Những thương vụ IPO hấp dẫn

26/03/2015 16:07 PM | Kinh doanh

Không chỉ Đạm Cà Mau, một số DNNN cũng đã thành công ngay trong phiên bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Nội dung nổi bật:

- Vẫn có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phần những DNNN, nhưng do tỷ lệ sở hữu nhà nước vẫn còn áp đảo đã khiến cho các nhà đầu tư lớn e ngại.

- Để thu hút NĐT thì DN phải tiến hành niêm yết nhanh chóng sau CPH để tạo tính thanh khoản cho NĐT.


Tại diễn đàn M&A năm ngoái, trong khi nhiều tập đoàn, tổng công ty (TCT) lớn được nhắc đến như những cơ hội vàng khiến bao NĐT khao khát, một NĐT Nhật Bản lại bày tỏ quan điểm rằng, những DNNN tại địa phương cũng có sức hút đáng kể NĐT, đặc biệt là NĐT ngoại. Một trong hai cái tên được NĐT Nhật Bản đề cập đều ở tại TP.HCM và đã thực hiện CPH vào năm rồi.

Năm 2014, Benthanh Tourist (một trong 2 công ty con mà Tổng công ty Bến Thành sở hữu 100% vốn) kỷ niệm 25 năm thành lập đồng thời đánh dấu một sự kiện quan trọng khác, tháng 9/2014, Benthanh Tourist tổ chức IPO.

Đây được xem là đợt IPO có lượng đặt mua cao hơn hẳn lượng chào bán, với sự tham gia của NĐT tổ chức, cá nhân. Theo đó, đã có 47 NĐT đăng ký mua với tổng khối lượng cổ phần hơn 49,24 triệu, trong khi lượng đấu giá công khai chỉ khoảng 5,93 triệu cổ phần, ứng với 23,73% vốn điều lệ.

Đồng thời, giá đấu bình quân ở vào khoảng 21.482 đồng/cổ phần, gấp đôi so với giá khởi điểm 10.500 đồng/cổ phần. Được biết, tổng giá trị cổ phần thu được sau phiên IPO là 127,4 tỷ đồng.

Sau đợt IPO này, Benthanh Tourist dự kiến sẽ bán 5,9 triệu cổ phần cho NĐT chiến lược. Hiện tại, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phan Thành và Công ty CP Thương mại Địa ốc - Vietcomreal đã đăng ký mua cổ phần tại Benthanh Tourist.

Theo chuyên gia của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, vẫn có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phần những DNNN, nhưng do tỷ lệ sở hữu nhà nước vẫn còn áp đảo đã khiến cho các nhà đầu tư lớn e ngại. Bởi, mục tiêu đầu tư là phải tham gia vào khâu quản trị DN, tái cơ cấu để tăng hiệu quả DN sau CPH, nắm thực quyền.

Sở dĩ đợt IPO của Benthanh Tourist thành công là do NĐT đánh giá cao tiềm năng của DN này. Trước hết, ngoài hệ thống tài sản hiện hữu (2 khách sạn, nhà hàng, đầu tư tài chính vào các dự án bất động sản lớn...) thì ở lĩnh vực lữ hành, Benthanh Tourist đứng thứ 3 trong số 10 DN lớn về dịch vụ lữ hành nội địa (năm 2013), mảng kinh doanh cốt lõi này luôn đóng góp từ 40 - 50% tổng doanh thu của Công ty.

Ngoài Benthanh Tourist, năm 2015, Công ty TNHH MTV Phát triển Nhà Bến Thành cũng sẽ tiến hành IPO sau khi hoàn tất việc xác định giá trị DN nhằm chuẩn bị cho lộ trình CPH Tổng công ty giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đợt tổng kết hoạt động năm 2014, ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết, năm 2015, Saigontourist sẽ CPH 2 công ty con (TCT sở hữu 100% vốn). Toàn bộ giá trị thu được sau phiên IPO nhằm mở rộng mạng lưới cơ sở lưu trú do Công ty sở hữu.

Chẳng những công ty con mà trên thực tế, các NĐT tổ chức trong nước và nước ngoài khá quan tâm đến sự kiện CPH 2 TCT: Bến Thành và Saigontourist. Bởi, ở khía cạnh nào đó, hai DN này đang sở hữu nhiều bất động sản có giá trị tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác.

Chẳng hạn, với TCT Bến Thành, tính đến năm 2013, DN này sở hữu hơn 32.000m2 văn phòng, 48.000m2 mặt bằng bán lẻ, 27 nhà hàng và 1.614 phòng khách sạn từ 3 - 5 sao. Trong khi, Saigontourist sở hữu 44 khách sạn, khu du lịch, 8 nhà hàng...

Các NĐT, đặc biệt là NĐT chiến lược, quyết định tham gia đấu giá bất kỳ phiên IPO của DNNN nào cũng đều có những toan tính nhất định. Có những công ty cùng ngành, muốn mua cổ phần để mở rộng quy mô hoạt động, có DN nhòm ngó phần tài sản hữu hình, chủ yếu là BĐS của tổ chức IPO.

Theo ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cáp và Vật liệu Viễn thông (Sacom, MCK: SAM), Công ty đăng ký mua toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinamotor, xuất phát từ việc muốn mở rộng ngành nghề kinh doanh bên cạnh ngành cốt lõi.

Song, dù với lý do gì thì CPH DNNN chính là động lực để DN phát triển. Nhưng để thu hút NĐT thì DN phải tiến hành niêm yết nhanh chóng sau CPH để tạo tính thanh khoản cho NĐT.

Nói về lợi ích của CPH, ông Trắc dẫn chứng Sacom, với xuất phát điểm là Nhà máy Cáp và vật liệu viễn thông (Sacom), DNNN thành lập vào năm 1986 thuộc Tổng cục Bưu điện. Năm 1998, Công ty CPH, từ số vốn 1,6 tỷ đồng năm 1996, sau CPH, Sacom tăng VĐL lên 120 tỷ đồng và sau 17 năm CPH, VĐL của DN này đạt 1.370 tỷ đồng.

Với cổ đông VNPT, đại diện phần vốn nhà nước, sau khi thoái vốn hoàn toàn khỏi Sacom (tháng 6/2014), từ 132 tỷ đồng ban đầu, sau hơn 10 năm giữ vai trò cổ đông lớn tại Sacom (khi Sacom niêm yết vào năm 2003, VNPT nắm 37,63% vốn điều lệ tại đây đến năm 2014 còn 31%), họ đã thu về hơn 800 tỷ đồng.

Đại diện của Sacom cũng cho biết, sau khi VNPT thoái hoàn toàn vốn tại Sacom, Công ty nhắm đến mục tiêu tăng VĐL lên 2.500 tỷ đồng, để tham gia M&A từ các thương vụ thoái vốn của DNNN, vì đây cũng là cơ hội để nắm bắt những khoản đầu tư tốt.

>> IPO doanh nghiệp Nhà nước: Thách thức trong năm 2015

Theo NGUYÊN BẢO-DUY KHUÊ

ipo

Cùng chuyên mục
XEM