Lợi nhuận ngành ngân hàng giảm hơn 25%
Đó là thông tin được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) đưa ra trong báo cáo tình hình kinh tế quý I-2015 vừa công bố ngày 2-4.
Theo cơ quan này, tính đến quý I, doanh nghiệp hoạt động còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong quý I tăng 14,2% so với cùng kì, trong đó 94,2% là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Giá điện điều chỉnh tăng làm tăng chi phí đầu vào của các ngành sản xuất, nhất là các ngành ngành sản xuất vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng). Trong điều kiện thị trường bất động sản phục hồi chậm, khó có khả năng điều chỉnh giá đầu ra tăng, việc điều chỉnh giá điện sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, NFCS cũng cho biết, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua đã được đẩy mạnh, trong đó xu hướng sáp nhập, hợp nhất diễn ra mạnh mẽ hơn. Các thương vụ sáp nhập thời gian tới kỳ vọng nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng. Ngoài ra, lợi nhuận hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm. Cơ quan này cũng dẫn số liệu tự tổng hợp từ các ngân hàng cho thấy, năm 2014, lợi nhuận bình quân hệ thống giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Định hướng trong thời gian tới, cơ quan giám sát tài chính khuyến nghị, trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm, trong năm 2015 việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng như lãi suất và tỉ giá cần được xem xét trong dư địa cho phép của lạm phát. Tăng cường phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ để bảo đảm tổng cung tín dụng cho nền kinh tế. Từ nay đến cuối năm, cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư Nhà nước, góp phần đảm bảo mức tổng đầu tư toàn xã hội cho mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, căn cứ vào diễn biến tình hình lạm phát, chính sách tiền tệ cũng cần điều chỉnh lãi suất và cung tiền phù hợp để một mặt đảm bảo mục tiêu ổn định tỉ giá một mặt đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, NFSC đề nghị trọng tâm của năm 2015 cần theo hướng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và thể chế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực, tăng cường minh bạch thông tin nhằm giảm thiểu chi phí hành chính và chi phí cơ hội khác. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung.
>> Vì sao làn sóng nhân sự rời bỏ ngành ngân hàng ngày càng lớn?
Theo Trà Phương