Qatar: Từ một quốc gia nghèo đói đến GDP trên đầu người cao nhất thế giới chỉ sau 50 năm

01/06/2015 09:09 AM | Kinh doanh

Chỉ trong vòng nửa thế kỷ, bán đảo từng là một đất nước nghèo khó nhanh chóng trở thành gã khồng lồ giàu có với GDP đầu người vào loại cao nhât thế giới: 98.900 USD.

Năm 2022, World Cup sẽ được tổ chức tại Qatar. Tại sao một quốc gia bị điều tra vì ngược đãi với lao động nhập cư cùng mùa hè quá nóng để chơi thể thao lại giành được quyền đăng cai World Cup?

Câu trả lời rất đơn giản: Qatar có rất nhiều tiền. Chỉ trong vòng 50 năm, bán đảo từng là một đất nước nghèo khó nhanh chóng trở thành gã khồng lồ dầu mỏ với GDP đầu người vào loại cao nhất thế giới: 98,900 USD. Tiền từ dầu mỏ quá thừa để 280.000 người dân Qatar sống sung túc.

Hãy cùng tìm hiểu hành trình từ một quốc gia nghèo khó đến khi thành một nơi giàu có không thua gì Dubai của bán đảo nhỏ này.

Qatar được trị vì bởi gia đình Al- Thani từ đầu những năm 1900 và là thuộc địa của Anh. Thời điểm đó, hoạt động sản xuất chủ yếu của Qatar đánh bắt và tìm ngọc trai. Qatar trượt dốc thành một quốc gia nghèo khó, bệnh tật và đói kém khi ngành kinh doanh ngọc trai sụp đổ vào những năm 1920.

Tới năm 1939, dầu mỏ được tìm thấy ở Dukhan. Tuy nhiên, việc phát triển trong lĩnh vực này diễn ra chậm chạp trong 10 năm tiếp theo vì ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ 2. Dù lượng dầu được tìm thấy khá lớn, nó không là gì so với lượng khí tự nhiên được tìm thấy trong 3 thập kỷ kế tiếp.

Tới năm 1951, Qatar sản xuất khoảng 46,5 nghìn thùng dầu mỗi ngày, mang về doanh thu 4,2 triệu USD. Sau khi tìm thấy những mỏ dầu ngoài khơi, Qatar, với sự hỗ trợ của tập đoàn Shell đã đẩy mạnh sản lượng lên 233 nghìn thùng mỗi ngày.

Nguồn thu mới từ xuất khẩu dầu nhanh chóng tràn vào túi tiền của những người đứng đầu Qatar, giúp quốc gia này bắt đầu quá trình hiện đại hóa. Trường học đầu tiên được xây dựng. Sau đó là bệnh viện, nhà máy điện, trạm điện thoại,... được mở ra vào những năm 50. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm chạp.

Doanh thu từ dầu thô tăng đều trong suốt những năm 1960. Gia đình Al- Thani cũng đẩy mạnh vai trò của mình trong Chính phủ bằng việc đưa những người trong dòng tộc của mình vào nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý.

Tới năm 1971, Qatar giành lại độc lập sau khi Anh tuyên bố rút quân đội khỏi khu vực phía Đông kênh đào Suez.

Ngày 22/2/1971, Khalifa bin Hamad lật đổ cha mình, Emir Ahmad bin Ali, khi ông đang đi săn tại Iran. Khalifa bin Hamad đã tiến hành cắt giảm các khoản chi tiêu của Hoàng gia và tăng cường ngân sách cho các chương trình xã hội, gia cửa, y tế, giáo dục và lương hưu.

Năm 1971 cũng là thời điểm mó khí gas tự nhiên lớn nhất thế giới được tìm thấy ngoài vùng biển Qatar. Do sản lượng dầu vẫn còn cao thời điểm đó, mỏ này chưa được khai thác. Qatar hiện là một trong những quốc gia có các mỏ khí gas tự nhiên lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Nga và Iran.

Tới năm 1980, giá dầu rơi giảm mạnh, kéo theo khủng hoảng kinh tế tại Qatar. Điều này buộc Qatar phải tính đến việc phát triển mỏ khí gas North Field vào năm 1989, tuy nhiên quá trình phát triển diễn ra chậm.

Tới năm 1995, tình cảnh ở Qatar vẫn chưa được cải thiện. Sheikh Hamad bin Khalifa Al-Thani tiến hành đảo chính lật đổ Emir Khalifa bin Hamad, thiết lập một hướng đi mới cho đất nước.

