Những con sóng nhấn chìm nhà đầu tư trong năm Giáp Ngọ
Bất ngờ luôn là vẻ đẹp muôn thuở của TTCK. Khi mà đại đa số các nhà đầu tư cho tới các chuyên gia đều nghĩ rằng Vnindex sẽ đạt 650; 700 thậm chí 800 vào cuối năm thì những con sóng xuất hiện đã nhấn chìm thành quả của rất nhiều nhà đầu tư đã đạt được trong năm.
Năm Giáp Ngọ chuẩn bị qua đi với quá nhiều biến cố trên TTCK. Mặc dù thị trường trong năm qua có sự tăng trưởng về điểm số, tuy nhiên không ít nhà đầu tự lại cảm thấy năm qua quả thực là một năm “khó nhằn”. Thậm chí thua lỗ không còn là chuyện lạ mặc dù thị trường tăng điểm.
Biển Đông nổi sóng, thị trường chứng khoán tạo đáy tháng 5
Sau nhịp tăng điểm mạnh vào đầu năm Giáp Ngọ, TTCK Việt Nam đã đối diện với con sóng mang tên Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Kết hợp với đà giảm trước đó của thị trường đã khiến Vnindex rơi tự do 33 điểm trong ngày 8/5. Nhiều nhà đầu tư e ngại và hoạt động rút vốn diễn ra trên toàn thị trường. Sau đó Vnindex tiếp tục rơi thêm khoảng 20 điểm nữa và tạo đáy vào ngày 13/5/2014.
Tính chung trong giai đoạn 10/4 – 13/5, chỉ hơn 1 tháng chỉ số Vnindex rơi gần 100 điểm, tương ứng 17%, một mức giảm tương đối mạnh.
Giá dầu bất ngờ lao dốc
Giá dầu lao dốc mạnh ảnh hưởng tới lợi nhuận các doanh nghiệp dầu khí
Giá dầu khí trên thế giới bắt đầu quá trình lao dốc từ tháng 7/2014 đã khiến TTCK thế giới bị ảnh hưởng nặng nề và TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ. Giá dầu WTI đã có thời điểm sụt giảm hơn 50%, xuống mức 45 USD/ thùng vào những ngày đầu năm 2015 và hiện đang loanh quanh ở mốc 51USD/ thùng.
Bất chấp việc nguồn thu của dầu khí hiện chỉ chiếm 10% tổng thu ngân sách và Việt Nam vừa là nước xuất, vừa là nước nhập khẩu dầu khí và các sản phẩm thì TTCK Việt Nam vẫn có đợt điều chỉnh nặng nề.
Nhóm cổ phiếu dầu khí là đầu tầu kéo thị trường đi lên sau đợt biển Đông thì cũng là tác nhân chính kéo thị trường đi xuống. Việc giá dầu liên tục giảm khiến lợi nhuận kỳ vọng của các doanh nghiệp dầu khí cũng bị hạ thấp xuống. Những mã cổ phiếu họ dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC… thị giá đều sụt giảm 30- 50% kể từ đỉnh thiết lập được vào đầu tháng 9.
Không chỉ diễn ra ở nhóm cổ phiếu dầu khí, thị trường chung cũng sụt giảm mạnh trong giai đoạn này. Vnindex rơi từ đỉnh 645 xuống mức đáy 513 vào ngày 17/12/2014. Với diễn biến tiêu cực ngoài dự đoán của thị trường đã khiến nhiều kịch bản dự báo Vnindex sẽ đạt 700 điểm vào cuối năm tan tành theo mây khói.
Lùm xùm xung quanh việc bắt giam lãnh đạo các tổ chức tín dụng
Những năm gần đây, các thông tin xung quanh việc bắt giam các lãnh đạo ngân hàng, các doanh nghiệp lớn liên tục diễn ra và nó ảnh hưởng khá lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngày 29/7/2014, thông tin ông Phạm Công Danh, chủ tịch HĐQT ngân hàng xây dựng Việt Nam (VNCB) bị bắt giam khiến nhiều người e sợ thị trường chứng khoán sẽ lại chao đảo như những gì đã diễn ra trước đây. Tuy nhiên tác động của thông tin này có vẻ không khiến thị trường ảnh hưởng lớn và trong giai đoạn này, Vnindex vẫn duy trì được đà tăng giá với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu dầu khí.
Tiếp theo là vụ việc ông Đỗ Tất Ngọc- Nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam ( Agribank) bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Và mới đây nhất là vụ bắt tạm giam ông Hà Văn Thắm- nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Đại Dương ( Ocean bank) để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo điều 179 Bộ Luật hình sự.. Vụ việc xảy ra vào tháng 10/2014 và đã khiến cổ phiếu OGC của tập đoàn Đại Dương tụt giảm mạnh và hiện nay đang giao dịch quanh mức giá 5000đ, giảm khoảng 60% so với trước khi vụ việc xảy ra.
Thông tư 36 chính thức ban hành
Vào cuối tháng 11/2014, sau nhiều đồn đoán, ngân hàng nhà nước đã chính thức ban hành thông tư 36/TT-NHNN với nội dung Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động Tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2015.
Đáng chú ý trong đó có quy định về tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (trước đó là 20% tính cả trái phiếu). Ngoài ra, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán khi đáp ứng được đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Mặc dù thông tư ra đời giúp dòng vốn chảy vào TTCK lành mạnh hơn về dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn việc ra đời của thông tư đã khiến thị trường phản ứng khá tiêu cực do lo ngại dòng tiền margin đổ vào thị trường sẽ bị hạn chế. Chỉ số Vnindex liên tiếp giảm điểm trong giai đoạn cuối tháng 11 đến nửa đầu tháng 12 với mức giảm khá mạnh khi thông tư 36 được ban hành và trong những phiên giao dịch trước tết nguyên đán, thị trường khá trầm lắng khi thông tư chính thức có hiệu lực.
Câu chuyện nới room và TPP vẫn là của… năm sau
Nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính là chất xúc tác khiến thị trường nổi sóng đầu xuân Giáp Ngọ. Nhưng có lẽ vấn đề mà nhiều nhà đầu tư rất quan tâm này phải chờ đến năm sau hoặc thậm chí… năm sau nữa.
Theo chủ tịch ủy ban chứng khoán thì việc nới room sớm nhất cũng phải đợi đến tháng 6/2015. Như vậy có thể hy vọng năm Ất Mùi- 2015 việc nới room cho khối ngoại sẽ thành hiện thực mặc dù thông tin về việc nới room đã xuất hiện từ vài năm nay nhưng vẫn chưa tiến triển gì.
Còn đối với hiệp định đối tác xuyên thái bình dương TPP thì trong năm 2015 hiệp định có được ký kết hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ và chưa có lời giải đáp.
Việc 2 vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm không được thực hiện trong năm 2014 vừa qua cũng phần nào làm hụt hẫng giới đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nếu hiệp định TPP và việc nới room cho khối ngoại được chính thức diễn ra trong năm 2015 thì đó sẽ là động lực to lớn thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm mới Ất Mùi- 2015.
>> Ai kiên định với chứng khoán, sẽ tìm thấy kim cương
Theo Hoàng Anh