Mặt hàng nông nghiệp nào sẽ "phất" sau khi Việt Nam gia nhập TPP?

17/11/2015 10:31 AM | Kinh doanh

TPP chắc chắn không thể nào là “chiếc đũa thần” mang đến thay đổi đột biến cho nông nghiệp Việt Nam nếu Việt Nam không nhanh chóng giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại

Sai lầm của chính sách công nghiệp tác động đến nông nghiệp

Theo Phó giáo sư Tiến sỹ Võ Trọng Khải, nguyên hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 tại thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay khó khăn, khó phát triển sản xuất trên quy mô lớn có nguyên nhân một phần từ chính sách phát triển công nghiệp sai lầm. Nếu tình trạng này tiếp diễn, sức cạnh tranh của ngành rất yếu thời kỳ hậu TPP cũng là điều dễ hiểu.

Theo tiến sỹ Khải, cho đến nay Việt Nam phát triển chính sách công nghiệp theo hướng sử dụng quá nhiều sức lao động của con người mà chưa chú trọng đến áp dụng công nghệ để người lao động đỡ vất vả. Chính vì vậy, phần lớn lao động chỉ có thể đủ sức khỏe làm việc đến độ tuổi khoảng ngoài 40 thì đã bị chủ doanh nghiệp sa thải. Khi đó, họ lại phải quay về với công việc đồng ruộng để kiếm kế sinh nhai, chính vì vậy, đất nông nghiệp thường bị chia rất nhỏ.

Bản thân ông đã từng chứng kiến tại nhiều tỉnh trong cả nước, chỉ trong phạm vi khoảng vài chục hecta nhưng có đến 7,8 loại cây trồng khác nhau, cách canh tác cũng mỗi nơi mỗi kiểu chính vì vậy năng suất và chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Ngoài ra, ông cho rằng Việt Nam thiếu một chính sách phát triển ngành nông nghiệp một cách tổng thể dựa theo đặc điểm sinh thái của từng vùng, phát triển cây trồng nông nghiệp đến nay chủ yếu dựa trên ý muốn chủ quan của người nông dân.

Cũng theo quan điểm của tiến sỹ Khải, rõ ràng cần thừa nhận hiện nay Việt Nam đang tồn tại một nền nông nghiệp độc hại. Trong thời gian tới, cần nhanh chóng lành mạnh hóa đầu vào cho thị trường nông nghiệp bởi hiện nay nguồn thức ăn, thuốc trừ sâu và giống đều rất kém, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sản phẩm đầu ra.

Ngoài ra, việc hỗ trợ cho công nhân tại các nhà máy yên tâm làm việc để họ không cần phải quay lại làm nông nghiệp cũng rất quan trọng. Điều đó sẽ giúp tập trung được đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn.

Mặt hàng nông nghiệp nào được lợi thời kỳ hậu TPP?

Còn theo ông Đỗ Huy Thiệp, Trưởng phòng Phân tích Định lượng, Trung tâm Tư vấn chính sách Nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn (IPSARD) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, không nên quá kỳ vọng rằng TPP sẽ là chiếc “đũa thần” đối với ngành nông nghiệp Việt Nam mà thậm chí nên dè chừng với nhiều thách thức.

Ông dẫn một số liệu khảo sát mới đây do ADB thực hiện và công bố cho thấy, chỉ 30% doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được những ưu đãi của các hiệp định thương mại. Với TPP, có thể tỷ lệ trên trong ngành nông nghiệp sẽ rất thấp. Lý do chính là bởi phần lớn các nước thuộc TPP đã ký kết hợp định thương mại song phương hoặc đa phương với Việt Nam nên thuế áp đối với các sản phẩm nông nghiệp đã thấp từ trước khi vào TPP.

Ví dụ như với mặt hàng gạo, hiện nay, thuế nhập khẩu áp với gạo Việt Nam khi vào thị trường Malaysia là 20% còn với Singapore là 0%. Hậu TPP, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Malaysia sẽ có thể chỉ tăng trong vài năm và sau đó sẽ giảm đi, lý do là bởi chính phủ quốc gia này cũng đang rất cố gắng đến năm 2020 sẽ đảm bảo 100% tự cung gạo.

Nhiều người đang kỳ vọng về việc xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật thế nhưng điều này còn tùy thuộc vào hạn ngạch của phía Nhật cấp cho Việt Nam là bao nhiêu. Việt Nam đang phải xuất gạo vào thị trường Nhật với mức thuế áp lên đến 300%.

Việt Nam cần tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu gạo mới trong nhóm các nước thuộc TPP, đó có thể là Mexico hay Braxin. Thị trường Mêhicô được cho là rất tiềm năng bởi hiện nay Mexico đang nhập khẩu đến 90% tổng lượng gạo tiêu thụ trong nước.

Xuất khẩu gỗ và tiêu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt thời hậu TPP bởi hiện nay dù mức thuế còn cao nhưng nhiều thị trường thuộc TPP đã nhập mạnh hàng Việt Nam. Đối với các sản phẩm gỗ, ông Thiệp nhấn mạnh cần cẩn trọng với việc doanh nghiệp Trung Quốc sẽ xuất bán thành phẩm vào Việt Nam sau đó mua giấy chứng nhân xuất xứ Việt Nam để bán vào thị trường các nước thuộc TPP.

Đối với các sản phẩm thịt, thịt lợn thịt gà, theo dự báo của ông Thiệp, chắc chắn sẽ vẫn có chỗ đứng khá tốt trên thị trường sau khi Việt Nam vào TPP bởi thói quen tiêu dùng thịt sống của người Việt Nam. Sản phẩm thịt gà thịt lợn đông lạnh nếu vào Việt Nam sẽ chủ yếu phục vụ cho các bếp ăn tập thể của các nhà máy, công xưởng có quy mô lớn chứ khó chen được vào thói quen tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên rất đáng để lo ngại về sự tồn tại của ngành chăn nuôi bò bởi ngay từ những năm gần đây, nhập khẩu thịt bò vào Việt Nam đã tăng chóng mặt. Năm 2012, Việt Nam mới chỉ nhập 3500 con bò thì con số này đến năm 2014 sẽ là 170 nghìn con. Nguồn bò nhập vào Việt Nam chủ yếu là Úc.

Theo ông Thiệp, đối tượng các hộ nông dân sản xuất, chăn nuôi quy mô trung bình và lớn chuyên cung cấp thịt rau củ cho các khu vực đô thị sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi Việt Nam gia nhập TPP bởi họ không thể nhanh chóng điều chỉnh được công nghệ và tập quán sản xuất. Nhóm các hộ chăn nuôi nhỏ với đặc điểm tự cung tự cấp là chủ yếu sẽ ít chịu tác động hơn.

Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp đang phát triển rất mạnh đàn bò của mình sẽ xử lý thế nào trước những khó khăn của ngành chăn nuôi Việt Nam? 

Ngày 21/11/2015 tại Khách sạn Rex, Tp. Hồ Chí Minh, Kênh thông tin Kinh tế Tài chính CafeF phối hợp với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh doanh với chủ đề Đầu tư Nông nghiệp thời TPP.

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp như HAGL, TH, Hùng Vương.

Để biết thêm thông tin và tham dự chương trình, quý nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đăng ký với Ban tổ chức tại: http://event.cafef.vn/.

CafeBiz là bảo trợ truyền thông chính thức cho sự kiện này.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM