Làm ngân hàng, ở Việt Nam sướng hơn Mỹ nhiều!

20/01/2014 08:10 AM | Kinh doanh

Một bên quên không gửi hai cái báo cáo, chẳng tội vạ gì đến ai, bị phạt ngay 35.000 tỷ đồng. Một bên đánh mất gần 4.000 tỷ đồng của khách, chẳng sao.

Toàn cảnh vụ Huỳnh Thị Huyền Như

Năm 2014, Văn phòng công tố liên bang khu vực Nam New York khai xuân với một án phạt tiền tỷ. Ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ JP Morgan Chase & Co. sẽ phải cắn răng nộp 1,7 tỷ đôla (khoảng 35.000 tỷ đồng) để đổi lấy hai năm “hoãn truy tố” vì “có trách nhiệm” trong vụ Bernard Madoff lừa đảo 68 tỷ đôla của 4.900 nhà đầu tư.

Công bằng mà nói, số nhà đầu tư này phần nào cũng vì ham lãi cao mà gửi trứng cho ác, ai ngờ đâu toàn bộ quỹ đầu cơ hoành tráng của ông cựu Chủ tịch sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ lại chỉ là trò lừa lấy tiền người sau trả cho người trước. Nghe chẳng khác gì vụ Vietinbank Huỳnh Thị Huyền Như lừa gần 4.000 tỷ đồng của nhiều công ty và ngân hàng tại Việt Nam.

Báo …

Đảo một vòng các báo cả trong lẫn ngoài nước, thấy tội JP Morgan thật là to. Nào là suốt 20 năm trời làm ngân hàng mở tài khoản chính của Bernard Madoff. Nào là đã giúp Madoff chuyển ngân lòng vòng 150 tỷ đôla. Nào là vi phạm luật chống rửa tiền, nhắm mắt cho qua những giao dịch đáng ngờ mà không báo cáo với nhà chức trách.

Cái “tội” của JP Morgan, nghe xong, chắc đại bộ phận công chúng Việt Nam không khỏi giật mình: sao mà cơ quan công tố bên Mỹ lại “rắn” đến vậy?

Nhưng cụ thể JP Morgan Chase làm gì sai?

Mở tài khoản cho nhà Madoff? Không có chuyện, chẳng ngân hàng nào lại đi hỏi tường tận lai lịch từng món tiền kiếm ở đâu, dùng làm gì cả, nhất là đây chỉ là một tài khoản thanh toán bình thường.

Không phát hiện được giao dịch đáng ngờ? Ai mà ngờ được, đến chính nhà chức trách Mỹ cũng phải đợi đến lúc hai con trai nhà Madoff tố cáo bố mình mới biết chuyện. Hơn nữa, cần nhắc lại, Madoff chỉ mở tại JP Morgan một tài khoản thanh toán bình thường.

Cái “tội” của JP Morgan, nghe xong, chắc đại bộ phận công chúng Việt Nam không khỏi giật mình: sao mà cơ quan công tố bên Mỹ lại “rắn” đến vậy? Dù sao thì chúng ta cũng đã quen với cách tiếp cận “nhân văn mà đầy tính cảm thông” của viện kiểm sát Việt Nam trong vụ Huyền Như vừa qua.

Chân tướng tội lỗi ‘động trời’ của JP Morgan

Chuyện là hồi giữa tháng 9/2008, sau khi Lehman Brothers sụp đổ, bộ phận Cổ phiếu Ngoại lai (Equity Exotics Desk) của văn phòng JP Morgan đặt tại London tiến hành thẩm tra lại toàn bộ các khoản đầu tư của mình (trong đó có đầu tư vào quỹ của Madoff), xem cái nào yếu thì rút trước. Tới giữa tháng 10, một nhân viên phân tích báo cáo rằng anh này không thế ‘tái tạo’ lại cách quỹ của Madoff cho lợi nhuận đều và ổn định đến thế, hơn nữa công ty kiểm toán cho quỹ này lại không mấy danh tiếng. Tóm lại là “có vẻ nghi”.

