Nhà đầu tư tố Shiseido Việt Nam cố tình kinh doanh lỗ

10/11/2011 09:16 AM |

Hơn 10 năm góp công sức, tiền của đưa thương hiệu Shiseido đến với phụ nữ Việt, 15 nhà đầu tư cho rằng ông chủ mới đang cố tình kinh doanh lỗ.

Hơn 10 năm góp công sức, tiền của đưa thương hiệu Shiseido đến với phụ nữ Việt, 15 nhà đầu tư cho rằng ông chủ mới đang cố tình kinh doanh lỗ, gây thiệt hại cho các cửa hàng có phần góp vốn của họ trong hệ thống.

Trước năm 2010, Công ty Thủy Lộc là đơn vị nhập khẩu và phân phối mỹ phẩm Shiseido (nguồn gốc Nhật Bản) tại thị trường Việt Nam. Song hành với Thủy Lộc là 15 nhà đầu tư cùng góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trong 25 cửa hàng Shiseido trên toàn quốc, 15 cửa hàng có phần vốn góp của các nhà đầu tư này, từ 30 đến 60%. Công ty Thủy Lộc nắm quyền điều hành, các cổ đông ngoài việc hưởng lãi theo định kỳ cũng tham gia hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm khách hàng...

Từ đầu năm 2010, Công ty Thủy Lộc chuyển giao quyền điều hành, quản lý Shiseido tại Việt Nam cho Công ty TNHH mỹ phẩm Shiseido Việt Nam (SCV). Mọi rắc rối xuất phát từ đây.

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty Thủy Lộc là bà Lê Hoài Anh cho biết: "Thủy Lộc có đề nghị SCV mua lại nốt những phần trăm vốn góp của cổ đông tại các cửa hàng của chúng tôi. Tuy nhiên, SCV từ chối mà chỉ mua quyền phân phân phối, nhập khẩu của Thủy Lộc và vẫn giữ nguyên hiện trạng các nhà đầu tư này".

Không trả lời thực chất đã mua cái gì từ phía Thủy Lộc và có biết sự hiện diện của 15 nhà đầu tư trong hơn 10 năm qua, Tổng giám đốc SCV Tatsuki Nagao cho biết nội dung hợp đồng chuyển giao quyền điều hành với Thủy Lộc liên quan trực tiếp đến kinh doanh 2 bên và là "đối tượng bảo mật của thỏa thuận bảo mật".

Tuy nhiên, biên bản cuộc họp giữa SCV với nhóm nhà đầu tư ngày 1/11 ghi rõ quan điểm của SCV: "Các đối tác này chỉ có quan hệ với Thủy Lộc theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trên cơ sở pháp lý, Shiseido không có quan hệ gì với đối tác của Thủy Lộc. Shiseido không điều hành kinh doanh tại các cửa hàng trong hệ thống ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Thủy Lộc".

Phía 15 nhà đầu tư cho rằng mình phải được hiểu là đối tác kinh doanh nhãn hiệu Shiseido thông qua Thủy Lộc, mà hiện tại do SCV trực tiếp điều hành. Bởi theo họ, thời gian qua có sự phân biệt đối xử giữa cửa hàng có vốn góp của cổ đông và những cửa hàng do SCV sở hữu 100% vốn.

Đơn cử như cửa hàng Shiseido tại các trung tâm thương mại (Vincom, Parkson, Diamond...) trực thuộc SCV doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng nhưng chi phí hàng thử ở các shop này chỉ 4-5 triệu đồng. Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ có vốn cổ đông doanh số 400-500 triệu đồng lại quy kết chi phí hàng thử tới hơn 10 triệu. Chi phí hạch toán cao làm hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng có vốn góp cổ đông bị giảm sút.

Ngoài ra, chương trình khuyến mãi cũng không áp dụng trên toàn hệ thống mà chỉ bó hẹp ở một số cửa hàng không có phần vốn góp của nhóm nhà đầu tư. "Rất nhiều khách quen đã chuyển sang các nơi có chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà để mua sắm", một cổ đông cho biết. Các cửa hàng của SCV doanh số tăng cao, trong khi những nơi có vốn góp của nhóm nhà đầu tư này lại bị giảm doanh thu, thậm chí thua lỗ, khác hẳn với thời kỳ kinh doanh cùng Thủy Lộc đều đạt doanh số cao đều đặn.

Chính vì vậy, nhóm nhà đầu tư cho rằng "SCV cạnh tranh không lành mạnh", đẩy các cửa hàng có vốn góp kinh doanh của cổ đông thua lỗ, dẫn tới mất vốn và dễ dàng thôn tính. "Trước đây, các cửa hàng có vốn góp của chúng tôi tăng trưởng mỗi năm 15-20%. Song, khi SCV quản lý, các cửa hàng này đều giảm doanh số còn về tổng thể kinh doanh của SCV tại VN lại tăng", đại diện nhóm cổ đông cho biết.

Bà Nguyễn Thu Sơn, một trong 15 cổ đông góp vốn thành lập các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Shiseido dẫn chứng, cửa hàng Đồng Khởi 6 tháng đầu năm nay lỗ hơn 377 triệu đồng, trong khi cùng kỳ 2008 (thời kỳ Thủy Lộc điều hành) được chia lãi hơn 492 triệu đồng. Cửa hàng Thuận Kiều, nửa năm nay cổ đông chỉ được chia 12 triệu, trong khi cùng kỳ 2008 là 719 triệu đồng. Lý do bà nhận được từ SCV là do giá thuê mặt, chi phí đầu vào tăng cao, doanh thu thấp. Song, theo bà Sơn, việc chi phí phát sinh cao hơn mọi năm không khiến doanh số giảm mạnh như thế.

"Tuy những cửa hàng này có phần vốn góp trước đây là Thủy Lộc (nay giao lại cho SCV), khi kinh doanh thua lỗ, bản thân họ cũng nhưng chúng tôi không được chia lãi. Song, điều này chỉ thiệt hại cho nhóm cổ đông. Bởi SCV khi phân phối lại sản phẩm cho các cửa hàng chúng tôi đã có lời", bà cho biết.

Nhóm nhà đầu tư còn bức xúc việc SCV thiếu tôn trọng khi tự ý di dời cửa hàng có vốn góp của họ đến nơi mới mà không bàn bạc và được sự nhất trí của cổ đông, tăng chi phí bất hợp lý, chậm trả lãi cổ đông, cố tình kinh doanh lỗ... và yêu cầu được bồi thường. Trường hợp không được đáp ứng, họ sẽ khởi kiện.

Ông Tatsuki Nagao bác bỏ yêu cầu bồi thường vì cho rằng "không có cơ sở thuyết phục. SCV không có ý định thu lợi nhuận bằng cách hy sinh quyền lợi người khác".

Theo bà Hoài Anh, Thủy Lộc vẫn còn trách nhiệm liên đới với nhóm nhà đầu tư, song chỉ dừng lại ở việc có ý kiến với SCV, phản ánh những bức xúc của cổ đông chứ không thể làm nhiều hơn. Lý do là quyền điều hành, quản lý hệ thống cửa hàng nay thuộc về SCV. Đầu tháng 11, nhóm cổ đông này đã gửi thư đến Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam để "nhờ xem xét một cách thấu đáo".

Theo Bạch Hường

VnExpress

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM