Thị trường collagen: Cục diện đã thay đổi
Cùng với sự trỗi dậy của các nhà phân phối sản phẩm collagen ngoại, các đơn vị trong nước cũng tiến những bước mới trong sản xuất, kinh doanh chế phẩm này. Tất cả hứa hẹn góp phần tạo nên bức tranh khởi sắc, hấp dẫn cho thị trường collagen Việt Nam.
Thời của collagen
Theo nghiên cứu, collagen chiếm 25% tổng lượng protein trong cơ thể con người, chiếm 75% cấu trúc da. Ngoài nhiệm vụ liên kết, collagen còn có nhiệm vụ tạo sự đàn hồi và linh hoạt của da. Vì thế, collagen là thành phần quan trọng của cơ thể, được biết đến như một dạng "thần dược" giúp làm chậm quá trình lão hoá ở xương, cơ, da.
Từ lâu, các nhà sản xuất đã không ngừng nghiên cứu để ứng dụng collagen vào trong sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, thức uống. Những phát minh bổ sung collagen dưới dạng kem, gen, nước thoa, đắp, uống (dược, mỹ phẩm), viên, bột, nước uống (thực phẩm chức năng) đã nhanh chóng được đón nhận trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, các sản phẩm collagen cũng đã tạo nên "cơn sốt" trong những năm gần đây. Hàng xách tay chiếm thế thượng phong và được bán qua rất nhiều kênh từ chợ, cửa hàng đến các spa, thẩm mỹ viện, nhà thuốc... với đủ dạng sản phẩm, nhãn hiệu và giá cả.
Trong đó, đáng chú ý là các mặt hàng mang các nhãn hiệu Shisendo, Mejii Amino, Avon, Hanami, Transino (Nhật), Costar, Amex, Rebirth (Úc), NuHealth, Now@, Neocell, ResVitále (Mỹ), Wrinkle (Hàn Quốc)...
Tùy thương hiệu, dòng sản phẩm, số lượng mà giá cả collagen rất khác nhau, xê dịch trong khoảng 400.000 đồng - 2.000.000 đồng/sản phẩm. Đối với nước uống, mức giá các loại nước collagen ngoại nhập cũng khá cao, từ 80.000 - 150.000 đồng/lon, chai.
Mặc dù giá cả không rẻ so với mức thu nhập trung bình của người dân, lại đòi hỏi phải sử dụng liên tục, đặc biệt tình trạng mua bán nhìn chung vẫn còn bát nháo, thiếu kiểm soát, giả thật lẫn lộn, các nhà phân phối sản phẩm collagen đã tìm nhiều cách để mở rộng hoạt động, trong đó, kênh bán hàng online rất được chú trọng.
Theo đại diện của www.domy.vn, collagen đóng góp tới 40-50% trong tổng doanh thu của website này. Riêng Công ty Dailyvita, sở hữu website www.dailyvita.vn, chọn cách tiếp cận thị trường theo hướng làm đơn vị trung gian giữa khách hàng và nhà sản xuất nước ngoài.
Bà Vũ Vân Anh, người đứng đầu ở Dailyvita, cho biết, cách thức kinh doanh này giúp Công ty không bị áp lực về doanh số, không tốn chi phí nhập hàng. Tuy nhiên, bà Vân Anh thừa nhận, dòng sản phẩm collagen bị cạnh tranh cao vì tính chất dễ bán, dễ mua.
Trên thực tế, các nhà sản xuất collagen ngoại đã nhìn thấy "miếng bánh" hấp dẫn từ thị trường collagen Việt Nam còn bỏ trống. Vì thế, trong năm 2014, nhiều hãng sản xuất collagen đã thâm nhập mạnh mẽ hơn tại Việt Nam. Đơn cử, tháng 5/2014, Meiji Amino Collagen, công ty đứng đầu trên thị trường sản phẩm bổ sung collagen tại Nhật, đã chọn Dược phẩm Thiên Thảo làm nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền.
