Ai kiên định với chứng khoán, sẽ tìm thấy kim cương!

04/02/2015 10:29 AM | Kinh doanh

“Khi quyết định mở cửa để phát hành ra có nghĩa là bản thân cá nhân tôi phải giảm tỷ lệ xuống. những người như tôi là người sáng lập doanh nghiệp thì phải biết là mình phải chia sẻ quyền sở hữu, quyền quyết định.”

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện lên sàn và những được mất.

Chia sẻ quyền lợi để đạt được thành công

“Năm 2008, Tập đoàn Hoa Sen niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Năm sau đó, HSG quyết định đầu tư Nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ với tổng đầu tư hơn 4.000 tỷ. Khi đầu tư dự án thì chúng tôi phát hành được khoảng hơn 500 tỷ”, ông Vũ nhớ lại.

“Có thể nói rằng nếu năm 2009, Hoa Sen không phát hành được hơn 500 tỷ đó, chúng tôi chắc đã đầu tư Nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ. Để thấy rằng lợi ích trên thị trường chứng khoán là sự thật. Tổng tài sản của HSG thời điểm đó tăng lên rất nhiều”, chủ tịch HSG cho biết.

Thời điểm đó doanh số của HSG mới có 3.000 tỷ. Đến năm 2010 doanh số của HSG lên 5.000 tỷ, năm 2011 lên 8.000 tỷ, 2012 lên 10.000 tỷ, 2013 xấp xỉ 12.000 tỷ. Kết thúc năm tài chính vừa rồi doanh thu của HSG là 15.000 tỷ. Như vậy trong vòng 5 năm doanh thu HSG tăng gấp 5 lần.

Theo ông Vũ, nhìn vào lịch sử hàng trăm năm từ thị trường chứng khoán thế giới, nếu không có chứng khoán thì không có sự phát triển của kinh tế thế giới ngày nay, đó là kênh huy động vốn tốt nhất cho doanh nghiệp để đầu tư và phát triển.

Tuy nhiên, ông chủ Hoa Sen cũng phải thừa nhận rằng thị trường cũng có mặt trái, nhưng chỉ là nhỏ chứ không phải cơ bản.

“Khi quyết định mở cửa để phát hành ra có nghĩa là bản thân cá nhân tôi phải giảm tỷ lệ xuống. Những người như tôi là người sáng lập doanh nghiệp thì phải biết là mình phải chia sẻ quyền sở hữu, quyền quyết định. Phải chia sẻ quyền sở hữu để đạt được mục tiêu cao hơn!”, ông Vũ cho biết.

Thị trường chứng khoán quyết định sự minh bạch

Chủ tịch HSG cũng đưa ra một điểm cộng nữa của thị trường chứng khoán đó là nơi quyết định sự minh bạch của doanh nghiệp.

Ông cho rằng nếu một nền kinh tế mà các doanh nghiệp không minh bạch thì chắc chắn quản lý nhà nước rất khó khăn. Lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường "sút kém", điều đó vô cùng nguy hiểm. Do đó, thị trường là cơ chế tốt nhất để giám sát sự minh bạch và bảo đảm doanh nghiệp hoạt động minh bạch hơn, đặc biệt là minh bạch có yếu tố tác động đến an toàn sức khỏe của nền kinh tế.

Nên chúng ta có quy định doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa phải niêm yết, để thay vì chính phủ quản lý thì để thị trường quản lý.

Nếu kiên định, sẽ tìm thấy vàng, kim cương

Ông Vũ cho rằng trong 10-20 năm nữa, Đông Nam Á sẽ là khu vực tăng trưởng năng động mạnh mẽ nhất thế giới. Theo đó, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ, Châu Âu thậm chí Trung Quốc đã tăng trưởng cao thì tích lũy tư bản thế giới sẽ đổ về Đông Nam Á.

“Những tác động mang tính xu thế như vậy thì kinh tế Việt Nam với lực lượng trẻ được đào tạo tốt trong vòng 10 - 20 năm nữa chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh. Vấn đề là chúng ta đang chờ một cơ chế, hiện nay kinh tế đang trong giai đoạn nén. Mà khi nền kinh tế đã bung mạnh thì thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ mạnh”, ông đánh giá.

Đại diện Hoa Sen nhấn mạnh chứng khoán là kênh huy động vốn tốt nhất của doanh nghiệp. Nếu người nào kiên định với chứng khoán, đầu tư một cách khôn ngoan, tỉnh táo đến một lúc nào đó sẽ có được cơ hội vàng, thậm chí là kim cương!

>> Khơi nguồn vốn chứng khoán: 5 năm nay toàn ... bản lề

Theo HUYỀN TRÂM

Cùng chuyên mục
XEM