Thị trường tài chính, tiền tệ: 1 năm nhìn lại

02/01/2016 10:11 AM | Kinh doanh

Năm 2015 đã đánh dấu nhiều điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong năm tới.

Tốc độ tăng GDP và CPI là hai điểm sáng trong nền kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với 2014, mức tăng trưởng năm nay cao hơn mục tiêu đề ra là là 6,2% và cao hơn mức tăng của các năm 2011-2014 cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với bình quân năm 2014 được ghi nhận là mức thấp nhất trong 14 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu CPI tăng 5%.

Tốc độ tăng GDP và CPI một số năm gần đây

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Huy động vốn qua TPCP đạt được nhiều thành quả và tháo gỡ những khó khăn trong cân đối thu chi NSNN. Trong 10 tháng đầu năm, huy động vốn TPCP chỉ đạt 65% kế hoạch năm 2015, tuy nhiên, chỉ trong 2 tháng cuối năm, sau khi được phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP, khối lượng TPCP phát hành trong cả năm 2015 là 233.825 tỷ đồng, bằng 99% tổng khối lượng phát hành trong năm 2014.

Bên cạnh đó, lãi suất TPCP tiếp tục được điều chỉnh theo thị trường và tiếp tục xu hướng giảm so với năm 2014 (lãi suất bình quân là 6,35%/năm, giảm 0,02%/năm so với lãi suất bình quân năm 2014). Kỳ hạn phát hành bình quân được cải thiện rõ rệt trong năm 2015 (từ mức 4,94 năm trong năm 2014 lên mức 8,68 năm trong năm 2015).

Khối lượng giao dịch và kỳ hạn phát hành TPCP những năm gần đây

Nguồn: Reuters và tính toán.

NHNN tiếp tục hút tiền qua thị trường mở (OMO) nhằm kiềm chế lạm phát. Năm 2015 là năm thứ tư liên tiếp NHNN hút tiền qua OMO nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, so với các năm trước, điểm sáng năm 2015 là khối lượng phát hành tín phiếu đã giảm một phần do tín dụng tăng trưởng tương đối mạnh, ngoài ra phải kể đến sự phối hợp giữa NHNN và Bộ Tài chính trong việc cung ứng tiền giữa kênh tín phiếu NHNN và TPCP.

Tính đến cuối năm 2015, dư nợ tín phiếu NHNN đã bằng 0 và NHNN đang điều hành bơm hút tiền qua OMO chỉ thông qua nghiệp vụ Mua kỳ hạn (Reverse Repo). Tính chung trong năm 2015, tổng lượng tiền NHNN hút qua OMO là hơn 78.000 tỷ đồng đối với cả hai nghiệp vụ Mua kỳ hạn và Bán tín phiếu.

Diễn biến giao dịch trên OMO những năm gần đây

Nguồn: Reuters và tính toán

Giao dịch trên thị trường liên ngân hàng sôi động cho thấy thanh khoản một số ngân hàng không còn ở trạng thái dư thừa.

Khối lượng giao dịch, doanh số giao dịch bình quân/1 ngày, lãi suất và doanh số giao dịch bình quân ở các kỳ hạn ngắn đều tăng so với năm 2015 cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng không còn ở trạng thái dư thừa như các năm trước đây. Trong năm 2015, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ước trên 5,2 triệu tỷ đồng, giao dịch bình quân 1 ngày là 21.145 tỷ đồng.

Diễn biến giao dịch trên thị trường liên ngân hàng những năm gần đây

Nguồn:Website NHNN (Số liệu năm 2015 tính đến ngày 29/12).

Năm 2016 còn nhiều thách thức

Cán cân thương mại nhiều khả năm thâm hụt trong năm 2016 khi kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng và trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có thị trường công nghiệp bổ trợ và các mặt hàng nhập khẩu vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Cán cân thương mại một số năm gần đây

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đỉnh nợ đáo hạn TPCP liên tiếp trong 2 năm tới. Việc phát hành rất lớn TPCP kỳ hạn 2 năm và 3 năm giai đoạn trước nên trong 2 năm liên tiếp (2016 và 2017), khối lượng TPCP đáo hạn rất lớn.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng tăng, các ngân hàng có khả năng ưa thích việc cho vay hơn đầu tư TPCP, tác động của quy định hạn chế tỷ lệ đầu tư vào TPCP của các TCTD trên nguồn vốn ngắn hạn tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN và một khối lượng lớn TPCP đáo hạn trong năm 2016 đặt ra những thách thức không nhỏ trong huy động vốn và cân đối thu chi NSNN.

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM