Sapporo: Liên doanh hay thâu tóm?

11/10/2015 22:01 PM | Kinh doanh

Sự kiện Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) thoái vốn khỏi Công ty Sapporo Việt Nam (SVL), đưa SVL từ liên doanh thành DN 100% vốn Nhật Bản và thuộc Sapporo International Inc vừa diễn ra, là điều mà giới quan sát đã tiên đoán trước. Đó dường như cũng là con đường đi của rất nhiều liên doanh đầu tư Nhật – Việt những năm qua.

FMCG – Thực phẩm tiêu dùng nhanh là một trong những ngành hàng đã và đang đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ so với mọi ngành hàng khác ở Việt Nam.

Thị trường 95 triệu dân, giá nhân công lao động còn rẻ luôn là lí do đầu tiên, cơ bản để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm muốn bỏ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh nội địa hoặc xuất khẩu. Hơn thế nữa, một cách khá định tính, phải nói rằng thị trường tiêu dùng Việt Nam không quá mức khó tính.

Tổng giám đốc của Ajinomoto Việt Nam từng nói với DĐDN rằng người tiêu dùng nước Việt rất ưa chuộng sự mới lạ, sẵn sàng trải nghiệm và khám phá. Đó chính là cơ hội cho những DN cung cấp dịch vụ, sản phẩm. Đồng thời cũng là thách thức khiến nhiều DN phải nỗ lực để cạnh tranh để giữ được sức hút với người tiêu dùng.

Trong ngành FMCG – đồ uống, bao gồm sữa, cà phê, trà nước uống có ga (rượu và bia), nước uống không ga (các loại nước giải khát, trái cây, nước uống dinh dưỡng, nước tinh khiết…)…, mỗi một mặt hàng tại Việt Nam đều đang là mặt hàng có mức độ tăng trưởng tốt và còn nhiều dư địa ở các phân khúc chính lẫn ngách để DN tiếp tục khai thác. Trong quý II/2015, theo khảo sát của Nielsen, ngành hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam đã có mức tăng trưởng chậm lại và có dấu hiệu bão hòa ở 6 tỉnh, thành phố lớn.

Tuy nhiên, cũng theo công ty đo lường hiệu suất toàn cầu này, tại Việt Nam đồ uống vẫn là “ngôi sao tỏa sáng”, đóng góp tới 38% tổng doanh thu toàn ngành với tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các nhóm sản phẩm khác, đạt tới 6,7%. Trong đó, sự tăng trưởng đạt được của đồ uống đáng chú ý đến từ tăng trưởng khối lượng. Điều đó hàm nghĩa: Mặt hàng đồ uống đang có sự gia tăng nhanh chóng các sản phẩm – là sự cạnh tranh cũng như cơ hội để các DN đang kinh doanh ngành đẩy nhanh mức độ khai thác sâu, rộng, đặc biệt phủ sóng tới khu vực nông thôn, nơi đang chiếm một lượng tiêu thụ FMCG lớn nhất và với các sản phẩm mới nhất.


Ngành hàng tiêu dùng nhanh quý II/2015; (nguồn Nielsen)

Ngành hàng tiêu dùng nhanh quý II/2015; (nguồn Nielsen)

Sapporo với mức tăng trưởng doanh số 34% vào năm ngoái và thị phần ngày càng mở rộng chỉ sau mấy năm có mặt ở Việt Nam, cùng với sự dự báo ngành bia sẽ tiếp tục tăng trưởng quy mô tới khoảng 40% trong vòng 5 năm (nguồn: Euromonitor), và động thái Công ty mẹ chi 8,28 triệu USD theo ước tính để Nikei để D để sở hữu toàn phần SVL tại thị trường Việt Nam ở năm 2015, không gây ngạc nhiên. Đây là một động thái khôn ngoan có tính thời điểm để Sapporo nhanh chóng thực thi kế hoạch hướng đến “làm chủ thị trường” – dù vị trí thị phần của họ trên thị trường vẫn còn khiêm tốn so với những ông lớn ngành bia Việt.

Lựa chọn thời điểm của Sapporo

Xét về mặt thời điểm, gọi đây là cơ hội của Tập đoàn Sapporo bởi ngoài sức bật về doanh số và khả năng lấn chiếm thị phần theo kiểu “gáo nước úp ngược” – đổ ụp xuống thị trường bằng nguồn lực đầu tư với nhà máy sản xuất công suất lớn tại Long An, kể từ sau giai đoạn vào Việt Nam năm 2010 và âm thầm chuẩn bị. Bên cạnh đó là chiến lược gắn thương hiệu với các điểm uống mang doanh số cao và tấn công hệ thống phân phối buôn, lẻ; Sapporo “mẹ” cũng đang có thuận lợi về mặt “nhân hòa”: Phía đối tác liên doanh Vinataba cũng đã đến thời điểm phải thoái vốn đầu tư. Chỉ cần hai bên thỏa thuận được khoản đầu tư theo cách thức Win-Win, thì cái giá phải trả sẽ giúp nhà đầu tư Nhật được toàn quyền chủ động chi phối “con” Sapporo tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu không có sự thay đổi tại SVL, Sapporo mẹ cũng có thể để tuột thời điểm vàng đi trước Sabeco đang nỗ lực tiến đến cổ phần để củng cố vị trí dẫn đầu, đặc biệt tại các thị trường nông thôn. Cũng như, đón đầu cơ hội FTAs khi các DN ngành bia ngoại khác đã và tiếp tục dồn dập du nhập.

Một nguồn tin cho biết cuối tháng 10 này, ngay sau khi trở thành công ty con 100% vốn của Tập đoàn Nhật, Sapporo sẽ chính thức ra mắt một sự kiện thể hiện chuyển động mới mang hàm lượng công nghệ cao, giúp Sapporo tận dụng yếu tố thời điểm đã được phân tích. Sự cạnh tranh dữ dội của các DN cùng ngành, làm sủi bọt thị trường bia chắc chắn sẽ xảy. Một điểm đáng lưu tâm là tại thời điểm hiện nay, sự thay đổi ở Sabeco, DN lớn nhất ngành bia Việt trong tổ chức nội bộ và mục tiêu CPH… cũng đang khiến DN có những “chệch choạc”, mất thị phần ở một số khu vực. Sapporo hẳn đã nghiên cứu thị trường, có các động cơ khác nữa để nhanh chóng đưa ra quyết định xuống tiền với cổ phần từ Vinataba.

Liên doanh và… Mỵ Châu – Trọng Thủy

Quan tâm đến trường hợp Sapporo, có người cho rằng đây đơn thuần là từ một Công ty liên doanh mang tính mẹ – con, chuyển sang mẹ – con chính thức và Sapporo “mẹ” không phải là người đi thâu tóm. Theo đó, khái niệm thâu tóm ở đây có tính “nhạy cảm” hoặc “tiêu cực”.

Thực tế, ở Việt Nam, với một giao dịch trên 25%, đã có thể gọi là thâu tóm – nhất là khi nhà đầu tư đó đã sở hữu sẵn một số cổ phần đạt tỷ lệ chi phối gần như toàn phần DN. Chẳng hạn như trường hợp REE “thâu tóm” một số các DN ngành nhiệt điện, nước ở tỷ lệ rất “khiêm tốn” trên dưới 25%/ DN – xét tỷ lệ cổ phần nắm giữ trực tiếp.

Nhưng ở trong một mạng lưới ngành dọc và các Công ty thuộc REE nắm giữ cổ phần gián tiếp, thì REE đã tạo ra những giao dịch M&A ngoạn mục. Trường hợp Thành Thành Công “tập hợp” và thâu tóm các DN ngành đường cũng tương tự như vậy.

Trở lại với câu chuyện Sapporo. Nhà đầu tư Nhật có thể sẽ không muốn bị “gán mác” giao dịch của mình là thâu tóm. Vinataba, tất nhiên, cũng không muốn ở vị thế bị “thâu tóm cổ phần”. Đặc biệt khi Vinataba hoàn toàn có thể đứng ngoài cuộc chơi ngành bia – đầu tư, thoái vốn, bảo toàn vốn nhà nước và đảm bảo đúng kế hoạch, mục tiêu thoái vốn để tái cấu trúc theo yêu cầu.

Chỉ cần hai bên thỏa thuận được khoản đầu tư theo cách thức Win-Win, thì cái giá phải trả sẽ giúp nhà đầu tư Nhật được toàn quyền chủ động chi phối Sapporo tại Việt Nam.

Song, lại phải nói rằng là trường hợp mua lại của Sapporo – chuyển từ liên doanh sang mô hình sở hữu 100% Công ty con, trong làn sóng đầu tư của Nhật vào Việt Nam trong những năm qua – đối với các ngành hàng FMCG nói riêng, và nhiều lĩnh vực nói chung, hoàn toàn không hy hữu.

Ở Vina Acecook, DN đang nắm 1 nửa thị phần ngành mì ăn liền, cũng có dáng dấp đường đi này. Trong vòng 20 năm phát triển, Vina Acecook từ góp vốn lập liên doanh, đã tăng dần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư Nhật, gần như tỷ lệ thuận với thị phần không ngừng bành trướng của DN trên thị trường Việt. Vào năm 2014, Vina Acecook vẫn còn có sự xuất hiện của ông Hoàng Cao Trí, người được cho là đại diện khoảng 25% vốn liên doanh Việt Nam tại công ty.

Bước sang năm 2015, tuy chưa có thông tin nào cho thấy ông Trí đã bán vốn, hoặc Acecook Nhật Bản đã sở hữu 100% cổ phần, song sự xóa bỏ yếu tố “Vina” trong cái tên được nhận diện rất quen thuộc tại thị trường Việt Nam trong một thời gian dài, cùng sự vắng bóng của nhà đại diện Việt Nam ở những sự kiện công ty, khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Phải chăng sau 20 năm, đã đến thời điểm nhà đầu tư Nhật muốn hoàn toàn “thôn tính” DN mì dẫn đầu cả nước?

Ở một DN FMCG khác, Ajinomoto Việt Nam – tiến trình và kết quả liên doanh đến chuyển đổi thành Công ty con trực thuộc Tập đoàn Nhật dường như rõ ràng hơn. Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang đây chính là một trong những cách thức để “Trọng Thủy lấy nỏ” đã và đang được rất nhiều Tập đoàn đa quốc gia áp dụng để đi đến thâu tóm DN Việt. Bài học tuy cũ nhưng thông điệp lại mới. Càng mới khi mới đây, triển khai Nghị định 60 của Chính phủ, chúng ta vẫn quan niêm cởi mở rằng DN có trên 51% đối tác ngoại nắm giữ cổ phần vẫn là DN Việt.

Có thể thấy hội nhập đang khiến mọi ranh giới giữa các DN đa quốc gia và DN quốc gia nhòe đi và gần như sẽ không còn sự “phân biệt” giữa DN Việt hay DN ngoại. Sự nhòe phẳng này là tất yếu – Nhưng một đòi hỏi cũng tất yếu và có tính “Ô liu” hơn, để chúng ta giữ được bản sắc của mình khi đi xe Lexus, vẫn là các nhà đầu tư Việt phải tư duy cả chuyện làm sao mà vừa “cưới được Trọng Thủy”, vừa vẫn giữ được “nỏ thần” và không phải rắc lông ngỗng đi tìm những thị trường quan trọng.

Lê Mỹ

Cùng chuyên mục
XEM