Điều đầu tiên mà Sheikh Hamad làm đó là nhanh chóng xây dựng mở North Dome, đẩy mạnh sản lượng của mỏ này. Qatar bắt đầu xuất khẩu khí ga lỏng tự nhiên lần đầu tiên. Để gia tăng sản lượng, Qatar cho xây dựng những nhà mày LNG (khí gas dạng lỏng) mới. Trong vòng 15 năm, 14 nhà máy LNG đã được xây dựng theo dạng liên doanh với các công ty dầu khí nước ngoài.

Tới cuối những năm 1990, Qatar đã bắt tay với hầu hết các DN dầu khí lớn nhất thế giới. Những công ty này bắt đầu áp dụng biện pháp khoan ngang để đối phó tình trạng giảm sản lượng dầu. Liên doanh giữa Qatar và Maersk Oil đã xây dựng nên giếng dầu ngang dài nhất thế giới.

Năm 1996, Qatar xây dựng sân bay khổng lồ trị giá hàng tỉ đô al-Udeid, nơi từng dùng với mục đích logistics và điều động của quân đội Mỹ. Tới năm 1997, Qatar bắt đầu thỏa thuận dài hạn cung cấp lượng khí gas tự nhiên rất lớn cho Tây Ban Nha và Nhật Bản. Trong thời gian này, Qatar cũng đa dạng hóa các khách hàng cần nhiên liệu của mình.

Những thay đổi đã giúp nguồn tiền lớn đổ về quốc gia nhỏ bé này. Trong vòng 15 năm, GDP đầu người của Qatar đã tăng vọt.

Đê tránh rơi vào tình cảnh hết tài nguyên là hết tiền, Qatar bắt đầu đa dạng hóa nền kinh tế. Năm 1998, chính phủ xây dựng Education City, một quần thể rộng lớn với 6 trường đại học của Mỹ và 2 trường đại học của châu Âu, đồng thời cho xây những trung tâm nghiên cứu.

Ngoài ra, Qatar cũng tận dụng nguồn thu từ dầu khi để tạo ra một quỹ phòng hộ. Hiện nay, quỹ này có tới 170 tỉ USD.

Tới năm 2003, Qatar thành lập quỹ đầu tư Qatar với mục đích biến nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt thành những khoản đầu tư mới. QIA đã đầu tư rất lớn vào các tổ chức Quốc tế nổi tiếng như Barclays Bank, Credit Suisse, Harrods, Porsche, Volkswagen, và nắm cổ phần chi phối tại câu lạc bộ bóng đá PSG (Pháp).

Thông qua QIA, Qatar còn trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của bất động sản tại Luân Đôn. Qatar sở hữu The Shard, tòa nhà cao nhất Tây Âu, cũng như nhiều thành phố nổi tiếng khác.

Trung tâm tài chính Qatar được xây dựng vào năm 2005 để phát triển ngành dịch vụ tài chính của Qatar. Quốc gia này tin rằng mình có thể trở thành nơi thống lĩnh dịch vụ tài chính cho các quốc gia vùng Vịnh nhờ vào nguồn vốn lớn và luôn duy trì ổn định của mình.

Năm 2006, Qatar qua mặt Indonesia trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới với doanh thu từ dầu và khí chiếm tới 60% tổng GDP. Tuy nhiên, quốc gia này cũng gặp phải sự cạnh tranh từ các quốc gia lớn khác như Mỹ và Australia.

Mặc dù vậy, Qatar vẫn quá thành công với chiến lược của mình. Năm 2010, khi giành được quyền đăng cai tổ chức World Cup 2022, Qatar cam kết sẽ cho xây dựng 12 sân vận động với công nghệ làm mát để tránh không khí quá nóng tới các cầu thủ. Từ năm 2000, khi đăng cai thế vận hội, 58 tòa nhà chọc trời đã được xây dựng, cùng với đó là bảo tàng, sân vận động, những công trình quy mô lớn, và rất nhiều thứ khác. Nó cho thấy, Qatar đang muốn quảng bá hình ảnh của mình và sớm trở thành một trung tâm về thương mại - du lịch.

Trong quá trình xây dựng, Qatar bị cáo buộc nhiều lần vì hanh vi ngược đãi lao động nhập cư và hối lộ các quan chức FIFA để giành được quyền đăng cai.

Liệu Qatar có thể trở thành một Hồng Kông của Trung Đông, hay nó sẽ sớm quay trở lại thành một quốc gia nghèo đói khi cạn kiệt tài nguyên? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM