Mở siêu thị: Ai hốt tiền, ai phá sản?

01/12/2013 10:46 AM | Kinh doanh

Một loạt DN trong lĩnh vực bất động sản, tài chính ngân hàng, sản xuất hàng tiêu dùng... bỗng ồ ạt nhảy vào thị trường bán lẻ khiến nhiều hoài nghi: đây đang là ngành “hái ra tiền” hay chỉ đầu tư theo phong trào?

Nội dung nổi bật:

- Ocean Group, Sơn Hà và VIngroup đang mạnh tay đổi tiền vào lĩnh vực siêu thị.

- Lý do khiến các DN nhảy vào lĩnh vực bán lẻ được cho là bởi thị trường Việt Nam sẽ còn tăng trưởng vì dân số đông, kinh tế phát triển hơn kéo theo đời sống của người dân nâng cao. So với các thị trường lân cận, kênh bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chưa đến 20%.

- Tuy nhiên, cũng không ít người nghi ngờ: liệu đây có phải là kiểu đầu tư theo phong trào, giống như trước đây khi thấy bất động sản, chứng khoán bùng nổ thì tất cả đều lao vào?


Sau bất động sản là siêu thị?

Công ty CP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail), thành viên của tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), mới đây đã khai trương siêu thị Ocean Mart thứ 5 tại Hà Nội. DN này lên kế hoạch khá tham vọng là đến cuối 2015 sẽ có 70 siêu thị đi vào hoạt động và trở thành một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất toàn quốc.

Tập đoàn Vingroup cũng chính thức công bố đầu tư phát triển hệ thống VinKC (Vin Kids Center), đánh dấu sự thâm nhập vào thị trường bán lẻ của "ông lớn" chuyên về bất động sản và khách sạn.

Tập đoàn Sơn Hà mới đây đã khai trương đại siêu thị Hiway thứ 2 tại Hà Nội và cho biết sẽ “phủ sóng” cả nước với 20 đại siêu thị trong vòng 5 năm tới.

Lý do khiến các DN nhảy vào lĩnh vực bán lẻ được cho là bởi thị trường Việt Nam sẽ còn tăng trưởng vì dân số đông, kinh tế phát triển hơn kéo theo đời sống của người dân nâng cao. So với các thị trường lân cận, kênh bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chưa đến 20%.

Bên cạnh đó, một số mô hình bán lẻ hiện đại vẫn chưa phát triển (cửa hàng tiện lợi, siêu thị chuyên ngành... ). Đây là cơ hội phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Trên thực tế, dù kinh tế khó khăn thì tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ cả nước vẫn đạt trên 2,32 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011. Trong đó, kinh doanh thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 14,8%. Con số này cho thấy ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn hết sức hấp dẫn.

Hàng loạt các DN bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam và đang rất thành công trong kinh doanh. Chẳng hạn như Big C.

Thời gian tới, còn rất nhiều DN bán lẻ nước ngoài sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam - đây là "miếng bánh ngon", không thể để các DN ngoại chiếm hết.

Hơn nữa, đây cũng chính là sự chuyển đổi mô hình kinh doanh mới, nằm trong quá trình tái cấu trúc DN.

Đầu tư theo phong trào?

Tuy nhiên, cũng không ít người nghi ngờ: liệu đây có phải là kiểu đầu tư theo phong trào, giống như trước đây khi thấy bất động sản, chứng khoán bùng nổ thì tất cả đều lao vào?

Có phải do bất động sản hiện đang trầm lắng không bán được, mặt bằng thương mại không cho thuê được, giá thuê giảm, tín dụng tăng trưởng thấp... nên các DN tận dụng, chuyển luôn sang mở siêu thị?

Nhưng với các DN nội, liệu rót vốn đầu tư vào siêu thị có là "bánh vẽ"?
Các phân tích cho thấy, để kinh doanh bán lẻ thành công không hề dễ, nhất là với DN Việt Nam. Thực tế đã chứng minh trên thị trường bán lẻ Việt Nam, DN ngoại đầu tư vào thì sống khỏe, còn DN nội đầu tư thì “chết” la liệt.

DN nội - dù có ngân hàng đứng đằng sau - cũng không nhiều vốn bằng DN ngoại, nên khả năng hợp tác với các nhà cung cấp hay các địa phương để phát triển sản phẩm, đưa vào bán trong hệ thống siêu thị thành công không nhiều.

Hơn nữa, do không trường vốn, quy mô các siêu thị không lớn, khó mua sản phẩm với số lượng lớn nên giá cao, ít mặt hàng, khó cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Kinh doanh siêu thị hiện đại đòi hỏi một hệ thống hậu cần (logistics) chuyên nghiệp, điều này cũng chỉ có ở các DN nước ngoài. Ví dụ: Metro Cash&Carry từ khi vào Việt Nam đến nay đã chi 20-25 triệu Euro trang bị hệ thống cung ứng hàng (kho lạnh, xe chuyên dụng, thiết bị kiểm tra, bảo quản hàng hóa...).

Với DN nội, công tác hậu cần cho hệ thống phân phối như kho bảo quản, các kho lạnh, xe tải chuyên dùng thiếu đồng bộ, chưa đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Việc tổ chức cung ứng hàng hoá chủ yếu là có gì bán nấy, chưa xây dựng được vùng cung cấp nguồn hàng ổn định để tiêu thụ. Tính chủ động trong hợp tác liên kết, liên doanh thu mua, tiêu thụ hàng hoá còn rời rạc.

Ở nhiều siêu thị của Việt Nam luôn diễn ra tình cảnh tranh cãi nhau về việc trung tâm phân phối hoặc nhà cung cấp không giao đủ hàng bán trong dịp lễ, Tết mà chưa có biện pháp nào để khắc phục. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà còn làm gia tăng chi phí lao động cũng như quản lý.

Một trong những điểm yếu kém lớn của DN bán lẻ trong nước đó là thiếu chiến lược dài hạn. Các DN bán lẻ nước ngoài khi vào Việt Nam đã bắt tay xây dựng ngay thương hiệu riêng cũng như hợp tác với các nhà sản xuất, kể cả nông dân, để cung cấp hàng hoá cho họ - việc này ở các DN Việt Nam là rất chậm và khá manh mún. Hệ thống thương mại bán lẻ của Việt Nam tuy đã có nhiều, nhưng còn mang nặng tính đại lý, thu lợi nhuận thấp.

Theo các chuyên gia, việc hướng tới những lĩnh vực kinh doanh mới với mong muốn đem lại hiệu quả là cần thiết, nhưng nếu cứ chạy theo phong trào, đầu tư tràn lan, theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn và thiếu bền vững, chắc chắn lại sớm lâm vào cảnh khó khăn.

Theo Trần Thủy

duchai

Cùng chuyên mục
XEM