Lịch sử thâu tóm của đại gia mua 80% cổ phần mảng bánh kẹo Kinh Đô
Mondelēz (hay Kraft Foods) ra đời nhờ hàng loạt thương vụ M&A không ngừng nghỉ, mua đi bán lại, hợp nhất rồi chia tách kéo dài gần 1 thế kỷ trong ngành thực phẩm ở Mỹ.
Với việc mua lại 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Kinh Đô - doanh nghiệp bánh kẹo lớn nhất Việt Nam, tập đoàn Mondelēz International đang tiếp tục nối dài thêm bản danh sách M&A trong lịch sử gần trăm năm của mình trên phạm vi toàn cầu.
Mondelēz International, Inc. là một tập đoàn đa quốc gia trong ngành bánh kẹo, thực phẩm và đồ uống (Mỹ) với hơn 107.000 nhân viên trên toàn cầu.
Đặt trụ sở tại Deerfield, bang Illinois, ngoại ô Chicago, công ty này sở hữu hàng loạt thương hiệu tỷ đô nổi tiếng khắp thế giới, như sô-cô-la Cadbury (mua lại công ty Cadbury, Anh, năm 2010) và sô-cô-la Milka; cà phê Jacobs; bánh quy Toblerone, Nabisco và Oreo; đồ uống bột LU, Tang; và kẹo cao su Trident.
Mondelēz được thành lập tháng 10/2012 sau khi Tập đoàn Kraft Foods tách ra làm hai công ty là Kraft Foods Group (chuyên trách mảng thực phẩm) và Mondelēz International (mảng bánh kẹo, snack).
Mondelēz (hay Kraft Foods), có xuất phát điểm khá đặc biệt, ra đời nhờ hàng loạt thương vụ M&A không ngừng nghỉ, mua đi bán lại, hợp nhất rồi chia tách kéo dài gần 1 thế kỷ trong ngành thực phẩm ở Mỹ, mà xuất phát điểm là 2 công ty National Dairy và Kraft Cheese.
National Dairy - Ông lớn đứng đầu ngành sữa Hoa Kỳ
Công ty Sữa Quốc gia National Dairy, thành lập ngày 10/12/1923 nhờ việc sáp nhập giữa công ty kem McInnerney của Thomas H. McInnerney ở Chicago, với công ty Rieck McJunkin Dairy Co của Pittsburgh ở Pennsylvania.
Thomas đã thuyết phục được Goldman Sachs và Lehman Brothers tài trợ cho chiến lược cuộn lên của National Dairy (roll-up strategy, áp dụng cho các thị trường phân tán cao như ngành kem Mỹ), bằng cách mua lại và hợp nhất nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Bằng cách này, National Dairy đã mở rộng hàng loạt sản phẩm từ sữa. Năm 1930, National Dairy vượt qua đối thủ Borden, trở thành công ty sữa lớn nhất Hoa Kỳ và thế giới.
National Dairy đã thành công lớn với chiến lược cuộn lên và tăng trưởng nhanh chóng sau khi mua lại hàng loạt công ty trong ngành. Tổng cộng công ty này đã thâu tóm hơn 55 công ty trong giai đoạn năm 1923-1931.
Kraft Cheese – Đại gia pho mát
Mẫu quảng cáo trên báo của Kraft Cheese năm 1921.
James Kraft L., cha đẻ của pho mát Kraft, sinh năm 1897 tại tại Stevensville, Ontario, Canada. Ông di cư đến Mỹ vào năm 1903 và khởi nghiệp bằng nghề bán buôn pho mát ở Chicago. Sau thất bại năm đầu tiên (lỗ 3.000 USD và 1 con ngựa), ông cùng 4 anh em trai lên kế hoạch lập ra công ty J.L. Kraft and Bros. Company vào năm 1909. Ngay từ năm 1911, họ đã đầu tư cho quảng cáo và gửi thông báo tới khách hàng.
Năm 1912, công ty thành lập trụ sở tại Thành phố New York, bước đầu mở rộng kinh doanh. Đến năm 1914, nhờ phát triển mạnh về sản phẩm, quảng bá bằng marketing và mở 1 nhà máy ở Illinois, 31 loại pho mát của Kraft đã được bán ra trên toàn nước Mỹ.
Năm 1915, Kraft còn phát minh ra loại pho mát tiệt trùng không cần giữ lạnh, giúp kéo dài thời gian sử dụng. Phát kiến này được cấp bắng sáng chế và bán cho quân đội Mỹ 6 triệu pounds sản phẩm phục vụ Thế chiến I.
Năm 1924, công ty đổi tên thành Công ty Kraft Cheese và niêm yết trên thị trường chứng khoán Chicago. Năm 1926, nó đã được niêm yết trên NYSE. Sau đó là thời kỳ cũng cố và phát triển thị trường trong nước thông qua mua lại doanh nghiệp khác và cạnh tranh với National Dairy và Borden.
Năm 1928, Kraft Cheese mua lại Phenix Cheese Company và đổi tên thành Công ty Kraft-Phenix Cheese.
Năm 1929, Kraft Phenix hợp nhất với The Hershey Company và Colgate. Cùng năm nay, cả National Dairy, Borden và Standard Brands (công ty sau này thuộc sở hữu của Kraft Foods) đều nhóm ngó thôn tính Kraft - Phenix.
Năm 1930, Kraft - Phenix chiếm đến 40% thị phần pho mát Mỹ và đứng thứ 3 trên thị trường sữa, sau National Dairy và Borden.
National Dairy mua lại Kraft-Phenix
Năm 1930, National Dairy mua lại Kraft Phenix và giữ nguyên tên gọi National Dairy cho đến năm 1969 mới đổi thành Kraftco. Doanh thu tại thời điểm 1930 của National Dairy là 315 triệu USD và của Kraft Phenix là 85 triệu USD.
Trước đây, toàn bộ doanh thu bán hàng của National Dairy đến từ các sản phẩm sữa. Tuy nhiên, các dòng sản phẩm sau đó bắt đầu đa dạng hóa từ sữa và các chế phẩm sữa, cho đến kẹo caramen, mì ống, pho mát và bơ thực vật...
Từ những năm 1950 trở đi, công ty bắt đầu rời bỏ các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như sữa nước, bằng cách cắt giảm và thoái vốn ra khỏi mảng này. Xu hướng này tiếp diễn cho đến khi các sản phẩm chủ yếu được sản xuất ra chỉ còn là pho mát. Thế nên ngày nay, lịch sử công ty được kể lại chỉ xoay quanh câu chuyện về pho mát.
Trong Thế chiến II, khoảng 4 triệu pounds pho mát của công ty được chuyển đến Anh mỗi tuần.
Jame L. Kraft, Nhà sáng lập công ty Kraft.
Cuối những năm 1950, Kraftco liên tục mở rộng và đa dạng hóa (cả Thomas McInnerney, sáng lập National Dairy và James L. Kraft, người sáng lập Kraft khi đó đều đã mất). Công ty còn mua lại một doanh nghiệp đóng chai thủy tinh Metro Glass vào năm 1956.
Những năm 1960, việc phát triển sản phẩm càng trở nên ồ ạt, Kraftco tung ra đủ loại mặt hàng, từ thạch trái cây, kẹo dẻo, nước sốt thịt nướng, và vươn rộng ra nhiều thị trường trên toàn cầu.
National Dairy đổi tên thành Kraft
Năm 1969, National Dairy đổi tên thành Kraftco. Lý do đổi tên là: “Việc mở rộng và đổi mới đã đẩy chúng tôi ra xa ngành sữa và kem mà chúng tôi từng khởi nghiệp vào năm 1923. Doanh thu bán hàng của các sản phẩm này đã chững lại hơn 10 năm qua và năm 1969 chỉ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu”.
Năm 1976, công ty đổi thành Kraft, Inc. nhằm tập trung nhấn mạnh thương hiệu và cho thấy công ty chỉ tập trung vào pho mát, còn sữa chỉ chiếm phần rất nhỏ trong doanh số bán hàng.
Năm 1980, Kraft sáp nhập với Dart – nhà sản xuất pin Duracell, hộp nhựa Tupperware, đồ gia dụng West Bend, đồ nhựa Wilsonart và thủy tinh Thatcher, trở thành công ty Dart & Kraft.
