Năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long sẽ “đói” lúa, tôm vì biến đổi khí hậu

11/09/2015 16:59 PM | Kinh doanh

Trong tương lai không xa, biến đổi khí hậu có thể đẩy không ít doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu và có thể dẫn đến phá sản.

Trong tương lai không xa, biến đổi khí hậu có thể đẩy không ít doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu và có thể dẫn đến phá sản. 

Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn đối thoại chính sách: “Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, các nguy cơ đối với doanh nghiệp vùng ĐBSCL” được tổ chức ngày 11/9 tại Thành phố Cần Thơ.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho biết với kịch bản nước biển dâng cao 1m thì khả năng từ năm 2050 trở đi, diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL sẽ “mất” đi khoảng 2 triệu ha so với con số hơn 4 triệu ha hiện nay.

“Điều này, đồng nghĩa sản lượng lúa của vùng cũng sẽ bị sụt giảm từ 25 triệu tấn/năm như hiện nay, xuống chỉ còn mười mấy triệu tấn/năm và như vậy sản xuất lúa của chúng ta sẽ chỉ đủ để ăn thôi, chứ không có dư để xuất khẩu nữa”, ông Lam cho biết.

Theo ông Lam, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng sẽ làm sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ sụt giảm nghiêm trọng. “Thực tế, những năm gần đây, doanh nghiệp chúng ta đã phải nhập khẩu tôm và một số loại thủy sản khác để chế biến xuất khẩu rồi”, ông Lam cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng, cho biết nước biển dâng, xâm nhập mặn đã khiến đời sống của không ít hộ dân khu ở vực ven biển gặp rất nhiều khó khăn do cây trồng, vật nuôi chưa thể thích ứng, phát triển được nữa.

Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, làm nguyên liệu sụt giảm sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp hoạt động ở cùng lĩnh vực sẽ cạnh tranh nhau trong thu mua nguyên liệu và như vậy có thể “giết” lẫn nhau.

Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, thừa nhận trong năm ngoái, doanh nghiệp ông phải rất nổ lực mới có đủ nguồn khóm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu vì phần lớn diện tích khóm của doanh nghiệp trồng đã bị hư hại do khô hạn và xâm nhập mặn.

Đứng ở góc độ quản lý, ông Lam của VCCI Cần Thơ, cho biết xét về mặt kinh tế học, khi nguồn cung nguyên liệu bị thiếu, thì giá sẽ tăng lên do doanh nghiệp tranh nhau mua.

“Điều này có nghĩa, doanh nghiệp ngoài chuyện cạnh tranh ở thị trường quốc tế, ứng phó với rào cản thương mại và vấn đề về công nghệ như thông lệ, thì phải cạnh tranh lẫn nhau để giành nguyên liệu và như vậy rất có thể doanh nghiệp sẽ tự 'giết' nhau luôn”, ông Lam cảnh báo.

Trong khi đó, theo ông Diễn của VCCI Đà Nẵng, không chỉ doanh nghiệp chế biến bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu…, rất có thể cũng sẽ thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa theo.

Để tránh những bất lợi nêu trên, theo ông Diễn, cần phải giảm ngay sử dụng nguyên liệu hóa thạch và tăng cường sử dụng nguyên liệu xanh, thân thiện với môi trường để giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, các nhà quản lý cần nghiên cứu và lựa chọn ra một mô hình sản xuất, chuyển đổi cây trồng…,  nào đấy sao cho phù hợp với quá trình thay đổi của biến đổi khí hậu, giúp ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Huỳnh Văn

Cùng chuyên mục
XEM