Hay mới đây, tháng 9/2014, Proto-Col, hãng sản xuất sản phẩm chăm sóc và chống lão hóa làn da hàng đầu ở Anh, đã có mặt tại Việt Nam thông qua đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền là Công ty BCP Field Marketing.
Với bước đi mới này, cả Meijji Amino và Proto-Col đều có thể tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam và đảm bảo sản phẩm rõ nguồn gốc, được dán tem nhãn chính hãng, được cam kết về chất lượng.
1.000 tỷ của T&T
Cho đến nay, đầu tư quy mô nhất cho phát triển collagen vẫn là Collagen Việt Nam sau khi tiếp quản cơ ngơi của Binhanfishco.
Nhiều năm trước, các công ty Việt Nam cũng đã nhìn thấy những cơ hội hấp dẫn từ thị trường collagen và có bước thâm nhập vào lĩnh vực này. Ở dòng sản phẩm mỹ phẩm - thực phẩm chức năng, Công ty Sao Thái Dương đã nghiên cứu và cho ra đời bộ sản phẩm collagen Tây Thi, bao gồm kem, nước dưỡng da collagen và thực phẩm chức năng viên uống collagen.
Ông Phạm Quang Hiệp, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển của Công ty, cho biết, đây là dòng sản phẩm mang tính đột phá của Sao Thái Dương. Ngoài thành phần collagen, sản phẩm collagen Tây Thi còn kết hợp với một số dược liệu quý như hoa đào, nhân sâm, sữa ong chúa và vitamin E. Tuy nhiên, tỷ lệ cụ thể các thành phần trong sản phẩm collagen Tây Thi lại không được đề cập chi tiết trên sản phẩm.
Khác với Tây Thi, collagen Cap của Công ty Dược phẩm Danaphar-Nanosome (Danosome) có ghi rõ thành phần nguyên liệu. Trong đó, collagen chiếm khoảng 70% khối lượng. Ngoài Collagen Cap, Danosome còn sản xuất một số sản phẩm collagen như Collagen Nano, CollagenSol, Vieskin S.
Các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu (Pháp, Ý, Mỹ) và theo các công nghệ tiến tiến nước ngoài như Phytosome (cho dòng CollagenNano), AQP (cho CollagenSol). Tuy nhiên, vì nguyên liệu nhập khẩu và sản xuất theo công nghệ quốc tế nên các sản phẩm collengen của Danosome có giá ngang ngửa hàng ngoại nhập.
Một số công ty quy mô nhỏ như Công ty Dược phẩm Phúc Lâm cũng tung ra thị trường collagen Diên Xuân. Nhưng theo ghi nhận từ thị trường, cũng như các dòng sản phẩm collagen nội địa khác, sản phẩm Diên Xuân chưa được biết đến rộng rãi.
Ở lĩnh vực nước uống, Công ty Thủy sản Bình An (Binhanfishco) là DN tiên phong trong đầu tư và sản xuất nước uống collagen. Bình An đã chi 200 tỷ đồng để xây dựng Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An và khánh thành Viện vào tháng 7/2010.
Song song đó, Binhanfishco cũng xây dựng nhà máy sản xuất nước uống collagen có công suất 50.000 lon/giờ với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Tháng 6/2011, nhà máy chính thức đi vào hoạt động và 2 dòng nước uống Collagen Bình An: collagen pha với nước ép trái Kiwi và collagen pha với nước ép trái Cherry cũng có mặt trên thị trường trong thời gian này.
Ở thời điểm mới tung nước uống collagen ra thị trường, bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch của Binhanfishco rất kỳ vọng sẽ tạo bước tăng trưởng vượt bậc về thương hiệu lẫn kinh doanh cho Công ty. Bằng chứng, qua 2 tháng thăm dò thị trường, mảng collagen góp 30 tỷ đồng vào doanh thu của Công ty.
Trong kế hoạch riêng cho mảng collagen, Binhanfishco đặt mục tiêu doanh thu năm đầu (2011) là 100 tỷ đồng, năm kế tiếp (2012) là 300 tỷ đồng. Về định hướng thị trường, chiến lược phát triển collagen của Bình An là 30% nội địa và 70% xuất khẩu.
