Máy ảnh phim hết thời, Fujifilm đi bán... thuốc chữa Ebola
Hãng phim máy ảnh huyền thoại một thời - Fujifilm hiện "kiếm cơm" bằng việc sản xuất... thuốc và mỹ phẩm.
Trong một tấm hình chụp trên tạp chí mới đây tại Nhật Bản, chủ tịch tập đoàn Fujifilm là Shigetaka Komori mặc chiếc áo choàng trắng dùng trong phòng thí nghiệm, trên tay cầm một chiếc ống nghiệm.
Komori không phải một nhà khoa học vì vậy những hình ảnh này đã cho thấy rõ việc thương hiệu phim máy ảnh huyền thoại của Nhật Bản này đang chuyển đổi sang ngành công nghệ khoa học khác: Sản xuất thuốc chữa Ebola, tinh dầu chống lão hóa và nghiên cứu tế bào.
Trong suốt một thập kỷ qua, Komori đã khác biệt hóa Fujifilm thành một doanh nghiệp hoàn toàn mới trước bối cảnh mảng sản xuất phim cho máy ảnh của hãng gặp khó khăn và chứng kiến sự phá sản của đối thủ Kodak.
Chủ tịch Fujifilm Corp. Shigetaka Komori:
Năm nay, Fujifilm báo cáo lợi nhuận kỉ lục lên tới 119 tỷ yen (tương đương 950 triệu USD) và các chuyên gia phân tích hy vọng mùa xuân năm sau con số này sẽ tăng hơn 5%.
Tháng trước, họ tuyên bố mua lại 100 tỷ yen cổ phiếu – mức cao nhất trong lịch sử.
Hiện tại, CEO 75 tuổi của công ty còn đang lên kế hoạch liều lĩnh tham gia vào những lĩnh vực mạo hiểm hơn nữa.
Cụ thể, họ đang lên kế hoạch dành hơn 400 tỷ yen cho các thương vụ mua lại đến năm 2017, thêm danh mục sản phẩm và lấn sâu hơn vào thị trường chăm sóc sức khỏe. Trong số những ý tưởng mới mà ông Komori đang thử nghiệm có cả máy lọc khí thiên nhiên và nuôi cấy tế bào gốc có khả năng tái sinh các mô trong cơ thể con người.
“Tôi sẽ không nói Fujifilm đã dành chiến thắng. Thật khó khăn cho bất kỳ công ty nào để tuyên bố như vậy bởi mọi thứ đang thay đổi quá nhanh chóng. Chúng tôi vẫn chỉ đang tiếp tục nỗ lực”.
Y học tái tạo
Trong một bài phỏng vấn tại trụ sở ở Tokyo của Fujifilm, Komori đã nói về tham vọng của ông và những bước tiếp theo trong kế hoạch tái cấu trúc công ty – bao gồm cả việc tăng gấp đôi doanh thu mảng chăm sóc sức khỏe lên 1 nghìn tỷ yen đến năm 2018.
Một phần của nhiệm vụ này, theo ông sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi mảng y học tái tạo – tức là việc sử dụng tế bào và các phương pháp khác để sửa chữa những phần bị hư hỏng trong cơ thể con người.
Gần đây, môi trường pháp lý của Nhật Bản đối với vấn đề này cũng được nới lỏng hơn. Cụ thể, chính quyền của ông Shinzo Abe đã xoá bỏ một vài quy tắc cứng nhắc trước đó, biến Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tạo ra sản phẩm tái sinh trên thị trường.
Tháng 3, Fujifilm đã đồng ý chi 307 triệu USD để mua lại nhà sản xuất iPS - một loại tế bào gốc là Cellular Dynamics International có trụ sở tại Mỹ. Một mảng kinh doanh khác của Fujifilm có tên Japan Tissue Engineering đang tạo ra những sản phẩm tái tạo sụn và da thường được dùng bởi những bệnh nhân bị bỏng.
“Hãy nghĩ về nó như thế này: Chúng tôi là một công ty chuyên xử lý các tế bào gốc”, Yuzo Toda - nhà hóa học được Komori tin tưởng giao cho trọng trách lãnh đạo mảng mỹ phẩm và dược phẩm của tập đoàn nói.
Thay đổi hay là chết
Thực tế công cuộc lột xác của Fujifilm diễn ra từ khoảng một thập kỷ trước khi máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh bắt đầu trở nên phổ biến. Dù đã nỗ lực thay đổi và cải tiến công nghệ phim cho máy ảnh nhưng cuối cùng Komori nhận ra rằng công nghệ sinh học và dược phẩm mới có thể mang lại cuộc cách mạng và tạo đà tăng trưởng cho tập đoàn.
Dòng sản phẩm chăm sóc da thương hiệu Astalift của Fujifilm
Kể từ sau đó, dưới sự dẫn dắt của Komori, Fujifilm đã mua lại nhiều hãng dược phẩm bao gồm cả Toyama Chemical - nhà sản xuất thuốc kháng virus đã được sử dụng bởi một số bệnh nhân mắc Ebola vào năm ngoái.
Bản thân các nhà đầu tư cũng hoan nghênh những thay đổi mang tính chiến lược này của tập đoàn và bằng chứng là năm qua, giá cổ phiếu của hãng đã tăng tới 70%. “Tôi đánh giá cao nỗ lực của Fujifilm khi đa dạng hoá doanh thu từ những mảng kinh doanh như y học tái tạo và mỹ phẩm. Để tiếp tục phát triển trong thời gian tới, họ cần thực hiện nhiều thương vụ mua lại hơn và mở rộng thêm liên minh hợp tác”, chuyên gia Minoru Matsuno nói.
Thực tế không chỉ Fujifilm, nhiều công ty công nghệ khác của Nhật Bản cũng đang cố gắng tự đổi mới. Hãng sản xuất máy nghe nhạc Walkman Sony cũng đang dần chuyển đổi thành nhà cung cấp bộ cảm biến camara cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh. Trong khi đó, tập đoàn Panasonic cũng thành lập mảng kinh doanh chuyên cung cấp pin cho hãng sản xuất xe điện Tesla.
Thậm chí, Fujifilm được cho là may mắn hơn những công ty khác trong công cuộc cách mạng hoá. Ví dụ điển hình là Sharp, tượng đài một thời của Nhật Bản hiện vẫn đang loay hoay tìm lối thoát khi mảng kinh doanh màn hình LCD của họ trên bờ vực phá sản.
Điểm khác biệt duy nhất có lẽ là bởi nhà lãnh đạo của Fujifilm đã sớm nhận ra rằng "mọi thứ đang thay đổi rất nhanh chóng" và rằng họ cần thay đổi, cần tiếp tục nỗ lực cố gắng, tiến về phía trước.