàn cầu. 

Các thiên đường trốn thuế khiến bất công xã hội ngày càng lớn khi những người nghèo phải trả cả phần thuế của những người giàu, thậm chí là giàu nhất trong xã hội. Một ví dụ là tập đoàn bia và nước giải khát SAB Miller, công ty bia lớn thứ hai thế giới, với doanh thu hằng năm 12 tỉ bảng (18,2 tỉ USD) và lợi nhuận 2 tỉ bảng (3 tỉ USD), có trụ sở ở London (Anh). Tập đoàn này đã dùng các thủ thuật chuyển giá để trốn thuế trong nhiều năm.

Tập đoàn đa quốc gia này có hoạt động ở cả sáu châu lục, nhưng số chi nhánh giả mạo được lập ra để trốn và tránh thuế của SAB Miller có khi còn nhiều hơn số chai bia họ sản xuất. Hầu hết lợi nhuận của hãng được chuyển sang các thiên đường thuế từ những nước châu Phi, nơi luật lệ không rõ ràng và còn thiếu thốn đủ thứ, giúp họ tránh những khoản thuế khổng lồ.

Chẳng hạn ở Ghana - nước nghèo thứ 28 trên thế giới, chi nhánh của hãng này, Accra Brewery, bán ra lượng bia trị giá 29 triệu bảng mỗi năm (44 triệu USD) nhưng liên tục báo lỗ trong giai đoạn 2007-2010 và chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở một trong bốn năm đó. Ngược lại SAB Miller toàn cầu công bố lợi nhuận trước thuế tăng 16% năm 2009. Tính tổng cộng, các nước đang phát triển tổn thất khoảng 20 triệu bảng (30,4 triệu USD) tiền thuế từ SAB Miller, đủ để giúp một phần tư triệu trẻ em tới trường.

Các thiên đường thuế giúp những ngân hàng “đại gia” lách các luật lệ về an toàn tài chính, có thể gây ra rủi ro hệ thống rất lớn cho nền kinh tế, làm băng hoại thị trường, che giấu giao dịch nội gián và khuyến khích các công ty đa quốc gia trốn thuế mà vụ Enron nổi tiếng là một ví dụ điển hình.

Từng được coi là hình mẫu kinh doanh của thế kỷ 21, Enron đệ đơn phá sản cuối năm 2001 và các điều tra viên phát hiện hãng này có... 881 chi nhánh đăng ký ở nước ngoài, nhiều hơn bất cứ công ty Mỹ nào khác. Trong số đó, riêng số chi nhánh đăng ký ở quần đảo Cayman, một thiên đường thuế nổi tiếng, là... 692.

Trong giai đoạn 1996-2000, Enron có lợi nhuận trước thuế khoảng 1,8 tỉ USD nhưng không đóng một xu nào cho ngân sách liên bang Mỹ. Nhưng đó chưa phải là điều đáng kinh ngạc nhất: họ còn được hoàn thuế 381 triệu USD trong khoảng thời gian đó!

Con số bớt ngạc nhiên hơn nếu bạn biết rằng Enron đã chi 3,5 triệu USD trong giai đoạn 1999-2000 để vận động hành lang cho việc nới lỏng quản lý và miễn giảm thuế doanh nghiệp. Họ cũng đã chi 88 triệu USD thuê đội ngũ pháp lý hùng hậu nhằm tìm mọi kẽ hở pháp luật để trốn thuế. Khoảng 2.700 trang tài liệu trong báo cáo cho Thượng viện Mỹ ước tính phải mất 10 năm để tìm hiểu chi tiết các hoạt động trốn thuế của Enron.

Người dân Anh phản đối Starbucks khắp các đường phố London vì cho rằng công ty này kiếm được hàng tỉ bảng Anh nhưng chẳng đóng đồng thuế nào - Ảnh: thiisbath.co.uk

Họ làm như thế nào?

Một trong những thủ đoạn chính doanh nghiệp áp dụng để tránh thuế là phương thức được biết đến với tên gọi chuyển giá. Theo luật lệ quốc tế, những giao dịch giữa các công ty con phải được định giá giống như đây là những giao dịch do các bên không có quan hệ gì với nhau thực hiện.

Mặc dù vậy, trong thực tế giá cả sẽ được điều chỉnh nhằm chuyển lợi nhuận đến các quốc gia đánh thuế thấp, còn chi phí được chuyển sang các nước đánh thuế cao. Giao dịch càng phức tạp thì việc chuyển giá này càng dễ thực hiện. Nhiều công ty con đặt tại các thiên đường thuế chỉ là những công ty hình thức tồn tại để nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ rồi tính phí sử dụng bản quyền đối với các công ty khác của tập đoàn mẹ hoặc cung cấp các dịch vụ khác với giá cao hơn giá thị trường.

Chuyển giá (thật ra là định giá sai) thỉnh thoảng còn được sử dụng để đẩy chi phí về các nước có chính sách trợ giá hấp dẫn, đặc biệt là trong các ngành khai khoáng. Đây là mánh lới chính trong chiến lược thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Các công ty công nghệ, vốn có vô vàn bản quyền trí tuệ để thuyên chuyển lòng vòng, chính là những bậc thầy của nghệ thuật chuyển giá. Google là một ví dụ. Công ty này tránh khoản thuế 2 tỉ USD vào năm 2011 bằng cách chuyển gần 10 tỉ USD vào một công ty tại Bermuda, quốc gia không đánh thuế doanh nghiệp.

Bermuda là trụ sở về mặt pháp lý dành cho mục đích thuế của một công ty con thuộc Google đặt tại Ireland để thu tiền bản quyền của một chi nhánh Ireland khác vốn có doanh thu từ quảng cáo bán ra khắp châu Âu (một cơ cấu chuyển giá được đặt tên là “Double Irish”, tạm dịch “Hai người Ireland”).

Để tránh thuế thu nhập tại Ireland, Google thêm món “Dutch Sandwich” (“Sandwich Hà Lan”) vào thực đơn né thuế của mình rồi chuyển tiền đến Bermuda thông qua một công ty hình thức ở Hà Lan. Kết quả sau cùng là người ta gần như không tìm ra mối liên hệ nào giữa nơi hoạt động kinh tế diễn ra và nơi lợi nhuận được đăng ký.

(*): Tổ chức chống rửa tiền do các nước G7 thành lập năm 1989

Việc sử dụng khác biệt về luật thế giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau để trốn, tránh thuế có lẽ cũng có lịch sử lâu đời như chính thuế khóa vậy. Từ Hi Lạp cổ đại tới thời đại toàn cầu hóa, sự biến hóa của các thiên đường trốn thuế ngày nay là một hành trình dài.

Tổn thất của các nước do thu nhập bị đẩy sang những thiên đường trốn thuế chỉ là phần nổi của tảng băng. Thiệt hại không chỉ nằm ở những con số mà ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của mỗi quốc gia dù rất khó nhận biết. Vì thế, các nước đã tuyên chiến với những hoạt động phi pháp này. (còn tiếp)

Theo Hải Minh- Việt Toàn- Mai Vinh- Hạ Quyên

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM