Bill Gates: Ai phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu?
"Những người nông dân tại các nước nghèo sẽ phải hứng chịu những tổn thất nặng nề nhất. Tuy nhiên, bản thân tôi tin tưởng rằng, thế giới có thể phòng tránh được những hậu quả khủng khiếp này nếu chúng ta hành động ngay bây giờ."
Vợ chồng tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates và Melinda Gates vốn nổi tiếng vì những chuyến đi từ thiện khắp năm châu. Suốt bao năm qua, quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates đã tài trợ cho không biết bao nhiêu dự án chăm sóc y tế và xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu.
Nhà sáng lập Microsoft, đồng thời, liên tục kêu gọi các cá nhân, tổ chức trên thế giới hỗ trợ tài chính nhằm tăng cơ hội học tập cũng như tiếp cận công nghệ cao cho những người dân ở các quốc gia kém và đang phát triển.
Gần đây, trên blog của mình, Bill Gates đã đề cập tới vấn đề đang gây lo ngại đối với tất cả các quốc gia – Biến đổi khí hậu, với sự hối thúc tất cả mọi người cùng hành động để giảm thiểu hậu quả của việc này.
Nguyên văn bài viết của Bill Gates:
“Vài năm trước đây, Melinda và tôi đã đến thăm những gia đình trồng lúa gạo tại làng Bihar, Ấn Độ - nơi vừa trải qua một đợt lũ khủng khiếp. Những người nông dân thật khốn khổ với kế mưu sinh duy nhất là trồng lúa. Khi cơn bão ập đến, nước sông dâng cao và tràn lên như muốn cuốn trôi hết mùa màng của họ. Tuy vậy, họ vẫn tiếp tục đánh cược số phận của mình vào những vựa lúa vốn có thể bị phá hủy bất cứ lúc nào.
Khi trắng tay, những con người nghèo khó này lại lang bạt ở những thành phố, làm những công việc kỳ lạ để nuôi sống gia đình. Cứ thế, họ ngày càng nghèo đi, khi không còn nơi nào dừng chân lại quay trở về làng và tiếp tục cấy lúa.
Sau chuyến thăm này, chúng tôi có thể nhìn nhận rõ tình cảnh của hầu hết những người làm nông nghiệp tại các quốc gia kém và đang phát triển. Họ không được tiếp cận với loại giống hay phân bón tốt nhất, những ứng dụng công nghệ tân tiến nhất hay cách xây dựng thủy lợi để đảm bảo an toàn cho mùa vụ. Không có ai hướng dẫn cho họ sử dụng bảo hiểm như ở các nước giàu có, vậy là chỉ cần thiên tai xảy ra, những người này sẽ chìm sâu trong nghèo đói.
Hiện nay, thay đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là những nông dân. Nhiệt độ tăng cao trong vài thập kỷ qua gây ra những thiệt hại cho mùa màng. Các giống cây gần như không thể phát triển tốt do thời tiết khắc nghiệt, mưa quá nhiều hoặc quá ít. Hơn nữa, trong điều kiện môi trường nóng như vậy, các loài sâu bệnh có thể sinh sôi nảy nở và phá hoại cây trồng.
Người làm nông nghiệp tại các nước phát triển đương nhiên cũng hứng chịu những thay đổi này, nhưng họ luôn có cách để xoay xở và được chính phủ hỗ trợ. Họ có thể chuyển sang trồng những giống cây chịu được hạn hán, sử dụng những loại phân bón được cải tiến để tăng năng suất và bảo vệ mình nhờ những hợp đồng bảo hiểm.
Trong khi đó, ở một thế giới khác, những nông dân nghèo nhất đang ngày ngày oằn mình trước sự khắc nghiệt của khí hậu, ngày ngày đối mặt với nguy cơ tất cả tài sản và vốn liếng của mình trở về con số không.
Thực tế, không chỉ có người nông dân bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên nhiên này mà đây sẽ trở thành vấn đề chung của thế giới.
Với dân số tăng dần qua các năm, các nhà khoa học ước tính đến năm 2050, nhu cầu thực phẩm toàn cầu sẽ tăng hơn 60% so với hiện tại trong khi sản lượng nông phẩm tiếp tục giảm. Các tổ chức lương thực trên thế giới đang đứng ngồi không yên trước tình hình này. Nếu không có giải pháp kịp thời, hơn một nửa thế giới sẽ rơi vào tình trạng đói khổ.
Tuy nhiên, bản thân tôi tin tưởng rằng, thế giới có thể phòng tránh được những hậu quả khủng khiếp này nếu chúng ta hành động ngay bây giờ.
Mặc dù biến đổi khí hậu đã gây ra những mất mát đáng kể trong vài thập kỉ qua, nhưng chúng ta vẫn chưa có những cách thức hợp lí để giải quyết và phòng chống, qua đó bảo vệ cho người nông dân, những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Như tôi đã từng đề cập trong một bài viết vào tháng 7 vừa qua, các chính phủ cần nhanh chóng đầu tư cho những dự án sử dụng năng lượng sạch nhằm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và nhiệt độ tăng cao.
Chúng ta phải nhìn nhận vào sự thật, rằng đã quá muộn để có thể ngăn chặn những ảnh hưởng của việc Trái Đất nóng lên. Thậm chí nếu ngay tuần sau, thế giới phát hiện ra một nguồn năng lượng sạch thì cũng phải tốn rất nhiều thời gian để người dân có thể thay đổi thói quen sử dụng khí đốt từ các nhiên liệu truyền thống, để chuyển sang dùng nguyên liệu không thải ra carbon.
Có một vài thông tin lạc quan khi các công cụ có thể cải thiện năng suất hiện nay đều bắt nguồn từ những thứ rất quen thuộc với người nông dân để họ có thể thích nghi được dễ dàng. Khi có giống và phân bón tốt, cũng như những kỹ thuật công nghệ hiện đại và được hỗ trợ tài chính, họ có thể kiếm thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Hiện nay, quỹ Gates và các đối tác đang cùng nghiên cứu và phát triển những hạt giống mới có thể chịu đựng được thời kì hạn hán hay lũ lụt. Những người nông dân tôi gặp tại Bihar hiện đang trồng một giống lúa mới, với biệt danh là “thợ lặn”. Những cây lúa này hoàn toàn có thể phát triển cho dù bị ngập nước. Các giống khác với những đặc thù như chịu hạn, nóng hoặc lạnh, thậm chí có thể sống được trong môi trường đất gặp vấn đề hay bị nhiễm mặn, đều đang được nghiên cứu để đưa vào trồng trọt.
Tất cả những nỗ lực trên nhằm thay đổi cuộc sống của những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất từ thiên nhiên. Những người làm nông có thể dễ dàng tăng sản lượng của mình lên hai đến ba lần nếu được áp dụng những kĩ thuật khoa học tân tiến nhất. Chúng ta sẽ vô cùng vui mừng khi những người này thậm chí có thể bước chân vào tầng lớp khá giả trong xã hội. Nền tảng tài chính sẽ giúp họ có thể tiếp tục đầu tư vào mùa màng, cho con cái học hành đầy đủ, tiếp cận những nền văn minh hiện đại để có thể bảo vệ chính mình trước sự khó lường của thiên tai.
Tất nhiên, chúng ta không thể đoán trước được tất cả những gì mà họ sắp phải gánh chịu mà chỉ có thể cố gắng hết sức nghiên cứu ra những công cụ để chuẩn bị đối diện với tương lai. Một trong những phát minh thú vị nhất hiện nay là công nghệ vệ tinh đang được sử dụng ở châu Phi. Các nhà kha học ứng dụng công nghệ này vào việc tạo ra bản đồ cây trồng, có khả năng phát hiện những loại giống đang phát triển tốt trên thế giới để đưa về quốc gia của họ.
Công nghệ có tuyệt vời đến mấy cũng trở nên vô ích nếu không đến được với những người nông dân. Đó là lý do các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt One Arc Fund đang làm việc hết mình để nông dân có thể tiếp cận sớm nhất với những cải tiến khoa học. One Arc Fund đang hợp tác chặt chẽ với cộng đồng các nước châu Phi nhằm đẩy mạnh tài trợ, đào tạo cũng như cung cấp công cụ để giúp người dân nâng cao năng suất. Hiện tổ chức này đang hỗ trợ cho hơn 200 nghìn nông dân và mong muốn đẩy con số này lên mức 1 triệu vào năm 2020.
Melinda và tôi đặt cược châu Phi sẽ có thể tự nuôi sống mình trong vòng 15 năm tới. Và dù khí hậu có thay đổi, chúng tôi vẫn kiên định với quan điểm của mình.
Đúng vậy, cuộc đời của những người nông dân vô cùng mong manh. Chỉ cần một chút sai lệch và thay đổi có thể khiến họ rơi vào nghèo đói. Tôi biết thế giới sẽ có những cách thức để giúp đỡ họ đối mặt với những thách thức ở cả hiện tại và tương lai. Quan trọng nhất, tôi biết chính những người nông dân cũng đang cố gắng làm điều đó."