Tuy nhiên, dưới áp lực nợ nần do phần lớn các khoản đầu tư ở Binhanfishco đều dùng vốn vay và trước thực trạng nguyên liệu cho sản xuất nước uống collagen Bình An đều phải nhập khẩu, những kế hoạch, mục tiêu của Bình An đều bị phá sản.
Giữa năm 2012, Binhanfishco tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy nước uống collagen, thu hẹp hoạt động của Viện Nghiên cứu. Nước uống collagen Bình An lặng lẽ rút khỏi thị trường.
Tháng 8/2012, bằng việc mua lại 25 triệu cổ phần (tương đương 50% vốn điều lệ) của Bianfishco, Ngân hàng SHB (mà Tập đoàn T&T là cổ đông chiến lược) đã trở thành cổ đông lớn của DN này. Từ đây, T&T tiếp quản dự án collagen của Bianfishco và chuyển nhà máy sản xuất nước uống collagen, Viện Nghiên cứu về Công ty TNHH MTV Collagen Việt Nam.
Cuối năm 2013, nước collagen do Việt Nam sản xuất đã quay lại thị trường, do T&T phân phối độc quyền. Công ty Collagen Việt Nam cũng là DN đầu tiên và duy nhất hiện nay được Bộ Y tế cấp phép sản xuất nước collagen. Trước mắt, T&T phân phối cả 5 dòng sản phẩm collagen chứa kiwi, blueberry, dâu, đào, nha đam của Collagen Việt Nam.
Ông Phan Văn Lộc, Giám đốc Tiếp thị Tập đoàn T&T, cho biết: "Công ty không đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm 2014 nhưng sang năm 2015, T&T sẽ hướng đến doanh thu trên 1.000 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế khoảng 150 tỷ đồng". Về dài hạn, T&T có tham vọng đánh bật các sản phẩm collagen nhập ngoại.
Đây là những mục tiêu đầy áp lực nhưng với sự bùng nổ về thị trường thực phẩm chức năng, trong đó có nước uống collagen, với giá bán chỉ bằng 1/7 - 1/8 giá nước uống collagen ngoại nhập trong khi chất lượng tương đương do nguyên liệu nhập từ Rousselot (Pháp), kỳ vọng tăng trưởng mảng collagen của T&T không phải không có cơ sở. Đáng chú ý, T&T định hướng tập trung thị trường nội địa thay vì chú trọng xuất khẩu nước uống collagen như cách Bình An đề ra ban đầu.
Yếu tố Vĩnh Hoàn
Nếu các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam biết tận dụng da cá tra để sản xuất collagen thì sẽ có cơ hội nâng giá trị cá tra và thu được mức lợi nhuận cao. Sự tham gia của Vĩnh Hoàn vào thị trường collagen tuy chỉ mới gần đây nhưng dự báo có thể làm thay đổi cục diện trên thị trường collagen Việt Nam.
Tham gia vào thị trường collagen đầy hấp dẫn còn phải kể đến Công ty Vĩnh Hoàn. Nhưng Vĩnh Hoàn tỏ ra kiên nhẫn, chuyên nghiệp khi dành hơn 3 năm cho việc chuẩn bị, từ khảo sát thị trường, nghiên cứu đến đầu tư xây dựng.
Trong tháng 12/2014, Vĩnh Hoàn chạy thử nghiệm nhà máy chiết xuất collagen và gelatin từ da cá tra. Nhà máy được khởi công từ tháng 10/2013 với công suất 2000 tấn/năm.
Đại diện Vĩnh Hoàn cho biết, Công ty sẽ kinh doanh collagen trên cả 2 phương diện: bán nguyên liệu và bán sản phẩm. Đây là điểm rất đặc biệt, mở ra những cơ hội mới cho thị trường collagen Việt Nam. Bởi lâu nay, chưa có DN trong nước nào chiết xuất được collagen. Nguyên liệu collagen dùng trong sản xuất collagen đều phải nhập khẩu.
Nếu DN trong nước có thể cung cấp nguồn nguyên liệu collagen đảm bảo chất lượng, chi phí đầu vào cho các đơn vị sản xuất sản phẩm collagen sẽ giảm, làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng nội trước hàng ngoại nhập cũng như có thể góp phần ổn định thị trường.
Đối với dòng collagen, Vĩnh Hoàn chọn cách tập trung vào sản phẩm cung cấp 100% nguyên chất collagen cho người tiêu dùng dưới dạng bột pha uống để dễ hấp thu. Tuy nhiên, với thực tế người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa quen với sản phẩm collagen và vẫn chuộng hàng ngoại hơn hàng nội, mục tiêu kinh doanh collagen của Vĩnh Hoàn vẫn là xuất khẩu, ước chiếm khoảng 80% doanh thu.
Đây cũng là bước đi nhằm khẳng định uy tín, thương hiệu cho sản phẩm collagen của Vĩnh Hoàn. Để làm được điều này, những năm qua, Vĩnh Hoàn đã thăm dò, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Dự kiến, thị trường xuất khẩu chính là Nhật, Mỹ và Châu Âu.
Sự tham gia của Vĩnh Hoàn vào thị trường collagen tuy chỉ mới gần đây nhưng dự báo có thể làm thay đổi cục diện trên thị trường collagen Việt Nam. Nếu Vĩnh Hoàn thành công, đạt được các mục tiêu như đề ra, nhiều đơn vị, nhất là DN thủy sản có thể sẽ vào cuộc.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty CP Gò Đàng, DN chế biến cá tra xuất khẩu lớn của Việt Nam, cho biết, khi điều kiện cho phép, Công ty dự kiến đầu tư vốn vào sản xuất collagen. Tuy nhiên, cũng như các nhà đầu tư khác, Gò Đang vẫn muốn xem hiệu quả ở Vĩnh Hoàn rồi mới đưa ra quyết định.
Với năng lực xuất khẩu hơn 600.000 tấn cá tra/năm và tổng sản lượng phụ phẩm (đầu, xương, da, nội tạng, mỡ) xấp xỉ 70% khối lượng nguyên liệu sẽ là nguồn cung ứng dồi dào cho việc sản xuất collagen, một sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao.
Đó là nhận định của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Nếu các DN chế biến thủy sản Việt Nam biết tận dụng sản lượng da cá tra hằng năm để sản xuất collagen thì sẽ có cơ hội nâng giá trị cá tra và thu được mức lợi nhuận cao.
Về phía mình, trong các chia sẻ với giới đầu tư lẫn báo chí, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn, cho rằng, vùng nguồn nguyên liệu cá của Vĩnh Hoàn đủ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu phế phẩm cho nhà máy collagen. 50% vốn cho đầu tư nhà máy collagen là từ vốn tự có.
Một khi đã ổn định trong thị trường này, cơ hội kinh doanh của các đơn vị sẽ rất lớn. Bởi giá trị xuất khẩu của sản phẩm collagen từ phụ phẩm cá tra cao gấp 8 - 10 lần so với xuất khẩu cá thông thường. Báo cáo phân tích từ các công ty chứng khoán đều đánh giá cao triển vọng kinh doanh của Vĩnh Hoàn nhìn từ dự án nhà máy collagen.
Theo kế hoạch từ Vĩnh Hoàn, trong năm đầu tiên (2015), nhà máy collagen của Vĩnh Hoàn chỉ hoạt động ở mức 35% tổng công suất nhưng công suất sẽ tăng dần và ước đạt 80% vào năm 2017.
Với đà tăng này, chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận cũng tăng mạnh qua các năm. Dự kiến, đến năm 2017, LNST từ collagen sẽ tăng khoảng 100 tỷ đồng và đóng góp quan trọng vào lợi nhuận cho Vĩnh Hoàn.
>> Khó chạm giấc mơ sản xuất ô tô "Made in Vietnam"
Theo Ngọc Thủy