Những năm 1980, nhiều thương hiệu của Dart & Kraft kinh doanh không hiệu quả khiến công ty phải tách mảng kinh doanh phi thực phẩm (trừ pin Duracell) thành công ty Premark International, và đổi tên trở về là Kraft. Premark sau đó được Illinois Tool Works mua lại vào năm 1999.
Năm 1988, Kraft bán pin Duracell cho công ty Kohlberg Kravis Roberts.Năm 1996, Gillette mua pin Duracell. Năm 2005, Gillette bị Procter và Gamble thâu tóm.
Philip Morris mua lại Kraft và sáp nhập với General Foods
Cuối năm 1988, Philip Morris mua công ty Kraft với giá 1,29 tỷ USD. Năm 1989, Kraft sáp nhập với General Foods (nhà sản xuất thịt Oscar Mayer, cà phê Maxwell House, Jell-O gelatin, đồ nướng ENTENMANN, bột pha uống Kool-Aid, Crystal Light và Tang và nhiều loại thực phẩm đóng gói khác) trở thành Kraft General Foods.
Trong giai đoạn 1990-1994, công ty mua đi bán lại nhiều công ty và rồi lại bán đi các mảng kinh doanh không hiệu quả do sức ép về quy mô quá lớn và sự mở rộng kém tập trung của mình.
Năm 1995, công ty đổi tên thành Kraft Foods Inc. Cùng năm đó, Kraft Foods phải bán đi nhiều mảng kinh doanh bánh và kẹo.
Kraft bắt tay vào quá trình tái cơ cấu tổng lực vào tháng 1/2004, sau 1 năm doanh số bán hàng sụt giảm mạnh và phải sa thải CEO Betsy Holden. Công ty đã phải đóng cửa 19 cơ sở sản xuất, cắt giảm 5.500 nhân sự và bán đi 10% các sản phẩm mang nhãn hiệu Kraft trên toàn cầu.
Năm 2007, Philip Morris (nay là Altria Inc.) đã bán cổ phần Kraft Foods và hai công ty không còn liên quan đến nhau nữa.
Trong một diễn biến khác, tháng 2/2008, Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett công bố mua 8% cổ phần tại Kraft trị giá trên 4 tỷ USD. Đối tác kinh doanh của Buffett là Charles Munger cũng đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào Kraft.
Toàn cảnh trụ sở công ty Kraft Foods ở Northfield, Illinois.
Mua Cadbury và tách làm 2: Mondelēz Internationl và Kraft Foods Group
Tháng 1/2010, Kraft Foods mua lại công ty Cadbury, nhà sản xuất sô-cô-la Dairy Milk và Bournville của Anh, với giá 19,5 tỷ USD.
Chủ tịch kiêm CEO Irene Rosenfeld của Kraft kỳ vọng mua Cadbury sẽ giúp công ty phát triển tại các thị trường mới nổi như Brazil và Ấn Độ nhờ sự hiện diện mạnh mẽ của Cadbury tại đây vào thời điểm đó. Tuy nhiên kết quả không được như Irene Rosenfeld trông đợi. Doanh thu Cadbury sau khi về tay Kraft không tăng trưởng, và mặc dù Cadbury giúp doanh thu Kraft tăng 30% nhưng lợi nhuận ròng lại sụt giảm do chi phí mua lại kéo xuống.
Vào tháng 8/2011, Kraft Foods công bố kế hoạch phân chia thành hai công ty, 1 kinh doanh mảng thực phẩm (grocery) và 1 kinh doanh bánh kẹo và đồ ăn vặt (snack).
Trong tháng 10 năm 2012, Kraft Foods đổi tên thành Mondelēz International đồng thời chia tách Kraft Foods Group.
Năm tài chính 2013, doanh thu của Mondelēz đạt 35,3 tỷ USD, lợi nhuận ròng là 3,92 tỷ USD và hoạt động tại hơn 80 quốc gia trên toàn cầu.
>> Chia tay bánh kẹo, Kinh Đô đầu tư vào đâu?
Kỳ Anh