Người đàn ông này năm ngoái được cả TT Obama và tỷ phú Warren Buffett khen là "banker giỏi nhất thế giới". Trong một năm qua, ngân hàng ông nhiều lần bị đe truy tố hình sự và đã phải nộp phạt 22 tỷ đôla vì những sai lầm trước, trong và sau khủng hoảng tài chính 2008.
(Ảnh: CEO Jamie Dimon của JP Morgan Chase & Co.)
Cũng phải nói luôn, đó là thời điểm ngân hàng đầu tư lớn thứ tư vừa sụp đổ, ngân hàng đầu tư lớn thứ ba sắp bị thôn tính và chỉ mấy tháng sau cả ngân hàng thương mại lớn thứ ba lẫn hãng bảo hiểm lớn nhất sẽ bị quốc hữu hóa. Nói chung, tất cả những kẻ mặc áo vét đi làm trông đều đáng nghi.

Ấy là cái lúc JP Morgan quyết rút tiền, và may mắn đã rút về được tới hơn 80% vốn đầu tư trước khi Madoff bị bắt (của đáng tội, cũng chỉ 288 triệu đôla so với tổng tài sản hơn hai ngàn tỷ của JP Morgan Chase khi ấy, tức là về số tuyệt đối chỉ nhỉnh hơn cú lừa của Huyền Như một chút, còn tính tương đối theo tổng tài sản thì nhỏ hơn cả trăm lần so với vụ việc ở Vietinbank).

Trước khi rút tiền, bộ phận Cổ phiếu Ngoại lai đã báo cáo đến nơi đến chốn phát hiện của mình với cả Trưởng bộ phận Chống rửa tiền Khu vực Châu Âu-Trung Đông-Châu Á tại JP Morgan lẫn cơ quan có thẩm quyền tại Anh.

Nhưng thế là chưa đủ, theo Văn phòng Công tố Nam New York, JP Morgan vẫn mắc hai “tội” theo Đạo luật Bí mật Ngân hàng năm 1970 của Mỹ:

JP Morgan London “nghi” quỹ của Madoff, sao không gửi báo cáo phân tích cho JP Morgan Bắc Mỹ? Ấy là “tội” thứ nhất.

Quỹ của Madoff đặt tại Mỹ, nếu “nghi”, sao không gửi báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền của Mỹ? Ấy là “tội” thứ hai.

Chuyện chỉ có vậy, nhưng cũng đủ khiến JP Morgan nộp phạt 1,7 tỷ đôla, lại còn bị báo chí từ Mỹ đến Việt Nam mạt sát không thương tiếc. Mà như thế nào đã xong, đều đặn mỗi quý JP Morgan sẽ phải nộp một báo cáo chi tiết đã khắc phục hệ thống chống rửa tiền đến đâu. Hết thời hạn "hoãn truy tố", nếu làm không đến nơi đến chốn, vụ việc này sẽ bị đem ra xem xét lại.

Chẳng biết có phải vì cái mức độ 'cay' của thỏa thuận này hay không, mà Văn phòng Công tố Nam New York cũng cấm luôn JP Morgan không được có phát ngôn nào đi ngược với nội dung phán quyết.

Chẳng đâu sướng như Việt Nam

JP Morgan chỉ vì không gửi một báo cáo phân tích từ London tới New York mà bị phạt gấp 6 lần số vốn kịp rút khỏi quỹ của Madoff, còn bị ‘nâng quan điểm’ thành ‘thất bại trong việc duy trì một hệ thống chống rửa tiền hiệu quả’.

Còn Vietinbank, duy trì một hệ thống quản trị nội bộ mà nhiều luật sư và đa số dư luận đánh giá là quá yếu kém, yếu kém đến nỗi để nhân viên của mình có thể rút số tiền tương đương vốn điều lệ của một ngân hàng cỡ trung mà chẳng ai biết gì, thì chẳng làm sao. Theo dõi diễn biến phiên tòa, nhiều khả năng trách nhiệm sẽ được đổ hết lên đầu Huỳnh Thị Huyền Như và những người gửi tiền, hoặc cùng lắm là có thêm hai phó giám đốc chi nhánh Vietinbank Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng đừng ai thắc mắc sao không phạt thật nặng Vietinbank. Đơn giản, muốn phạt phải có luật, mà cái ấy thì Việt Nam ta lại chưa có. Thôi thì cứ tạm phê bình đã vậy.

Thế mới biết, làm ăn ở Việt Nam dễ hơn nhiều so với ở Mỹ.

>> Bay mất hàng chục tỷ, đôi khi chỉ vì đen

Minh Tuấn

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM