Nếu bạn đã 29 tuổi mà vẫn thất nghiệp, hãy nhìn tỷ phú Jack Dorsey
Nếu bạn đã 29 tuổi mà chưa có gì trong tay thì cũng đừng buồn bởi không bao giờ là quá muộn để bạn bắt đầu một chương mới, thành công cho cuộc đời của mình.
Không tin ư? Hãy nhìn vào cuộc đời của Jack Dorsey.
Jack Dorsey, đồng sáng lập Twitter - tỷ phú nắm trong tay 2,3 tỷ USD, khởi nghiệp khá muộn. Năm 2005, Dorsey 29 tuổi, vừa bỏ học ở Đại học New York, thường mặc một chiếc áo T-shirt với số điện thoại của anh in ở mặt trước và một chiếc khuyên ở mũi. Sau ba tháng viết phần mềm cho một công ty nhỏ, anh chuyển tới sống trong một căn hộ nhỏ ở San Francisco. Ngay cả một cửa hàng bán giày có tên Camper cũng từ chối nhận anh vào làm.
Nắm bắt cơ hội
Cơ hội thành tỷ phú tới với anh vào một buổi sáng khi anh đang ngồi ở Caffe Centro đường South Park. Khi Dorsey đang ngồi nghe nhạc trên laptop anh nhìn thấy Evan Williams bước vào quán. Williams, 33 tuổi, là một nhân vật có chút tiếng tăm trong làng công nghệ San Francisco. Vài năm trước, anh ta đã bán dịch vụ viết nhật ký Blogger của mình cho Google với giá vài triệu USD. Hiện tại, Williams sử dụng số tiền này để đầu tư vào công ty mới có tên Odeo chuyên sản xuất podcast.
Odeo đã phát triển khá mạnh nhưng mọi chuyện trở nên phức tạp sau khi Apple công bố sẽ thêm podcast vào iTunes, một động thái khiến Odeo trở nên vô dụng. Cuối năm 2005, Williams và Glass bắt đầu không có sự thống nhất về tương lai của công ty. Williams là người không quyết đoán và muốn đóng cửa công ty trong khi Glass thường khuyến khích nhân viên Odeo đưa ra những ý tưởng mới nhằm tìm ra giải pháp cho công ty.
Ý tưởng biến Odeo thành Twitter xuất hiện sau một đêm thảo luận trong cơn say của Dorsey và Glass. Ngay sáng hôm sau, họ trình bày ý tưởng với cả nhóm và bắt tay vào việc xây dựng Twitter. Glass chủ trì dự án, viết kịch bản và lên danh sách những tính năng của trang web. Stone phụ trách mảng thiết kế, Dorsey và một lập trình viên khác, Florian Weber, phụ trách viết code.
Sóng ngầm
Những tháng ngày sau đó, Twitter phát triển không ngừng và sóng ngầm cũng chưa bao giờ dừng bên trong nó. Đầu tiên, Dorsey làm mọi cách để khiến Williams phải đưa ra quyết định loại Glass ra khỏi công ty. Glass sau đó phải cuốn gói rời Twitter, công ty mà ông đồng sáng lập, trong cay đắng. Sau khi Glass rời đi, Dorsey thay anh giữ chức CEO.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau chính William lại muốn Dorsey nhường lại chức vụ CEO. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, William chiếm vị trí CEO còn Dorsey được bổ nhiệm làm chủ tịch. Thực tế Dorsey đã bị Twitter sa thải mà chẳng ai biết bởi trên danh nghĩa anh vẫn là chủ tịch. Tuy nhiên, anh không có quyền biểu quyết trong các quyết định của công ty.
Trong khoảng thời gian đó, Facebook đang muốn mua lại Twitter. Một ngày sau khi bị truất quyền, Dorsey đã gọi cho Zuckerberg để bí mật cho CEO của Facebook biết tình hình. Zuckerberg khiến Dorsey ngạc nhiên khi hỏi liệu thương vụ mua lại Twitter có thể cứu vãn vụ sa thải hay không? Dorsey trả lời không nên Zuckerberg chuyển từ kế hoạch mua lại Twitter sang kế hoạch thuê Dorsey.
Dorsey đã gặp Chris Cox, giám đốc sản phẩm của Facebook, tại quán Coffee Philz. Hai bên trò chuyện khá nghiêm túc nhưng chưa thể chốt được chức vụ cụ thể cho Dorsey nếu anh gia nhập Facebook. Zuckerberg muốn Dorsey gia nhập Facebook trước sau đó mới suy nghĩ tới việc chọn chức vụ cụ thể cho anh.
Sau khi suy nghĩ kỹ, Dorsey từ chối Zuckerberg. "Chúng ta sẽ tiếp tục bàn về vấn đề này nếu cậu tìm thấy vị trí phù hợp cho tôi", Dorsey nói với Zuckerberg. "Tôi cũng sẽ suy nghĩ về điều đó".
Năm 2011, Dorsey trở lại vị trí Chủ tịch điều hành của Twitter sau khi Dick Costolo nhận chức CEO thay thế Williams. Tháng 6/2015, Costolo tuyên bố anh sẽ từ chức CEO Twitter từ ngày 1/7/2015. Từ đó tới nay, Dorsey nắm giữ vị trí CEO của Twitter. Bên cạnh đó, Dorsey còn giữ chức CEO của Square, một hãng thanh toán di động do chính anh sáng lập ra vào năm 2010.