Tại sao Mark Zuckerberg chọn công nghệ kính thực tế ảo?

25/02/2016 09:10 AM | Kinh doanh

Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã chi 2 tỷ USD để sở hữu công nghệ kính thực tế ảo Oculus Rift, vốn được phát triển bởi Palmer Luckey. Liệu đây là một bước đi liều lĩnh hay khôn ngoan của nhà sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới này?

Mới đây, CEO Zuckerberg cũng đã làm náo loạn buổi giới thiệu Galaxy S7 của Samsung tại Barcelona khi xuất hiện trên sân khấu trong khi mọi người còn đang chìm đắm thưởng thức sản phẩm kính Gear VR sử dụng công nghệ Oculus.

Tuy nhiên, bạn chắc hẳn sẽ ngạc nhiên khi Facebook tưởng chừng như đã bỏ lỡ công nghệ Oculus nếu như không có sự kiên trì của những nhà sáng lập ra công nghệ này.

Trên thực tế, Mark Zuckerberg và nhà sáng lập Luckey đều có một số nét tương đồng. Họ đều là những hacker trẻ khởi nghiệp khi chưa bước qua tuổi 20 và đều thành công trong lĩnh vực công nghệ.

Trước khi gặp được Luckey, Zuckerberg đang kỷ niệm 10 năm thành lập Facebook vào năm 2014 và nhà sáng lập này cũng đang tìm kiếm một hướng đi mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho mạng xã hội này.

Chưa thỏa mãn với thành công của Facebook, Zuckerberg luôn trăn trở điều gì sẽ làm thay đổi thế giới sau điện thoại di động. Rõ ràng Facebook đã chậm chân trong mảng smartphone và hãng không muốn lỡ nhịp trong cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo.

Trong vố số ý tưởng, Zuckerberg cũng đã nghĩ đến công nghệ 3D thực tế ảo, nhưng suy nghĩ này vẫn chỉ mang tính tiềm năng trước khi công nghệ Oculus được giới thiệu.

Mới đầu, công nghệ Oculus chủ yếu được phát triển cho các game thủ và anh Zuckerberg có vẻ không hài lòng lắm về ý tưởng đầu tư cho mảng trò chơi bởi Facebook không chuyên về mảng này.

Dẫu vậy, những thành tựu mà công nghệ Oculus đạt được đã gây ấn tượng với nhà sáng lập mạng xã hội hàng đầu thế giới.

“Wow, thật là tuyệt vời”, CEO Zuckerberg nói khi thử nghiệm kính thực tế ảo dùng công nghệ Oculus lần đầu tiên.

Ngoài ra, việc các hãng đối thủ như Google, Microsoft hay Sony cũng đang đầu tư vào công nghệ thực tế ảo đã thúc đẩy CEO Zuckerberg đưa ra quyết định của mình.

Hiện Google cũng đang đầu tư nhiều triệu USD vào công nghệ kính thực tế 3D, nhưng loại kỹ thuật này vẫn còn đang nghiên cứu và chưa thể cho ra sản phẩm trong ngắn hạn.

Mức giá khởi điểm mà Facebook đề nghị là 1 tỷ USD để sở hữu công nghệ Oculus của Luckey, nhưng đề nghị của Facebook bị cho là quá thấp. Sau nhiều lần đàm phán, cuối cùng CEO Zuckerberg cũng đề nghị mức giá hơn 2 tỷ USD, bao gồm cả cổ phiếu thưởng để sở hữu công nghệ Oculus.

Trong giai đoạn đầu, kính thực tế ảo Oculus có độ trễ (lag) là 80 milli giây, trong khi chuẩn độ trễ để không làm người dùng bị choáng là 20 milli giây.

Tuy nhiên, sau nhiều cải tiến, công nghệ này đã rút ngắn được thời gian trễ và khiến người dùng không bị choáng khi đeo kính.

Dẫu vậy, Oculus chưa thật sự hoàn hảo khi người dùng vẫn bị buồn nôn nếu sử dụng kính thực tế ảo Oculus quá lâu.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia lo lắng công nghệ thực tế ảo không chỉ khiến người dùng bị choáng mà còn có thể ảnh hưởng đến não bộ của người sử dụng.

Bất chấp những lo ngại đó, khả năng giao tiếp ảo dù có khoảng cách về địa lý vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng cũng như người tiêu dùng.

Chuyên gia công nghệ nổi tiếng Jaron Lanier nhận định “Điều tuyệt vời nhất về công nghệ thực tế ảo là khi bạn tháo kính ra chứ không phải khi bạn đang trải nghiệm chúng. Bạn sẽ chưa thực sự cảm nhận được cuộc sống thực tại nếu bạn chưa bao giờ thứ công nghệ thực tế ảo.”

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM