Ông Đặng Thành Tâm: “3 năm gần đây KBC không vay một đồng nào từ ngân hàng”

30/03/2015 13:40 PM | Kinh doanh

Theo kế hoạch đã được cơ cấu, năm 2015 KBC sẽ trả 838 tỷ đồng tiền gốc, 102 tỷ đồng tiền lãi. Tính đến thời điểm hiện tại 30.3.2015 thì KBC đã thanh toán cho ngân hàng thêm 56 tỷ đồng.

Nội dung nổi bật:

- Đến 31.12.2014, tổng nợ của KBC đã giảm đi hơn 1725 tỷ đồng so với thời điểm 31.12.2013.

- Năm 2014 riêng công ty mẹ đã trả nợ gốc vay 1.170 tỷ đồng và 236 tỷ đồng lãi vay và phí liên quan.

-Theo kế hoạch đã được cơ cấu, năm 2015 KBC sẽ trả 838 tỷ đồng tiền gốc, 102 tỷ đồng tiền lãi. Tính đến thời điểm hiện tại 30.3.2015 thì KBC đã thanh toán cho ngân hàng thêm 56 tỷ đồng.


Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã chứng khoán KBC) vừa có công văn công bố thông tin về các khoản nợ của KBC lên UBCK Nhà nước, HoSE đồng thời nhằm làm rõ về tình hình nợ nần của KBC đến các cổ đông.

Theo ông Tâm thì vừa qua trên một số phương tiện truyền thông đã phản ánh thông tin chưa đầy đủ, do đó KBC đã có báo cáo giải trình “Khoản nợ của KBC”:

Theo đó, tại thời điểm 31/12/2014, số Nợ phải trả của KBC trên báo cáo hợp nhất là trên 6.792,3 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2013 giảm trên 825,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong năm 2014 do phát sinh 900 tỷ đồng tiền thu được từ phát hành trái phiếu chuyển đổi, do chưa chuyển đổi nên tạm thời được ghi tăng vào khoản nợ ngắn hạn. Đây là khoản tiền đã chuyển thành vốn (không còn nợ tại thời điểm 23.1.2015). Như vậy, trên thực tế đến 31.12.2014, tổng nợ của KBC đã giảm đi hơn 1725 tỷ đồng so với thời điểm 31.12.2013.

Ông Tâm nhấn mạnh, suốt 3 năm gần đây cho đến hết 2014 KBC hoàn toàn không vay thêm ngân hàng một đồng nào. Do năm 2014 là thời hạn đến hạn trả nợ 3.000 tỷ đồng trái phiếu (công ty mẹ là 2.700 tỷ đồng, công ty con 300 tỷ đồng), khoản nợ này được xếp vào khoản Nợ ngắn hạn vào thời điểm đầu năm vì được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ từ 3 lên 5 năm.

Vì thế mà khoản nợ lại được chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn. Điều này đã dẫn đến một số hiểu lầm là KBC trong năm đã tăng vay ngân hàng. Trong số tổng nợ 6792 tỷ đồng, thực tế Nợ ngân hàng hợp nhất của KB là: 3.024 tỷ đồng (trong đó của công ty mẹ là 2.291 tỷ đồng). Trong năm, riêng công ty mẹ đã trả nợ gốc vay 1.170 tỷ đồng và 236 tỷ đồng lãi vay và phí liên quan.

Cũng theo KBC, các khoản khác còn lại ngoài nợ vay ngân hàng trong tổng nợ 6792 tỷ, là những khoản không tạo ra áp lực trả nợ cho KBC như 900 tỷ đồng đang ghi nhận mục vay nợ ngắn hạn sẽ chuyển thành vốn;

Khoản 408 tỷ đồng (tiền ứng trước) đây là khoản (đặt cọc của khách hàng) sẽ tạo ra doanh thu cho KBC trong tương lai, khoản đặt cọc giả thiết 40% giá trị hợp đồng thì sẽ tạo ra hơn 1000 tỷ đồng doanh thu cho tương lai;

Chi phí phải trả 1.423 tỷ đồng (trong đó bao gồm: (a) khoản tiền trích trước giá vốn cho phần đất bán đã ghi nhận doanh thu là 641 tỷ, khoản tiền này thực chất là khoản tiền được sử dụng tái đầu tư cho doanh nghiệp, đây là đặc thù việc ghi nhận giá vốn đối với kinh doanh KCN; (b) khoản tiền chi phí lãi vay phải trả 782 tỷ đồng, đây là khoản tiền lãi phải trả của một số khoản trái phiếu phát sinh trong những năm qua, đã được ngânhàng xem xét cho thanh toán sau khi thanh toán hết nợ gốc trái phiếu, số tiền này được thanh toán kéo dài đến năm 2019;

Thuế thu nhập hoãn lại là 383 tỷ đồng, đây là khoản thuế tính trước (do công ty ghi nhận doanh thu 1 lần, nhưng thuế thu nhập được chia đều cho số năm còn lại của vòng đời dự án khoảng trên 40 năm).

Như vậy, theo tính toán của KBC thì trong tổng số nợ phải trả chỉ có 55% là nợ thực ngân hàng, và được cơ cấu gia hạn nợ từ 3 -5 năm.

Theo kế hoạch đã được cơ cấu, năm 2015 KBC sẽ trả 838 tỷ đồng tiền gốc, 102 tỷ đồng tiền lãi. Tính đến thời điểm hiện tại 30.3.2015 thì KBC đã thanh toán cho ngân hàng thêm 56 tỷ đồng và số tiền còn phải thu của toàn bộ các hợp đồng đã ký của cả tập đoàn ước đạt khoảng 700 tỷ đồng.

Tại thời điểm 23/01/2015 KBC chuyển đổi 1200 tỷ trái phiếu thành cổ phiếu. Vì vậy, Tổng nguồn vốn của KBC sau khi chuyển đổi trái phiếu sẽ là 6.553 tỷ đồng do tăng thêm 800 tỷ đồng trị giá cổ phiếu chuyển đổi và 377,4 tỷ đồng thặng dư. Đồng thời Tổng nợ phải trả giảm từ 6792 tỷ đồng xuống 5.892 tỷ đồng.

Do đó, theo ông Tâm thì tình hình tài chính của KBC là khá tốt so với một số doanh nghiệp lớn cùng ngành, trong khi tình hình kinh doanh của KBC từ đầu năm diễn ra khả quan.

>> Chuyên gia sinh tồn Đặng Thành Tâm

Theo Nam Long

Cùng chuyên mục
XEM