"Hơn 71.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là bình thường"

26/12/2015 19:40 PM | Kinh doanh

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra khi bình luận về con số 71.391 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong năm 2015

Trước đó, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 của Tổng cục Thống kê cho biết, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước

Ngoài ra, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể , chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm là 9467 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm trước.

Doanh nghiệp ngừng hoạt động là bình thường

Như vậy, con số doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc chính thức chấm dứt hoạt động cao hơn rất nhiều lần so với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2015, khi chỉ có 21506 doanh nghiệp, tăng 39,5% so với năm trước.

Tuy nhiên, một thông tin vui được Tổng cục Thống kê đưa ra là trong năm 2015, cả nước có 94754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Với tổng vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014.

Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 là 1.471,9 nghìn người, tăng 34,9% so với năm 2014.

Bình luận về con số có hơn 71.000 doanh nghiệp gặp khó khăn nên phải tạm ngừng hoạt động, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho rằng việc DN phải giải thể, tạm dừng hoạt động là quy luật tất yếu của thị trường.

Ông Lâm cũng thông tin thêm, trong số hơn 71.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thì có khoảng trên 55.000 doanh nghiệp giải thể. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì việc doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả và phải giải thể là bình thường. Ngoài ra, nếu so sánh với nhiều nước thì tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể ở Việt Nam là khá thấp.

Điều đáng chú ý là qua điều tra đăng ký kinh doanh hàng quý do Tổng cục Thống kê thực hiện cũng cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp rất tin tưởng vào hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016.

Doanh nghiệp đã tin tưởng vào năm 2016

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: có 40,9% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên trong quý I/2016; có 42,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên.

Về đơn đặt hàng, có 38,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng cao hơn; 18,1% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 43,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. Đặc biệt, có tới 91,1% số doanh nghiệp lạc quan về số lượng đơn hàng năm 2016 sẽ tăng so với năm 2015.

Đơn đặt hàng xuất khẩu cũng được dự báo tăng cao hơn so với quý trước, khi có 33% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 19,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 47,8% số doanh nghiệp dự kiến ổn định. Đối với năm 2016, có 90,8% số doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu tăng lên và giữ ổn định.

Với đơn hàng được dự báo tăng lên, các doanh nghiệp cũng giảm áp lực về tồn kho. Theo đó, có 16,5% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 29,5% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho sẽ giảm và 54% số doanh nghiệp dự báo sẽ giữ ổn định.

Tình hình sử dụng lao động cũng tăng lên khi dự báo cả năm 2016, có 34,3% số doanh nghiệp cho rằng quy mô lao động tăng so với năm 2015 (37,8% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 33,9% doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 25,9% doanh nghiệp Nhà nước dự báo quy mô lao động tăng); 57,6% số doanh nghiệp dự báo giữ quy mô lao động ổn định; 8,1% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động sẽ giảm.

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM