Kinh nghiệm khởi nghiệp của CEO Room to Read

25/05/2015 08:41 AM | Kinh doanh

Erin Ganju – nhà đồng sáng lập, CEO của tổ chức phi chính phủ Room to Read đã hoạt động trong lĩnh vực phát triển kinh doanh quốc tế trong nhiều năm, trước khi bà nhận ra và theo đuổi niềm đam mê đích thực của mình: mang đến cơ hội giáo dục cho người nghèo.

Để chuyển sang lĩnh vực phi lợi nhuận, Erin Ganju phải chấp nhận từ bỏ cuộc sống hiện tại với một tương lai "xuôi chèo mát mái" để đối diện với rất nhiều thử thách mới.

Erin đã bước chân vào con đường mới với suy nghĩ rằng, những thách thức phía trước nếu không “giết” được mình thì sẽ giúp mình trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn.

Khi bà và những nhà đồng sáng lập cho ra đời Room to Read vào năm 2000, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như: đảm bảo nguồn tài trợ, thu hút những tình nguyện viên chất lượng, tạo ra tác động tích cực và hiệu quả cho cộng đồng…

Hầu như tất cả các doanh nhân ở Thung lũng Silicon đều có cùng một quan điểm sống, đó là “ngã về phía trước” (fail forward). Erin Ganju và các cộng sự của bà cũng luôn tâm niệm điều đó khi lập nên văn phòng đầu tiên của Room to Read ở San Francisco.

Họ đã tạo ra một mô hình hoạt động hoàn toàn mới, với suy nghĩ tích cực rằng, nếu như mình thất bại, đây sẽ là một kinh nghiệm quý báu dành cho các nhà khởi nghiệp khác sau này. Họ bỏ ra khoảng thời gian một năm để thử nghiệm mô hình mới ở hai quốc gia là Nepal và Việt Nam, song song đó là việc cố gắng duy trì và làm tăng thêm nguồn vốn cho tổ chức. Nếu không đạt được mục tiêu trong thời hạn một năm, họ sẽ bỏ cuộc.

Erin Ganju cho biết, khi nhìn lại năm đầu tiên của Room to Read, một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp họ thành công chính là việc đặt ra các mục tiêu cụ thể và báo cáo tiến độ thực hiện thường xuyên với các nhà tài trợ.

Việc định hướng rõ ràng mục tiêu kết hợp với sự minh bạch đối với nhà tài trợ đã phát huy hiệu quả đến nỗi nó nhanh chóng trở thành nguyên tắc cốt lõi trong mọi chiến lược hoạt động của Room to Read.

Trẻ em Campuchia được học đọc và viết theo chương trình xóa mù chữ của tổ chức Room to Read. Ảnh: Anne Holmes

Trẻ em Campuchia được học đọc và viết theo chương trình xóa mù chữ của tổ chức Room to Read. Ảnh: Anne Holmes

Mười lăm năm sau, thay vì trở thành một ví dụ điển hình cho việc khởi nghiệp thất bại, Room to Read đã được viện Brookings chọn làm hình mẫu đại diện cho trường hợp thành công trong hiện thực hóa ý tưởng.

Từ năm đầu tiên của Room to Read cho đến tận hôm nay, trên bàn làm việc của Erin Ganju luôn có dòng phát biểu nổi tiếng của triết gia người Đức Johann Wolfgang von Goethe: “Bất cứ điều gì bạn nghĩ rằng mình có thể làm được, hoặc mơ ước rằng mình làm được thì bạn sẽ làm được. Sự táo bạo mang đến nguồn năng lượng và phép màu giúp bạn thành công”.

“Vì vậy, khi tìm thấy được nguồn cảm hứng mạnh mẽ đến từ ‘hỗn hợp cảm xúc’ sợ hãi và phấn khích, đừng chần chừ, hãy theo đuổi nó ngay lập tức. Bởi vì tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ một thế giới có nhiều người dám theo đuổi ước mơ”, Erin Ganju cho biết.

>>10 Quy tắc thành công bất kỳ công ty khởi nghiệp nên làm theo

Theo Bích Trâm

Cùng chuyên mục
XEM