Nhiều tập đoàn đa quốc gia rút lui khỏi Trung Quốc
Việc các doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang mang lại cơ hội cho những quốc gia châu Á khác, nơi có giá nhân công rẻ hơn.
Tại một góc nhà máy của công ty sản xuất quần áo Lever Style Inc. ở thành phố Thâm Quyến, những chiếc máy may từng làm ra những chiếc áo cho các nhãn hiệu lớn như Armani Collezioni, John Varvatos và Hugo Boss... giờ đang bám đầy bụi.
Những chiếc máy may của hãng sản xuất quần áo Lever Style tại Trung Quốc giờ đang bị bỏ không.
Điều đó cũng là dễ hiểu khi trong 2 năm qua, số nhân viên của Lever Style tại Trung Quốc đã giảm tới 1/3 chỉ còn 5.000 người và kết quả là một lượng lớn máy may đã bị bỏ không. Bên cạnh đó, Lever Style đã dần chuyển cơ sở sản xuất sang các nước châu Á khác để tận dụng giá nhân công rẻ hơn. Hồi tháng 4, Công ty đã bắt đầu chuyển mảng sản xuất may mặc cho chuỗi bán lẻ Nhật Uniqlo sang Việt Nam, nơi mức lương có thể chỉ bằng phân nửa so với Trung Quốc. Lever Style cũng đang thử dời bộ phận sản xuất cho chuỗi cửa hàng Nordstrom Inc. sang Ấn Độ.
Vấn đề sống còn
Chuyển cơ sở sản xuất giờ là một vấn đề sống còn đối với Lever Style. Sau 1 thập kỷ với mức tăng lương trung bình gần 20%/năm tại Trung Quốc, Lever Style cho biết đã không thể tạo ra lợi nhuận tại thị trường này. “Sản xuất kinh doanh tại miền Nam Trung Quốc giỏi lắm là hòa vốn”, Stanley Szeto, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lever Style, nói.
Để giải quyết bài toán chi phí, Công ty đã chuyển hướng chiến lược kinh doanh. Đó là tập trung vào mảng mạnh nhất - giúp khách hàng phát triển các mẫu quần áo và dần chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Theo họ, việc chuyển sản xuất sang Việt Nam có thể giúp giảm giá tới 10% trên mỗi sản phẩm may mặc. Đó là điều rất hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ Mỹ, vốn có biên lợi nhuận trung bình chỉ 1-2%, theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ. Lever Style dự kiến vài năm tới, 40% quần áo Hãng sản xuất cho Uniqlo sẽ đến từ Việt Nam và 60% từ Trung Quốc.
Không chỉ Lever Style, mà nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc từ nhà sản xuất các mặt hàng da Coach (Mỹ) cho đến nhà sản xuất giày Crocs (Mỹ) cũng đang chuyển một phần sản xuất sang các nước khác khi Trung Quốc ngày càng kém cạnh tranh, một phần do mức lương không ngừng tăng cao. Việc chuyển cơ sở sản xuất cho phép các công ty không phải tăng giá bán để giữ chân khách hàng.
Tại Crocs, chỉ có 65% lượng giày dự kiến được sản xuất tại Trung Quốc trong năm nay, giảm từ mức 80% của năm ngoái. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Coach cho biết sẽ giảm sản xuất tại Trung Quốc xuống còn chỉ 50% vào năm 2015, từ mức hơn 80% của năm 2011. Lý do là để không quá phụ thuộc vào một thị trường.
Uniqlo cũng cho biết Công ty đang sản xuất 70% quần áo tại Trung Quốc nhưng dự kiến sẽ giảm sản xuất tại đây xuống còn chỉ 50% chủ yếu là để cắt giảm chi phí.
Thách thức lớn
Việc chuyển một phần sản xuất ra nước ngoài là chuyện được dự báo trước, thậm chí được Chính phủ Trung Quốc khuyến khích khi nền kinh tế nước này chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao để lột xác như Hàn Quốc và Nhật từng làm.
“Chúng tôi biết rằng không thể mãi dựa vào lợi thế giá rẻ mà cần phải tăng giá trị cộng thêm cho sản phẩm”, phát ngôn viên Shen Danyang của Bộ Thương mại nói. Dòng vốn FDI vào Trung Quốc dường như đang đi theo xu hướng này: Trong khi FDI vào khu vực sản xuất giảm 6,2% trong năm 2012, đầu tư vào khu vực dịch vụ (không tính bất động sản) đã tăng 4,8%.
Tuy nhiên, việc Chính phủ Trung Quốc bớt tập trung vào lĩnh vực sản xuất sẽ tạo sức ép rất lớn cho nền kinh tế. Sức ép là nước này phải nhanh chóng đẩy mạnh lĩnh vực dịch vụ cũng như tạo ra các công việc sản xuất đòi hỏi tay nghề cao hơn để bù đắp vào phần công việc được chuyển sang các nước khác.
“Nếu chi phí tiếp tục tăng, mà Trung Quốc vẫn không thể cải tiến hơn hoặc phát triển công nghệ của riêng mình thì số công việc tạo ra sẽ không đủ để bù đắp cho số việc làm bị chuyển sang nước ngoài”, Andrew Polk, chuyên gia kinh tế của Conference Board (một tổ chức nghiên cứu cho các tập đoàn Mỹ và châu Âu) ở Bắc Kinh, nhận xét. Khi đó, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ khó được duy trì.
Trong khi đó, đối với các nước châu Á, xu hướng chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc là cơ hội cho họ. Có thể thấy, mặc dù Trung Quốc vẫn là nước nhận được lượng vốn FDI nhiều nhất trong số các nước đang phát triển, đạt tới 111,72 tỉ USD trong năm 2012, nhưng con số này đã giảm 3,7% so với cách đó 1 năm. Trong khi FDI vào Trung Quốc giảm, vốn FDI chảy vào Thái Lan năm 2012 tăng tới khoảng 63% so với năm trước; Indonesia, tăng 27% trong 9 tháng đầu năm 2012.
Các doanh nghiệp châu Á chiếm phần lớn mức giảm đầu tư tại Trung Quốc. Đầu tư từ 10 nền kinh tế châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Macau, Nhật, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Hàn Quốc) năm 2012 đã giảm 4,8% và chiếm tới khoảng 82% tổng vốn đầu tư vào Trung Quốc.
Một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình thoái lui khỏi Trung Quốc là Nhật. Đầu tư của Nhật vào Trung Quốc đã tăng 16% năm ngoái, nhưng nhiều công ty Nhật đang tìm kiếm các thị trường khác để tránh những rủi ro có thể xảy ra tại Trung Quốc, nhất là sau những căng thẳng chính trị giữa 2 nước (dẫn đến việc hàng Nhật bị tẩy chay tại Trung Quốc).
Việt Nam đang là một trong những điểm đến của doanh nghiệp Nhật. Năm qua, đầu tư của Nhật vào Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, một phần do các doanh nghiệp Nhật đang nỗ lực tìm kiếm thị trường thay thế cho Trung Quốc. Tại Thái Lan và Việt Nam, Nhật là nước rót vốn nhiều nhất. Còn tại Indonesia, nước này cũng chỉ đứng hàng thứ hai sau Singapore.
Tuy nhiên, việc chuyển sản xuất sang các nước châu Á không có nghĩa là các doanh nghiệp đã từ bỏ Trung Quốc. Một cuộc khảo sát khoảng 300 thành viên của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc cho thấy 58% cho biết Trung Quốc vẫn nằm trong top 3 nước ưu tiên đầu tư, tăng từ 47% của năm 2011. Thế nhưng, chỉ 20% cho biết Trung Quốc là lựa chọn số 1, so với 31% của năm 2011.
Theo Đàm Hoa
Theo Nhịp cầu đầu tư/WSJ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!