Quảng cáo hãy ngừng mô tả làm mẹ là nghĩa vụ thiêng liêng, hay đưa họ lên thành những tượng đài!
Các bà mẹ hiện đại ngày này không còn thích các nhà quảng cáo mô tả công việc của mình như một nghĩa vụ thiêng liêng, hay đưa họ lên thành những tượng đài. Thay vào đó các marketer nên bắt đầu nói về các bà mẹ như những con người đa năng.
Đây là bí quyết rút ra được từ nghiên cứu toàn cầu của Saatchi & Saatchi mang tên “Những bà mẹ và tiếp thị trong đời thực”. Để mang đến kết quả khách quan nhất, công ty này đã phỏng vấn gần 8.000 bà mẹ có con dưới 17 tuổi ở Trung Quốc, Đức, Italia, Ấn Độ, Vương Quốc Anh và Mỹ.
Theo kết quả điều tra, 51% người được hỏi tin rằng các nhà quảng cáo có cái nhìn lạc hậu về các bà mẹ và không hề hiểu họ. Đây hẳn là một con số đáng sợ với các nhà tiếp thị, vì trên thế giới có đến khoảng 2 tỷ bà mẹ. Nói một cách khác, có khoảng 1 tỷ bà mẹ, cũng chính là một tỷ khách hàng tiềm năng mà các nhà tiếp thị chưa tiếp cận được.
Mary Mills, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Saatchi nói: “Có những thương hiệu rất thành công trong việc khai thác thế giới phong phú của các bà mẹ, như P&G và Unilever. Một trong những lý do khiến họ nổi tiếng là vì có quá ít thương hiệu có thể làm được như vậy".
Cũng theo nghiên cứu, các bà mẹ không thích được phác họa như “công việc khó khăn nhất trên thế giới” hay nhấn mạnh những công việc vất vả hàng ngày “bằng cách thể hiện sự mệt nhọc một cách hãnh diện.”
Bởi vậy, bà Mills cho rằng, các nhà quảng cáo cùng với agency “không nên coi việc làm mẹ như một nghề nghiệp”. Hãy từ bỏ việc coi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ như các loại hàng hóa và dịch vụ. "Làm mẹ là thiên chức chứ không phải là một công việc. Người mẹ luôn có nhiều công việc cần phải làm. Mục tiêu của mỗi người chắc chắn là trở thành một người mẹ tốt, chứ không phải chỉ là làm tốt bổn phận làm mẹ.”
Các bà mẹ đảm nhiệm nhiều vai trò
Các bà mẹ cho rằng quảng cáo thường mô tả việc làm mẹ như là một nghĩa vụ thiêng liêng, đưa họ lên thành những tượng đài.
Mills đưa ra lời khuyên, "Đừng quá tập trung vào sự hoàn hảo hay mô tả sản phẩm của bạn như một phương tiện để đạt được sự hoàn hảo”. Dần dần, sẽ có rất nhiều quảng cáo có nội dung tương tự nhau, các bà mẹ sẽ không còn chú ý đến chúng nữa. Chúng ta cũng nên tránh những bà nội trợ vui vẻ, những người hời hợt hay quá cầu toàn. Làm mẹ không phải là một khả năng thiên bẩm và đa số các bà mẹ cảm thấy có nhiều thứ họ làm chưa đúng. Do đó, không cần thiết phải nhắc nhở họ về những kiến thức cần thiết.”
Cũng theo kết quả khảo sát, các bà mẹ chủ yếu nghĩ mình là “người chăm sóc”, dành phân nửa thời gian để chăm nom gia đình. Điều đó cho thấy, họ đóng vai trò như “người lớn”, truyền đạt văn hóa (13% quỹ thời gian) và “huấn luyện viên”, dạy trẻ cách ứng xử (11% quỹ thời gian). Ở mức độ thấp hơn, các bà mẹ cũng có thể hóa thân thành "bạn chơi cùng", "người hùng", "bạn bè" và "người hâm mộ."
“Mỗi một vai trò của mẹ giúp cho thương hiệu và doanh nghiệp của bạn có một khu vực tương đối rõ ràng nhằm thu hút các bà mẹ". Bởi vậy, các nhà tiếp thị nên kết hợp nhiều thứ và nắm được vai trò của các bà mẹ. Không nên tập trung quá ti mỉ vào một mô hình đã lỗi thời. Bà Mills cũng cho biết: "Các bà mẹ không cần bạn giúp đỡ họ làm việc. Họ chỉ muốn bạn giúp họ có được mọi thứ họ muốn."
Đôi khi, quảng cáo nghiêm túc khiến người ta chán ngấy. Các nhà tiếp thị có thể được chấp nhận hơn nếu như họ sẵn sàng thay đổi. Nhẹ nhàng hơn, bớt căng thẳng đi và "hãy để các bà mẹ cảm thấy vui vẻ."