Sóng sẽ lại nổi trên thị trường hàng không giá rẻ?
Năm 2016 được ví thời của đi máy bay như đi chợ, nhiều người kì vọng đi máy bay giá siêu rẻ nhất là khi Vietnam Airlines vừa công bố thành lập thêm hãng máy bay mới. Như vậy ngoài VNA, Vietjet Air, Jetstar, hành khách có thêm Vasco để lựa chọn.
Cuộc chiến thị phần nội địa sẽ diễn ra khốc liệt hơn khi Vasco đẩy mạnh khai thác. “Đi chợ bằng máy bay” là hình ảnh ví von được nhiều người kỳ vọng ở cuộc chiến giá rẻ này.
Câu hỏi đặt ra, liệu khi Vasco gia nhập thị trường hàng không, vị trí hãng hàng không giá rẻ được yêu thích nhất của Vietjet Air có bị soán ngôi.
Nhìn lại năm 2015, Vietjet Air đã có cú bứt phá ngoạn mục khi vươn lên bám sát Vietnam Airline ở thị phần hàng không nội địa. Vietnam Airline chiếm 47,1%, Vietjet Air chiếm 36,2% ở thị phần này. Trong khi đó, năm 2014 tỷ lệ này lần lượt là 56% và 29,4%. Vietjet đã kéo Vietnam Airlines xuống tuột khỏi vị trí chiếm hơn nửa thị phần nội địa.
Theo các chuyên gia hàng không, thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa mô hình kinh doanh hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Lợi thế đang nghiêng về bên nào quản lý chi phí hiệu quả, tiết kiệm với bộ máy tinh gọn. Vietjet đang có nhiều lợi thế hơn trong tính toán chi phí vận tải hàng không để kiên trì theo đuổi giá bình dân.
Nhờ Vietjet Air mà nhiều người lần đầu tiên được bước lên tàu bay. Còn trước đây đi máy bay là cái gì đó xa xỉ. Gặp tại cửa ra tàu bay chặng Hà Nội – Quy Nhơn, chúng tôi thấy nhiều khuôn mặt rạng rỡ pha lẫn hồi hộp của những cụ ông, cụ bà tuổi đã 60.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho chúng tôi hay đây là lần đầu tiên bà đi máy bay, được vào Quy Nhơn thăm con gái. Quê ở Phú Thọ, ông bà có cô con gái lấy chồng và làm kinh tế ở Quy Nhơn 10 năm rồi nhưng điều kiện xa xôi không đến thăm con. Máy bay giá rẻ đã giúp cho nhiều gia đình như bà Cúc rút ngắn khoảng cách, thăm hỏi dễ dàng.
Ai cũng có thể đi máy bay, thời đi máy bay dễ như đi chợ cũng là điều dễ hiểu. Người dân có thể đi du lịch nhiều hơn, dịch chuyển vùng miền nhiều hơn nhờ vé máy bay giá rẻ.
Sau 4 năm cất cánh, Vietjet đã “cán đích” vận chuyển 20 triệu lượt hành khách, “viết nên câu chuyện cổ tích” trên thị trường hàng không. Vận chuyển hàng không nội địa toàn ngành đã tăng trưởng hơn 26% và Vietjet đóng góp tới 70% vào mức tăng trưởng ấn tượng này.
Chính sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ trong việc nỗ lực mở rộng đường bay, đội bay, liên tiếp tung ra các cú giá siêu rẻ… khiến Vietnam Airlines mất đi một lượng khách rất lớn. Bay vé giá rẻ đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn gần đây, buộc hãng cũng phải linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá vé. Dự báo tới đây, cuộc so găng giữa hai mô hình hàng không truyền thống và giá rẻ mà điển hình là Vietnam Airlines với Vietjet Air sẽ quyết liệt hơn nữa.
Vasco tham gia thị trường có làm thay đổi cuộc chiến thị phần? Theo kế hoạch Trong giai đoạn đầu hoạt động, hãng hàng không cổ phần sẽ tiếp tục khai thác đội tàu bay ATR72, phù hợp cho các chặng bay đi từ/đến các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực (B777, A320/A321) như Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên... Công ty cổ phần mới được thành lập với quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng, đội tàu bay dự kiến dưới 10 tàu.
Với cổ đông chiến lược là Techcombank nắm giữ 49% vốn điều lệ, hứa hẹn Vasco sẽ làm nên tên tuổi ở thị trường hàng không đầy màu mỡ này.
Nhưng Vasco có soán ngôi hàng không giá rẻ của Vietjet Air không? Hiện tại là chưa, bởi Vasco chủ yếu khai thác các điểm đến lẻ, ít người đi và dùng phi cơ nhỏ. Nhưng trong tương lai, nếu Vasco mở rộng điểm khai thác, cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, người dân có thêm nhiều lựa chọn
Vasco có thế mạnh gì?
Kinh doanh hàng không không còn an nhàn kể từ khi Vietjet Air xuất hiện. Cạnh tranh tạo ra áp lực thay đổi và Vietnam Airlines không còn thống lĩnh trên thị trường bay như quá khứ vàng son trước đó. Vietnam Airlines vẫn chọn thị phần hàng không cao cấp nhưng hãng có nguy cơ bị đe dọa vị trí khi đàn em sinh sau là Vietjet đang ngày một lấn sân với những cú lội dòng ngoạn mục. Bằng chứng là Vietjet Air đuổi sát nút Vietnam Airlines ở thị phần hàng không nội địa.
Để tự vệ, Vietnam Airline chọn ra hãng hàng không mới, và chọn kinh doanh giá rẻ để trực tiếp đối đầu với các hãng hàng không giá rẻ khác.
Vasco gia nhập làng bay với nhiều ưu thế: 1- Có sự hẫu thuẫn đắc lực của Vietnam Airline cả về cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân sự, kinh nghiệm an toàn bay; 2- Có tiềm lực về tài chính khi Techcombank chiếm 49% cổ phần. 3- Có nhiều điểm đến mà Vietjet Air chưa khai thác như Điện Biên, Cà Mau
Khi ngân hàng nuôi tham vọng mở rộng cánh cửa lên bầu trời, thị trường hàng không sẽ có thêm nhiều cuộc đua gay cấn. Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, Sovico là cổ đông chiến lược của Vietjet Air (Tập đoàn Sovico của cặp vợ chồng Nguyễn Thanh Hùng- Nguyễn Phương Thảo). Sovico sở hữu HD Bank, ngân hàng tiếp vốn cho Vietjet Air sống khỏe.
Trong khi Vasco có Techcombank mà Sovico còn là một trong những cổ đông sáng lập của Techcombank.
Giới phân tích nhận định Vasco ra đời với mục tiêu gây sức ép với hãng hàng không giá rẻ trên cơ sở tận dụng hỗ trợ của Vietnam Airlines cùng các doanh nghiệp phục vụ bay cùng mục tiêu sau cùng là chiếm lĩnh thị trường khi doanh nghiệp đối thủ gặp khó khăn.
Vietjet Air dường như đã chuẩn bị cho cuộc đối đầu này khi ngay lập tức tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 1.450 tỷ đồng sau thông tin Vasco gia nhập thị trường hàng không.
Đợt tăng vốn lần này là bước đệm để Vietjet Air đầu tư nhằm tiếp tục chiếm thị phần hàng không nội địa giá rẻ. Giới chuyên gia hàng không cho rằng có thể Vietjet tăng huy động vốn để phát triển đội tàu bay và đầu tư vào dự án hạ tầng hàng không theo hình thức xã hội hóa mà hãng này đang tham gia là Cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng); dự án nhà ga hành khách- cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).
Ths Phạm Hoài Huấn, Đại học Luật TP.HCM cho rằng Vietnam Airlines phải bảo đảm rằng có sự công bằng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ mặt đất giữa Vietnam Airlines với các hãng khác.
Khi không có sự công bằng trong việc sử dụng hạ tầng, bất kể là thị trường có hình thành thêm doanh nghiệp mới hay không, khuynh hướng và mức độ cạnh tranh vẫn chỉ do Vietnam Airlines quyết định và chi phối. Đây là điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay.